Lại buồn cho những đề thi
(Cadn.com.vn) - Sau sự cố đề thi đưa 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến dư luận xôn xao và người ra đề bị kỷ luật, tưởng như các thầy cô sẽ rút kinh nghiệm, song những đề thi cẩu thả vẫn liên tiếp xảy ra.
1. Tiếp nối sai sót trên đến lượt phụ huynh ở Hà Nam bức xúc vì đề thi cẩu thả, thiếu logic. Theo phản ánh của các phụ huynh có con đang theo học lớp 6 và lớp 9 khối THCS ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trong kỳ thi kiểm tra chất lượng học kỳ 2 năm học 2015 - 2016, ở môn Giáo dục công dân lớp 6 và môn Tiếng Anh của lớp 9, đề thi ra một cách quá cẩu thả, thiếu logic, nhầm lẫn khiến nhiều học sinh bối rối trong quá trình làm bài thi.
Cụ thể, đề kiểm tra chất lượng học kỳ II môn Giáo dục công dân lớp 6 của Phòng GD - ĐT TP Phủ Lý, diễn ra sáng 5-5, ở phần II (tự luận) câu số 2 (3 điểm) đề ra như sau: "Trên đường đi học về, Quang đèo Tùng và Quý bằng xe đạp điện vừa đi vừa đánh võng, vừa hò hét. Cả ba bạn đều không đội mũ bảo hiểm. Đến ngã tư, Tú vẫn lao xe nhanh. Có người qua đường, không chú ý nên các bạn đã va phải họ, gây tai nạn.
a. Em hãy chỉ ra các lỗi vi phạm của các bạn khi tham gia giao thông?
b. Nếu là một trong ba bạn trên em sẽ làm gì?".
Một phụ huynh bức xúc cho biết: "Đề thi chưa đảm bảo tính logic của vấn đề. Tình huống đặt ra để giải quyết là 3 bạn Quang, Tùng, Quý nhưng khi nối tiếp lại không hỏi về 3 bạn trên mà nhắc đến học sinh khác tên Tú". Nội dung của đề hoàn toàn sai về logic khiến học sinh toàn thành phố thi theo đề trên rất lúng túng, không biết trả lời thế nào cho đúng.
Đề thi môn Giáo dục công dân khối lớp 6 ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam. Ảnh: D.T |
2. Mới đây, đề thi học kỳ 2 môn Địa lý Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận) đã rất cẩu thả khi đưa ra số liệu GDP năm 2010 của Việt Nam cao gấp 145 lần Thái Lan! Số liệu này xuất hiện trong câu IV của đề kiểm tra. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (viết tắt là GDP) theo giá thực tế của Thái Lan và Việt Nam năm 2010 lần lượt là 701,0 triệu USD và 101.611,4 triệu USD. Tính ra GDP của Việt Nam cao gấp Thái Lan 145 lần. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới, GDP danh nghĩa (giá cả được tính theo thời điểm sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ) năm 2010 của Thái Lan và Việt Nam lần lượt là 340.923,6 triệu USD và 115.931,7 triệu USD. Như vậy, GDP danh nghĩa 2010 của Thái Lan cao gấp 2,9 lần của Việt Nam. Sau sự cố, hiệu trưởng trường này đã đứng ra xin lỗi về sai sót của đề thi.
Đề thi theo thực tế là việc nên làm Theo TS Huỳnh Văn Thông - Trưởng khoa Báo chí truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, yêu cầu học sinh tính toán và phân tích phép tính toán trên một bối cảnh thực tế nào đó là một hướng đi mới cần được chú trọng áp dụng trong thực tế giáo dục Việt Nam. Điều này có lợi trong việc tạo ra sự gắn kết giữa học và hành, giữa nhà trường và thực tế xã hội. Nếu ra đề gắn với bối cảnh thực tế (kiểu bài về GDP của Việt Nam) đòi hỏi giáo viên phải có trách nhiệm hơn trong khâu làm việc với dữ kiện, số liệu và sự kiện thực tế. Một số yêu cầu khắt khe về dẫn nguồn, kiểm chứng và xác thực thông tin luôn là cần thiết để tránh những lỗi khó coi. Đề thi Toán đó có thể còn những lỗi kỹ thuật cần được lưu ý rút kinh nghiệm, tuy nhiên nguyên lý và xu thế ra đề theo thực tế không hẳn là sai. "Và khi bàn đến chuyện có nên lựa chọn nguyên lý và xu thế mới hay không thì phải viện dẫn đến mục tiêu giáo dục của chúng ta. Đừng rời bỏ những nguyên lý vàng của giáo dục, dù là bạn đang ở trong luồng ý kiến nào liên quan đến chuyện này", TS Thông khẳng định. |
3. Cùng thời điểm, nhiều phụ huynh học sinh lớp 6 ở Q.1, TPHCM bức xúc vì đề thi Toán học kỳ 2 của Phòng GD-ĐT quận có nội dung giống quảng cáo từ điển của một công ty. Cụ thể, đề thi Toán như sau: "Tin vui cho chương trình... khi buổi bán đấu giá từ điển Anh-Anh-Việt độc bản do công ty... tổ chức tối 27-3, tại TPHCM đã thành công tốt đẹp.
