Báo Công An Đà Nẵng

Lạc bước...

Thứ sáu, 12/12/2014 13:00

(Cadn.com.vn) - Chỉ vì một lần lạc bước vào nhà trọ bình dân cùng người đàn bà đứng trên vỉa hè đường phố Đà Nẵng mà chàng công nhân từ một huyện nghèo của tỉnh Quảng Ngãi tên T.V.P. (23 tuổi) đã phải mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Khi nhận kết quả từ bệnh viện, P. suy sụp, nảy sinh ý định tìm đến cái chết để kết thúc mọi thứ. Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc sau mình có thể còn có nhiều người sẽ phải rơi vào hoàn cảnh tương tự nên trước khi rời Đà Nẵng, P. liên hệ với tôi nhờ lên tiếng để cảnh báo...

Tôi điện thoại mời đến một quán cà-phê, P. từ chối. Sau một phút im lặng, P. lên tiếng: “Anh có thể đến Công viên 29-3 gặp em được không?”. Tôi đến điểm hẹn, P. đã ngồi tại ghế đá trong công viên. P. dè dặt mở đầu câu chuyện: “Em bị nhiễm HIV sau một lần vui vẻ với người phụ nữ lạ tại một nhà trọ bình dân trên địa bàn TP Đà Nẵng. P. trầm ngâm một lúc rồi lên tiếng: “Khi nhận được kết quả từ bệnh viện em rất sốc, muốn tìm cách trả thù đời và nghĩ đến cái chết để kết thúc mọi thứ. Vậy nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, em đã gạt bỏ tất cả những ý nghĩ tiêu cực và đen tối đó. Hiện tại mong muốn lớn nhất của em là mọi người đều có thể hiểu rõ được tác hại khi quan hệ tình dục không an toàn. Từ đó hãy tránh xa với thú vui lệch lạc để gia đình được vui vẻ, hạnh phúc. Chính vì vậy, trước khi rời Đà Nẵng, có lẽ em vào TPHCM, em quyết định gặp anh để bày tỏ tâm sự”...

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp THPT, P. đăng ký dự thi vào một trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng nhưng không đạt. Không bỏ cuộc, P. tiếp tục khăn gói rời Quảng Ngãi ra Đà Nẵng ôn luyện cho kỳ thi năm sau. 1 năm bám thành phố dùi mài kinh sử, nhưng cánh cổng giảng đường vẫn quá cao so với năng lực của P. Không thể thành công trên con đường học vấn, P. quyết định chọn nghề công nhân kiếm sống. Vốn là thanh niên hiền lành, xuất thân từ một gia đình nghèo khó nên P. chẳng màng chuyện chơi bời, nhậu nhẹt. Tích góp được đồng nào P. đều gửi về quê nhà để ba mẹ lo cho 3 đứa em ăn học. Hiền lành, lại nghèo khó, P. ít giao lưu bạn bè nên cũng chưa có một mảnh tình “vắt vai”.

Những cô nàng “bán hoa dạo” trên phố.

Năm 2013, do hợp đồng sản xuất ít, Cty giảm số lượng công nhân và P. thuộc nhóm những công nhân mất việc. Vậy là P. phải lặn lội tìm việc mới với mong muốn bám trụ thành phố mưu sinh. Cả tháng trời ngược xuôi, cuối cùng P. cũng kiếm được cho mình công việc mới. Và rồi, định mệnh nghiệt ngã đã đến với P. Một buổi tối trên đường từ Cty trở về, P. gặp một phụ nữ tầm 40 tuổi, phấn son lòe loẹt đứng trên vỉa hè đường vẫy gọi. Tưởng người cần quá giang, P. đã cho xe ghé vào. Xe chưa kịp dừng hẳn thì người phụ nữ đã nhảy nhanh lên yên, bảo P. đi về phía trước. Chạy được một đoạn, người phụ nữ ngỏ lời mời P. “đi nghỉ” ở nhà trọ với giá 100.000 đồng “cho vui”. Trời xui đất khiến thế nào, P. đã gật đầu đồng ý rồi cùng người phụ nữ bước vào nhà trọ bình dân. Kết thúc “chuyến tàu nhanh”, P. trở về phòng trọ và rồi câu chuyện “mua hoa” cũng rơi vào lãng quên với nỗi lo mưu sinh...

