Báo Công An Đà Nẵng

Lá cờ giải phóng ở tỉnh đường Quảng Tín

Thứ sáu, 09/02/2018 08:45

Lá cờ chỉ tồn tại một buổi sáng mồng 1 Tết Mậu Thân 1968 ở tỉnh đường Quảng Tín nhưng để đi đến đó, biết bao máu xương chiến sĩ Tiểu đoàn 70 đã đổ. May mắn chúng tôi đã gặp những người còn sống và trực tiếp treo cờ trong ngày đáng nhớ ấy. Tiểu đoàn 70 Quảng Nam từng nổi tiếng với trận đánh Núi Thành lịch sử tháng 5-1965 và nhiều trận đánh vang dội khác. Với sự hỗ trợ vòng ngoài của các đơn vị bạn, Tiểu đoàn 70 cũng là đơn vị được chọn tấn công chính vào tỉnh đường Quảng Tín, tòa hành chính tỉnh trưởng và giải phóng nhà lao trong xuân Mậu Thân 1968. Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Tá, chiến sĩ đại đội 2 hiện ở 75-Nguyễn Duy Hiệu, Đà Nẵng không quên bất cứ chi tiết nào của trận hùng chiến năm nào. 

CCB Nguyễn Văn Tá (ngoài cùng bên trái) kể chuyện cắm cờ với đồng đội Tiểu đoàn 70.

Ông kể: “Đại đội 2 do anh Nguyễn Kỉnh làm đại đội trưởng được giao làm mũi chủ công của Tiểu đoàn 70 đánh chiếm tỉnh đường. Ngày 30, đơn vị làm thịt con heo 30 kg để chuẩn bị ra trận. 4 giờ chiều, chúng tôi lên sa bàn để tập luyện lần cuối các phương án tác chiến. Ai cũng mang trong mình niềm tin chiến thắng sẽ làm chủ chiến trường. 6 giờ tối, tất cả từ thôn 7 Kỳ Thịnh hành quân vào thị xã Tam Kỳ. Mũi đông bắc là một trung đội bộc phá liên tục và một mũi thọc sâu đi kèm, có nhiệm vụ đánh thẳng vào cổng tòa hành chính tỉnh Quảng Tín (nay là UBND tỉnh Quảng Nam). Tôi làm mũi trưởng bộc phá cùng 13 chiến sĩ tiếp cận hàng rào bên ngoài tòa nhà. Việc khởi đầu thuận lợi nhưng càng về sau càng ác liệt. Đó là do xác định thời gian có sự sai lệch lịch âm giữa miền Nam, miền Bắc nên thời điểm tổng tiến công và nổi dậy không thống nhất”.

Theo ông Tá thì sau khi cắt được 3 lớp rào, cách dinh tỉnh trưởng chừng hơn 10 m, đã gần sát với xe kiểm tra của chúng thì cả mũi bộc phá dừng lại chờ hiệu lệnh tổng tiến công. 10 giờ đêm tháng Chạp, lạnh thấu xương, chiến sĩ chỉ mặc quần đùi, áo lót, chân trần để có thể cảm giác, phản ứng với mìn nên ai nấy run cầm cập. 4 giờ 30 phút mồng 1 Tết, tức 31-1-1968, hiệu lệnh tên lửa bắn xuống sân bay Chu Lai được phát cũng là lúc mũi trưởng Tá bắt đầu giật nổ bộc phá. Các chiến sĩ tiếp tục phá tung 5 lớp rào còn lại. Khi vượt qua lớp rào bùng nhùng, một đồng chí hy sinh. Đến khi xong lớp cuối cùng thì 10 anh ngã xuống tại cửa mở do đại liên của chúng trên lô cốt bắn ra, trong công sự bắn tới, rồi pháo từ các nơi nã vào.

