Lại nỗi lo dịch bệnh bạch hầu
Dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lắng, cuộc sống thiết lập sang "trạng thái bình thường mới" thì người dân nhiều tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên lại phải hoang mang, lo lắng trước tình hình bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu bùng phát và diễn biến phức tạp.
Dịch bạch hầu lại diễn biến phức tạp ở Gia Lai. |
Đến ngày 23-10, huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi xác định 18 ca mắc bạch hầu, 7 ca nghi ngờ mắc bệnh. Trước diễn biến dịch bệnh bạch hầu lây lan ngày càng phức tạp, đặc biệt trong điều kiện thời tiết mưa lạnh, mầm bệnh phát triển, ngành Y tế và chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai cấp tốc các biện pháp dập dịch. Tất cả các ca bệnh bạch hầu ở huyện miền núi Ba Tơ được ghi nhận tại 5 xã gồm: Ba Khâm (4 ca), Ba Trang (8 ca), Ba Lế (2 ca), Ba Ngạc (2 ca), Ba Xa (1 ca) và 1 ca ở Ba Vinh. Các trường hợp mắc và nghi mắc đều đã được cách ly và điều trị. Ngay khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, ngành Y tế đã chủ động triển khai tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân. Hiện, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã tiêm vaccine phòng bệnh cho 3.630 trường hợp người dân từ 49 tháng tuổi đến 40 tuổi. Riêng tại xã Ba Trang - nơi có số ca mắc bạch hầu nhiều nhất huyện, sau 2 ngày kêu gọi người dân để tiêm tập trung tại Trạm y tế, còn hơn 100 trường hợp trong độ tuổi từ 5-40 tuổi chưa tiêm phòng vì đã đi khỏi địa phương.
Bác sĩ Huỳnh Duy Hoàng, Trưởng Trạm Y tế xã Ba Trang cho hay: Tỷ lệ tiêm chủng đợt này đạt hơn 94%. Trạm đang tổ chức tiêm vét cho các trường hợp chưa tới trạm tiêm tập trung; đồng thời, cho 239 người uống kháng sinh đề phòng mầm bệnh phát triển, lây lan. Ngay khi phát hiện một trường hợp học sinh mắc bạch hầu, Trường TH - THCS Ba Khâm đã chủ động cho hơn 30 học sinh học cùng lớp với ca bệnh này nghỉ học, cách ly theo dõi tại nhà. Thầy Phan Văn Trí, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường phối hợp với Trạm Y tế phun khử khuẩn 2 lần toàn bộ khuôn viên của trường; đồng thời, cho toàn bộ số học sinh (295 em) và tất cả các giáo viên dưới 40 tuổi tiêm vaccine phòng bệnh.
"Chúng tôi tuyên truyền đến người dân thông qua nhiều kênh. Đó là tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, bằng tờ rơi, bằng miệng; phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho các em học sinh và phụ huynh, để đảm bảo ai cũng hiểu bạch hầu là bệnh nguy hiểm, lây truyền qua đường hô hấp và cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm vaccine"- bà Đinh Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết. Trước diễn biến của bệnh bạch hầu, công tác dập dịch và điều trị đang được ưu tiên hàng đầu. Ông Nguyễn Xuân Mến, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin: Sở chỉ đạo cơ sở tuyên truyền cho bà con mang khẩu trang khi tới chỗ đông người và đi tiêm vaccine đầy đủ, không né tránh để chặn dịch bùng phát mạnh.
Sở Y tế sẽ nhập một số lượng lớn vaccine và thuốc kháng sinh phòng bạch hầu để tiến hành tiêm toàn dân từ 5- 40 tuổi ở 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện miền núi Ba Tơ. Sau khi hoàn thành, Sở sẽ tiếp tục tiêm mở rộng cho người dân ở trên 40 tuổi, để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ dịch bạch hầu đe dọa cộng đồng ở địa phương này.
Trong khi đó, Sở Y tế Gia Lai ngày 23-10 cho biết vừa ghi nhận thêm 8 ca dương tính với bạch hầu trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã ghi nhận 49 ca bạch hầu, 2 người tử vong. Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 21 xã thuộc các huyện Đắk Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang và TP Pleiku ghi nhận ca bệnh bạch hầu. Các địa phương đã tiến hành khoanh vùng, lập các chốt kiểm soát, phun hóa chất khử khuẩn, khám sàng lọc và điều trị kháng sinh dự phòng cho người dân. Có 11 xã có ca bệnh bạch hầu thuộc huyện Đắk Đoa, Ia Grai và TP Pleiku đã hoàn thành công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân và tiếp tục tổ chức rà soát, tiêm vét nhằm đảm bảo 100% người dân trong khu vực có ca bệnh được tiêm vaccine.
T.H