Báo Công An Đà Nẵng

Lại một bài học cũ

Thứ hai, 12/10/2015 10:53

(Cadn.com.vn) - Phong trào nuôi cá trê phi được người dân xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đón nhận bởi những thuận lợi về quy mô và mức độ sinh trưởng của cá. Song hiện nay, nhiều hộ nuôi trồng loại thủy sản này lao đao vì đầu ra gặp khó...

Chưa kể diện tích mặt hồ nước tự nhiên, chỉ tính riêng diện tích nuôi trồng quy mô hộ gia đình, toàn xã Hòa Khương có khoảng 65ha với hơn 300 hộ. Lợi thế về diện tích mặt nước đã sớm đưa người dân nơi đây gắn bó với nghề nuôi cá, trong đó tập trung nhiều nhất tại các thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2, Phước Sơn...

Ngoài các loại cá truyền thống như cá chép, cá trắm, cá mè trắng, phong trào nuôi cá trê phi bắt đầu phát triển mạnh kể từ khi có nhiều đầu mối thu mua; cho nên mô hình nuôi cá trê phi thương phẩm nhanh chóng nở rộ là bởi cùng diện tích mặt nước, cùng công chăm sóc họ có thể nuôi số lượng lớn. Tuy nhiên, sau mấy năm đầu kinh doanh thuận lợi, hiện đường đi của loại cá này không còn “sốt” như trước nữa.

Được biết, từ năm 2012 đến giữa năm 2014, nông dân nuôi cá trê phi Hòa Khương đã có nhiều mùa “bội thu”, bởi giá cá luôn ở mức cao, có khi lên “đỉnh” 27 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá trê phi lãi “bộn”. Nếu so với các nhiều loại cá nước ngọt khác thì đây là mức sinh lợi cực kỳ hấp dẫn, trong khi thời gian nuôi chỉ khoảng 4 tháng, 2 vụ/năm trừ những tháng mưa lũ. Giá cá trê phi thương phẩm luôn ở mức cao trong một thời gian dài, mức đầu tư cho mỗi vụ nuôi cũng vừa phải nên đã dấy lên phong trào đào ao, thuê ao nuôi cá. Đây chính là nguyên nhân làm cho nghề nuôi cá trê phi lâm vào tình trạng mất kiểm soát như hiện nay.

Đàn cá trê phi của anh Trần Văn Sơn (thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương) mỗi ngày ngốn 500 nghìn đồng thức ăn, trong khi đó anh vẫn chưa tìm được đầu ra.

Theo anh Trần Văn Sơn (thôn Phú Sơn 1), anh thuê 5 sào diện tích mặt nước với giá 5 triệu đồng/năm. Thông thường, các ao cá của anh thương lái đến thu mua từ tháng 8, nhưng bây giờ đã qua tháng 10 mà chẳng thấy ai đến đả động. Có chăng chỉ là các bạn hàng mua đi, bán lại “nhỏ giọt”. Họ chủ yếu tìm mua loại cá nhỏ để bán vào các nhà hàng, quán cơm hoặc phóng sinh... Trước đây, cá kích cỡ từ 4-5 con/kg có giá từ 25-27 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 18-20 ngàn đồng/kg. Cá lớn thì không bán được. Hiện nay, anh tồn đọng hơn 10 tấn cá thương phẩm, lượng cá có trọng lượng từ 1kg đến hơn 2kg/con rất nhiều. Riêng tiền lo thức ăn cho cá, mỗi ngày phải tiêu tốn hơn 500 ngàn đồng...

Còn ở làng nuôi cá Phú Sơn 2, gần 20 hộ dân nuôi cá trê phi với diện tích mặt nước hơn 10ha như đang ngồi trên “lửa”. Họ cho biết đây là giai đoạn khốn khó nhất bởi hơn 40 tấn cá thương phẩm chưa tìm được đầu ra. Giá cá thấp, có bán được cũng cầm chắc lỗ, nhưng cá đã qua thời điểm thu hoạch, không bán càng nuôi càng lỗ vì lượng thức ăn cá “ngốn” mỗi ngày không phải ít. Khổ nỗi, đã lúc khó lại gặp đủ cái khó vì mời gọi được tư thương đến mua cá thì cũng bị ép lên ép xuống. Giá bán thống nhất trước khi kéo lưới, cân đong 20 ngàn đồng/kg nhưng đến lúc cá lên bờ, tư thương chỉ lựa mua loại cá nhỏ...

Tìm hiểu chuyện nuôi cá trê phi rơi vào cảnh khó đầu ra, ông Cao Mễ - Bí thư chi bộ thôn Phú Sơn 2 lý giải, từ năm 2012, khi địa phương thành lập Tổ hợp tác tiêu thụ, vận chuyển sản phẩm lên Gia Lai, Kon Tum và một số huyện miền núi TT-Huế bán thì nhiều thương lái có nhu cầu mua cá trê phi thương phẩm làm hàng xuất khẩu. Lúc đó, nuôi cá trê phi lãi rất nhiều so với trồng lúa. Diện tích mặt nước 1 sào đã thu về từ 80-100 triệu đồng/năm, sau khi khấu trừ chi phí cũng lãi được phân nửa. Bây giờ, “cung vượt cầu”, dẫn đến tình trạng ép giá, gây khó khăn cho người nuôi. 

Đầu tư vốn, công sức nhưng đến khi thu hoạch lại phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Đây không phải là bài học mới, khi người nông dân mở rộng sản xuất một cách tự phát, ồ ạt, tâm lý người dân chỉ thấy những cái lợi trước mắt mà không tính đến quá trình lâu dài.

An Dương