Mũi thọc sâu 19 chiến sĩ do trung đội trưởng Trần Kim Chước dẫn đầu nhanh như chớp chiếm dinh tỉnh trưởng. Nguyễn Văn Tá cùng 2 chiến sĩ và anh Ngọc, chính trị viên đại đội cùng băng ra ngoài sân để cắm cờ. Xe tăng địch nã đạn, hai đồng chí nữa hy sinh. Chỉ còn anh Ngọc và Tá lao được đến trụ cờ trước tỉnh đường. Cả hai lia một băng đạn xung quanh không thấy phản ứng gì mới bắt đầu hạ cờ 3 que xuống. Anh Ngọc lôi trong gùi ra lá cờ Mặt trận DTGPMNVN còn rất mới xỏ 3 sợi dây thép vào. Lúc này chừng 5 giờ 30 phút. Hai anh em kéo cờ lên đến mấy chục mét và chỉ kịp nở nụ cười mãn nguyện khi lá cờ tung trong gió là chạy như bay vào nhà tỉnh trưởng. Mới đến thềm, anh Ngọc bị trúng đạn ở chân, khụy xuống (anh thoát ra ngoài được, nhưng rồi hy sinh ở trận đánh sau này). Mũi trưởng Tá phóng lên lầu gặp ngay trung đội trưởng Chước đang cầm cự quyết liệt trước lực lượng Mỹ ngụy đông đảo. Chúng lăm le lên cầu thang thì ở trên quân ta ném lựu đạn xuống làm chúng chết như ngả rạ. Hết đạn thì bộ đội lại đi thu đạn của chúng tiếp tục đánh. Nhiều đồng chí hy sinh khi xuống lấy vũ khí. Quần sát tòa nhà là máy bay HU1A bắn đại liên như mưa, tập trung vào các cửa sổ nơi bộ đội đang chiếm giữ.

Đến 8 giờ, lực lượng thọc sâu đã hy sinh gần hết trong đó có trung đội trưởng Chước. Trên lầu chỉ còn lại ba người là Tá, Kiên và Giang. Lúc này đói quá, bữa cơm từ 4 giờ chiều ngày 30 không còn chút gì, mũi trưởng Tá bảo hai chiến sĩ đi kiếm cơm ăn, còn anh cảnh giới. Kiên đến chỗ các đồng chí đã hy sinh tháo mấy nắm cơm trong vải dù. Tất cả đều thấm máu đồng đội. Cả ba nhìn nhau ứa nước mắt rồi gạt phần máu ra một bên, ăn vội vã để chuẩn bị bước vào một đợt chiến đấu mới. Nhìn xung quanh không thấy lực lượng hỗ trợ, biết là không thể trụ lâu, mũi trưởng Tá dặn hai chiến sĩ thu súng lại và ra lệnh: “Anh ném lựu đạn xuống, nghe chớp một cái là các em nhảy xuống liền nghen”. Vậy là sau khi dọn đường phía dưới bằng quả lựu đạn, ba anh em nhảy từ tầng 2 xuống và chạy về khu vực cửa mở ban đầu. Đến lượt Kiên bị bắn ở đây, phải nằm lại. Khi chạy đến hướng đồn Trà Cai, Nguyễn Văn Tá gặp anh Nguyễn Lục bị dập nát chân. Anh Lục là người thứ 5 bị thương khi nổ bộc phá ở hàng rào trước trận đánh. Anh đã bò ra hơn 200m nhưng rồi kiệt sức tại đây. Mũi trưởng Tá rất muốn dìu anh thoát nhưng lúc này đại liên trong đồn vẫn bắn rát rạt, đôi chân anh Lục thì không thể đi được, vậy là đành để anh ở lại (Cách đây hai năm, CCB Nguyễn Văn Tá đã chỉ gia đình anh Lục tìm được hài cốt anh và đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn).

Hai chiến sĩ thoát khỏi làn đạn đuổi theo, chạy về hướng chợ Cẩm Khê và phải 5 giờ chiều mới đến đơn vị. Khu trại trống trơn, người ra trận không thấy ai về. Chị nuôi ôm hai anh em khóc thổn thức. Giang và Tá sau này được thưởng huân chương chiến công hạng hai. Cuối 1968, Giang cũng hy sinh. Vậy là trong số những người có mặt tại dinh tỉnh trưởng ngày đó, chỉ còn mỗi thương binh Nguyễn Văn Tá còn sống với bàn tay phải bị cắt bỏ trong một trận đánh.

CCB Huỳnh Văn Hạnh, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72, đơn vị tiêu diệt tiểu đoàn cộng hòa trên trục ga đường sắt ngày ấy cho biết nhiều thông tin thú vị. Ông Hạnh kể rằng, tầm 6 giờ sáng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông cùng đơn vị ra bờ kênh Ba Kỳ, nhìn về phía tỉnh đường thấy lá cờ Mặt trận nửa xanh nửa đỏ tung bay phấp phới. Ai nấy đều vô cùng mãn nguyện. Chừng 9 giờ thì thấy trực thăng Mỹ rà sát lá cờ và bắn nát. Do sợ hãi, chúng không dám treo cờ ba que lên lại ngày hôm đó...

50 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm ngày cắm cờ ở dinh tỉnh trưởng vẫn không thể nào quên với các CCB Tiểu đoàn 70. Càng tự hào về những ngày đã qua, họ càng thêm trân trọng những ngày đang sống.

Hồng Vân