Giữa tháng 10-2014, thấy trong người không được ổn, sốt liên tục kèm các triệu chứng mệt mỏi, đau họng, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, P. đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Tại đây, P. như chết lặng khi được thông báo dương tính với virus HIV/AIDS. Để tìm cơ may, P. tiếp tục đi xét nghiệm ở nhiều nơi khác, nhưng sự thật không thể thay đổi. Sốc, hụt hẫng, suy sụp, đau đớn và lo lắng, P. âm thầm chịu đựng, nằm bệt một chỗ không chịu uống thuốc, không dám nói cho bạn bè và gia đình biết. Sự lo sợ của anh lại là sức mạnh cho căn bệnh tàn phá cơ thể. Đến hiện tại, P. vẫn không thể tâm sự với người thân về căn bệnh mà mình đang mang trong người. Bởi theo P. thì làng quê còn lắm kỳ thị với căn bệnh này, liệu anh có sống được trong định kiến ghê gớm. Lo sợ gia đình phát hiện mình, P. giãn dần thời gian điện thoại về thăm nhà. P. hận mình, hận cuộc đời và muốn tìm đến cái chết nhưng rồi anh nghĩ lại, cần phải cảnh tỉnh cho những người khác nên quyết định gọi điện cho tôi nhờ lên tiếng.

“Điều mong muốn của em là mọi người hãy tránh xa tệ nạn mại dâm để không phải mang mầm bệnh thế kỷ vào người, gieo rắc khổ đau cho gia đình và người thân. Đồng thời, các cơ quan chức năng hãy vào cuộc quyết liệt hơn nữa để xóa bỏ tình trạng mại dâm, nhất là mại dâm đứng đường chèo kéo khách, đem lại môi trường sống trong sạch cho xã hội” - P. nói với tôi mà như nói với chính mình. Chia tay tôi, P. nhắn đến mọi người: “Hãy dừng lại khi chưa quá muộn. Bởi quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm là con đường ngắn nhất đưa mọi người đến với căn bệnh thế kỷ HIV. Đừng vì ham vui, chút bồng bột mà đẩy cuộc đời mình và người thân vào ngõ cụt”.

Gái bán dâm bị bắt quả tang.

Đem câu chuyện của P. trao đổi với một cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP Đà Nẵng, cán bộ này cho biết, từ khi Quốc hội có Nghị quyết số 24/2012/QH13, trong đó có nội dung không đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm thì tệ nạn mại dâm có chiều hướng gia tăng và lan rộng, nhất là tình trạng mại dâm ra đường chèo kéo, mời gọi khách gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị. Đa số người bán dâm kiểu này không khai lai lịch rõ ràng khi bị bắt, không có nơi cư trú ổn định, lúc “hoạt động” ở địa điểm này, khi “hành nghề” ở khu vực khác nên khó tiếp cận cũng như kiểm soát, quản lý. Bên cạnh đó, đa số những người hành nghề mại dâm đều “giữ kín” tình trạng sức khỏe của mình vì sợ ảnh hưởng đến “công việc”. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và hạnh phúc của gia đình, mỗi người dân cần tránh xa tệ nạn mại dâm và cần có biện pháp an toàn khi quan hệ với “người lạ”.

Được biết, TP Đà Nẵng hiện có 948 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động (khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage, cà-phê, giải khát, cắt tóc…) với 4.003 nhân viên nữ làm việc. Ước tính số nữ nhân viên có biểu hiện, nghi vấn hoạt động mại dâm là 150 người (chưa kể số lượng gái bán dâm di động). Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn các quận, huyện của Đà Nẵng đều có báo cáo về những ca nhiễm HIV/AIDS, trong đó Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu là các quận có số ca nhiễm HIV được báo cáo cao nhất. Đặc biệt, lây nhiễm HIV tại thành phố đang có xu hướng trẻ hóa từ 20 đến 39 tuổi (chiếm 70%), phát hiện nhiễm HIV khá muộn và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm HIV: Nhiễm HIV qua tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế (chiếm 62%) và số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV càng nhiều.

T.D