Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ vọng từ đô thị Cảng biển

Thứ bảy, 14/10/2023 07:30
Dự án bến cảng Liên Chiểu, kỳ vọng là trung tâm logistics trong tương lai.

Tăng tốc các hạng mục

Những ngày đầu tháng 10-2023, không khí làm việc tại công trường xây dựng bến cảng Liên Chiểu đang rất sôi động, khẩn trương. Từng tốp công nhân hối hả đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm tăng tốc để các hạng mục đạt tốt nhất trước khi mùa mưa bão ập đến. Hàng ngàn khối đất đá liên tục được đổ xuống biển để định hình cho hệ thống đê, kè chắn sóng từ phía xa. Theo đại diện Tổng thầu xây lắp, để đáp ứng tiến độ thi công, trên công trường luôn có gần 300 cán bộ và công nhân kỹ thuật và gần 200 máy móc thiết bị chuyên dụng các loại. “Hiện các hạng mục đê, kè đang lắp đặt khối phủ Rakuna IV nhằm đảm bảo an toàn cho các khối lượng đắp đã và đang thi công. Chúng tôi đã hoàn thành hơn 300m bảo vệ đê, kè và đáp ứng điều kiện mùa mưa bão sắp đến” – đại diện Tổng thầu xây lắp chia sẻ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, xác định những khó khăn trong thi công khi mùa mưa đến, nhất là mùa mưa bão của Đà Nẵng rất khắc nghiệt, các nhà thầu đã lên phương án thi công kỹ càng, nhằm đảm bảo tiến độ dự án cũng như kỹ thuật, chất lượng. Bởi khi mùa mưa đến, khối lượng thi công sẽ chỉ ở mức 60% so với bình thường. Tính đến đầu tháng 10-2023, các đơn vị thi công đã hoàn thành hơn 400/1.170m đê kè, đạt tỷ lệ khoảng 30%. Trong đó, đơn vị thi công đã hoàn thành nạo vét 195.482 m3/245.000m3, đạt hơn 80% khối lượng nạo vét hố móng đê kè chắn sóng phun lên bãi chứa; sản xuất gần 2.000/9.624 khối phủ Rakuna IV, đạt hơn 20%...

Ông Lê Thành Hưng – Giám đốc BQL Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho biết: Hiện nay vật liệu cát hạt trung thay nền móng đê, đá hộc thi công trên địa bàn Đà Nẵng rất khan hiếm, nên việc thực hiện dự án gặp khó khăn hơn, đặc biệt là thời gian thi công trong năm 2023 còn rất ngắn, lại chuẩn bị vào mừa mưa bão. “Ban quản lý dự án và Liên danh Nhà thầu đã tìm kiếm thêm các nguồn cát, đá tại các địa phương lân cận, như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong UBND TP Đà Nẵng cho phép nâng công suất khai thác các mỏ đá ở Đà Nẵng, để giải quyết một phần khó khăn về nguồn vật liệu cho dự án”- ông Hưng chia sẻ.

Hướng tới mục tiêu là trung tâm logistics

Cùng với phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự án đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu có tổng mức là 3.426,3 tỷ đồng, hơn một tháng trước (8-9), UBND TP Đà Nẵng đã khởi công đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan với tổng mức đầu tư hơn 1.203 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố. Tuyến đường dài hơn 2,9 km, mặt cắt ngang rộng 30m, gồm 6 làn xe. Theo kế hoạch, tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2025, giúp hình thành tuyến đường vận tải chuyên dụng với khả năng tiếp cận chiến lược cho vận hành khai thác các khu bến cảng Liên Chiểu. Đồng thời, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án và kết nối lượng hàng hóa từ các Khu công nghiệp Liên Chiểu, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp khác với Bến cảng Liên Chiểu.

Ông Lê Thành Hưng – Giám đốc BQL Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho biết: "Ban quản lý sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, điều hành, quản lý dự án đảm bảo công trình được xây dựng đúng tiến độ, chất lượng và an toàn trong quá trình vận hành, khai thác".

Trao đổi với phóng viên, rất nhiều cán bộ, người dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, có chung chia sẻ: Về đường dùng chung sẽ có nhiều cơ sở phát triển về logistics, dịch vụ để cho cảng ngày càng phát triển và tương lai sẽ là đô thị cảng ở khu vực này. Người dân rất kỳ vọng vào sự phát triển của cảng biển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân Hòa Hiệp Bắc nói riêng và thành phố nói chung.

Chỉ đạo phương án thi công tại dự án.

Sau khi khởi công vào cuối năm 2022, đến nay, tiến độ thi công dự án Bến cảng Liên Chiểu đang được đẩy nhanh, đảm bảo yêu cầu. Ông Hà Thúc Nhơn – Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: "Đây là dự án trọng điểm, động lực lớn của thành phố, xác định được tầm quan trọng nên cả hệ thống chính trị của phường vào cuộc. Vừa tuyên truyền vận động, đồng thời giải thích cho người dân hiểu được tầm quan trọng cũng như lợi ích mà dự án này mang lại. Đến nay, hơn 30% tiến độ dự án đã được giải tỏa, các hộ được bố trí tái định cư về khu tái định cư Hòa Hiệp 1, 2, 3 và đường Mê Linh. Đối với các hộ có mộ thì đến nay đã trên dưới 60% chấp hành di dời để bàn giao mặt bằng thi công dự án cảng và kết nối cảng".

Theo Đề án phát triển dịch vụ logistics Đà Nẵng kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, thành phố kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics, trong đó, trung tâm logistics cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, hạng I. Với hệ thống giao thông, cảng biển không ngừng được đầu tư, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư. Xây dựng trung tâm logistics, thành phố cảng biển, đây là định hướng đặt ra cho Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.

Công Hạnh