Tổng số tiền đấu giá được chủ nhân của những tác phẩm đấu giá chuyển trực tiếp đến chương trình giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đi học. Buổi đấu giá trưng bày 6 phiên bản từ điển kết hợp với hội họa của 5 họa sĩ, từ điển đặt trong hộp sơn mài do nghệ nhân Võ Văn Thân -làng nghề Hạ Thái - chế tác. 3 trong số đó được đem bán đấu giá tại chương trình là cuốn có tranh bìa "Dưới ánh trăng" của họa sĩ Thành Chương, cuốn "Dải ngân hà" của họa sĩ Phạm An Hải và cuốn "Múa dân gian" của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.
Nhiều doanh nhân tham gia chương trình đã liên tục ra giá để sở hữu các ấn bản này. Kết quả, tác phẩm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã được doanh nhân Nguyễn Minh Vinh thắng với giá bằng 34/97 tổng số tiền đấu giá. Tác phẩm của họa sĩ Thành Chương được mua với giá bằng 33/97 tổng số tiền đấu giá và tác phẩm của họa sĩ Phạm An Hải được mua với giá 90 triệu đồng. Hỏi tổng số tiền đấu giá được bao nhiêu? Tính số tiền đấu giá được tác phẩm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng và số tiền đấu giá được của họa sĩ Thành Chương?".
Một phụ huynh sau khi đọc đề thi này bình luận: "Đề toán nhưng giống như bài quảng cáo cho một buổi đấu giá hoặc buôn bán nào đó khi đưa vào quá nhiều thông tin kiểu mô tả diễn biến và nêu thẳng tên một công ty, đơn vị giống quảng cáo từ điển của một công ty như vậy vào đề toán lớp 6. Đề không mang tính sư phạm, không phù hợp cho một đề Toán vì đưa ra quá nhiều khái niệm không liên quan làm phân tán chú ý của học sinh làm bài. Với học sinh lớp 6, việc đưa ra đề thi toán dài với nhiều nội dung "râu ria" có thật sự cần thiết không?".
4. Những sai sót nói trên xuất phát từ việc các trường nỗ lực đổi mới kiểm tra đánh giá, ra đề thi gắn với thực tiễn cuộc sống để việc dạy và học không chỉ toàn lý thuyết khô khan. Tuy nhiên, nhiều người chưa có nhận thức đúng về xu hướng này, họ cứ nghĩ rằng đưa câu chuyện thời sự, sự kiện nóng, tên tuổi người nổi tiếng... vào đề thi như thế là "mở", là đưa hơi thở cuộc sống vào mà quên mất yếu tố định hướng giáo dục, dẫn đến phản tác dụng. Ngoài ra, một bộ phận giáo viên làm việc quá cẩu thả. Bên cạnh đó, khâu ra đề và kiểm duyệt đề tại các trường đang có vấn đề. Theo đó, sở, phòng giao cho các trường rất qua loa rồi phó mặc mà không theo chuẩn mực nào cả.
Trước mỗi kỳ thi, các tổ chuyên môn ở trường sẽ họp với nhau, thống nhất ra đề nhưng thường là mỗi người một ý nên khi lắp ráp rất khó trọn vẹn. Sau đó, đề thi sẽ chuyển đến hiệu phó phụ trách chuyên môn nhưng không ít hiệu phó lại không có chuyên môn ở môn học đó. Vì thế, điều quan trọng là mỗi trường, mỗi cấp phải có ban kiểm duyệt đề gồm những người có chuyên môn vững vàng và làm việc cẩn trọng ở khâu kiểm duyệt đề thi để tránh những sai sót đáng tiếc.
Thu Thủy