Báo Công An Đà Nẵng

Lá thư từ Sơn Mỹ (Kỳ cuối: Trở lại Mỹ Lai)

Thứ bảy, 17/03/2018 16:00

Đúng hẹn, sau hai ngày vào thăm Sơn Mỹ, 9 giờ sáng ngày 22-12-2014, Seymour M.Hersh cùng một nữ phóng viên nhiếp ảnh của tờ The New Yorker - tờ báo mà ông đang cộng tác và cô Phương thông dịch viên, đến nhà tôi. Chúng tôi tiếp ông ngay tại bàn tiếp khách hàng ngày của gia đình, không bày biện gì thêm, trừ chân dung phù điêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp in trên đĩa làm bằng đá Non Nước, do Cục Kỹ Thuật QK5 tặng tôi nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944-22-12-2014). Tôi đặt chân dung Đại tướng trên bục cao đối diện với bàn tiếp khách, nhìn vừa trân trọng vừa gần gũi. Đang ngắm nhìn, chỉnh sửa chân dung của Đại tướng cho ngay ngắn, quay ra ngõ tôi thấy một người Mỹ cao, khoảng trên 70 tuổi nhưng rất nhanh nhẹn, đang đi vào... Đây chính là nhà báo Seymour M.Hersh-ân nhân của nhân dân Sơn Mỹ, trong đó có tôi.

Vợ chồng tác giả trò chuyện với nhà báo Seymour M.Hersh.

Nhà tôi có khoảng sân tương đối rộng, làm chỗ bán cafe và được thiết kế theo kiểu "Cafe sân vườn", có cầu tre, ao cá...Tôi không đợi ông vào mà đi nhanh ra ngõ đón ông. Chúng tôi gặp nhau ở giữa sân, ngay trên chiếc cầu bắc qua ao cá. Hình như ông cũng đoán biết tôi là người ông hẹn gặp. Không do dự, ông nắm tay tôi thật chặt và chúng tôi ôm hôn nhau như những người bạn thân thiết! Ngẫu nhiên mà trùng hợp, đàn cá dưới ao trở mình, quẫy đuôi tung bọt nước như vui mừng chứng kiến cuộc gặp gỡ của chúng tôi-hai nhân chứng, ở hai phía của một sự kiện đau thương đã đi vào lịch sử...

Vợ chồng tôi mời Seymour M.Hersh, cô phóng viên và cháu Phương thông dịch ngồi vào bàn uống nước và ăn trái cây. Hersh cảm ơn, nhưng từ chối và chỉ vào bụng- ý muốn nói là còn no vì mới ăn sáng...Seymour M.Hersh tuy không ăn, nhưng khi tôi cầm trái chuối mời ông, ông nhận và lấy thêm một trái trong đĩa, nói để... "đem về cho vợ và con đang ở khách sạn!". Tôi hiểu ý ông và cầm đưa thêm cho ông hai trái nữa và nói vui là cho "đủ cặp". Mọi người cười vui vẻ. Chưa kịp uống cafe thì cô phóng viên vội xin phép tôi cho cô chụp một vài tấm ảnh, vì phải vào lại Mỹ Lai chụp ảnh cái mương nước, mà theo Hersh là rất quan trọng, vì nơi đây trong vụ thảm sát, hơn 170 người dân bị giết, nằm chết dưới cái mương, nhưng hôm qua cô phóng viên chưa chụp (tấm ảnh cái mương nước được đăng trong tạp chí The NEW YORKER số tháng 3-2015, cùng với bài viết về Sơn Mỹ của Seymour M.Hersh trong chuyến đi nầy).

Seymour M.Hersh tự giới thiệu về mình giống như những gì tôi đã tìm hiểu và biết về ông. Và ông cho biết thêm: Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đi lính quân dịch trong 2 năm 1960-1961, năm 1972 ông qua Pháp để đưa tin về hội nghị Paris bàn về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ở đó ông có gặp và phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình. Vừa rồi khi mới đến Việt Nam ông cũng đã tới thăm bà Nguyễn Thị Bình ở Hà Nội. Ở Hà Nội ông có nhiều bạn thân, trong đó có Phó giáo sư, Tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hà. Vừa nói ông vừa lấy tấm danh thiếp của anh Hà đưa cho tôi xem. Tôi cầm tấm danh thiếp xem và nói với ông: Nguyễn Mạnh Hà cũng là bạn lâu năm của tôi, trước đây anh ấy làm Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nghe tôi nói thế ông ồ lên một tiếng và nắm chặt tay tôi thật lâu. Mọi người cùng cười vui vẻ, chan hòa trong sự hiểu  biết lẫn nhau.

Sơn Mỹ hôm nay.   Ảnh: P.Thủy

Cũng như những người Mỹ khác, Seymour M.Hersh rất muốn biết thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam và đặt rất nhiều câu hỏi nhưng có lẽ câu hỏi lớn nhất, làm cho ông thắc mắc nhiều nhất là tại sao Việt Nam lại thắng được Mỹ? Tôi trả lời tất cả những câu hỏi của ông, giải thích cho ông hiểu về lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của Việt Nam, về lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất và lòng vị tha của nhân dân Việt Nam; về cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích; về "trận địa lòng dân"... mà chúng ta đã áp dụng trong đánh Mỹ và thắng Mỹ. Sau khi nghe, Hersh nói ông rất thích những điều tôi vừa nói. Ông nói: "Tôi rất khâm phục lòng bao dung của người Việt Nam, người dân Mỹ Lai đã gác lại quá khứ đau thương để hướng đến tương lai. Đó cũng là lý do tôi tìm đến nơi đây và chắc chắn tôi sẽ viết về Sơn Mỹ, về Mỹ Lai, về nước Mỹ để những điều tồi tệ nầy không lặp lại ở những nơi khác...". Ông cũng không quên hỏi thăm về gia đình và cuộc sống của tôi. Khi biết sau vụ Sơn Mỹ tôi được bộ đội cưu mang, dẫn lên núi và trở thành lính "Giải phóng", năm 2005 về hưu với quân hàm Đại tá..., ông tỏ vẻ ngạc nhiên, đứng dậy bắt tay tôi một lần nữa và nói ông cũng từng làm lính...

Đoạn, ông ngước nhìn lên ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỉm cười và đưa nắm tay lên như muốn nói với chúng tôi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là số một! Chúng tôi cùng cười và cũng đến lúc kết thúc cuộc gặp. Trước khi chia tay Seymour M.Hersh cùng chụp ảnh với gia đình tôi làm kỷ niệm. Đối với tôi và gia đình đó là một kỷ niệm khó quên!

VÕ CAO LỢI