Lại tranh cãi quanh giải Nobel Hòa bình
(Cadn.com.vn) - Đến hẹn lại lên", giải Nobel Hòa bình trong năm 2015 lại bùng lên những tranh cãi quanh các nhân vật đang được coi là "ứng cử viên" sáng giá nhất như Đức Giáo hoàng Francis, các nhà đàm phán hòa bình Colombia hoặc những người giúp đỡ người tị nạn Syria...
Trong lịch sử Nobel, giải Nobel Hòa bình là một trong những giải thưởng gây tranh cãi nhiều nhất. Mới đây, một cựu thư ký của Ủy ban Na Uy - nơi xét duyệt giải Nobel Hòa bình - đã bày tỏ "hối tiếc" khi đã trao giải thưởng này cho Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2009 - chỉ chưa đầy 1 năm sau khi nhà lãnh đạo này lên nắm quyền. Trong cuốn hồi ký của mình, cựu thư ký này đã phá bỏ truyền thống giữ bí mật của ủy ban, nơi mà các thành viên hiếm khi nói về tiến trình bầu chọn người trao giải, để nói về những "uẩn khúc" đằng sau giải thưởng đầy bất ngờ này.
Thật sự, giải thưởng năm 2009 dành cho ông Obama được cho là giải gây nhiều chỉ trích nhất trong lịch sử Nobel Hòa bình. Lúc đó, ủy ban trao giải phải lên tiếng giải thích rằng, việc Tổng thống Obama đoạt giải không phải vì những thành tựu ông đã đạt trong việc mang lại hòa bình cho thế giới, mà bởi ông đã tạo ra "những khát vọng" cho tương lai và vì tương lai. Trên thực tế, trong thời gian nắm quyền ở Nhà Trắng, ông Obama cũng đã có một số thành tích đáng kể: rút quân khỏi Iraq, bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm thù địch và quan trọng là đã giải được bài toán hạt nhân hóc búa với Iran.
Giải thưởng gây tranh cãi khác của Nobel Hòa bình là dành cho Lưu Hiểu Ba, người được trao giải 1 năm sau ông Obama. Nguyên nhân do Lưu Hiểu Ba bị tòa án Trung Quốc kết án 11 năm tù giam vì tội âm mưu lật đổ chính phủ và bị giam. Và giải thưởng mới đây nhất, giải được trao cho Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) vào năm 2013 vì những nỗ lực mạnh mẽ nhằm giải trừ vũ khí hóa học và cả giải thưởng cho Liên minh Châu Âu (năm 2012) cũng làm bùng lên nhiều tranh cãi.
Tuy gây nhiều tranh cãi nhưng giải Nobel Hòa bình luôn là giải thưởng được mong chờ nhiều nhất. Năm nay, Đức Giáo hoàng Francis được cho là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải thưởng này vì những nỗ lực không mệt mỏi của ông cho hòa bình và cả nỗ lực kêu gọi bảo vệ môi trường. Những ứng cử viên khác gồm Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và Chỉ huy phiến quân cánh tả FARC Rodrigo Londono - người hôm 23-9 cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 50 năm ở nước này trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, Jan Egeland, người đứng đầu Hội đồng tị nạn Na Uy, cho rằng, giải thưởng năm nay nên dùng để tôn vinh những người giúp đỡ người tị nạn từ Syria. Nhân vật sáng giá nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người lên tiếng về sự cần thiết phải thay đổi chính sách tị nạn Châu Âu và mở cửa đón người tị nạn đến Syria. Cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) - từng giành giải thưởng này vào năm 1954 và 1981, cũng là một ứng cử viên.
Điều người ta quan tâm là giải thưởng Nobel năm nay cũng diễn ra nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II và cả vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki - vụ việc vốn thúc đẩy các chiến dịch chống lại vũ khí hạt nhân. Thông thường, cứ mỗi 10 năm một lần khi giải được trao vào đúng những năm có số cuối cùng là số 5, người hay tổ chức đoạt giải đều có liên quan đến vũ khí hạt nhân. Vì vậy, có thể nói rằng, giải Nobel Hòa bình năm nay có thể được trao cho Iran về lời hứa hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Tất cả các giải thưởng Nobel khác sẽ được trao tại Stockholm, Thụy Điển gồm: Nobel Sinh học hay Y học (5-10), Vật lý (6-10), Hóa học (7-10), Kinh tế (12-10), trong khi ngày công bố giải thưởng văn học vẫn chưa được lên kế hoạch. Tuy nhiên, thông thường giải Nobel Văn học sẽ được trao vào ngày thứ 5 trong tuần Nobel, tức có thể là vào ngày 8-10 tới. Trong khi đó, giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào ngày 9-10 tới, song giải thưởng sẽ được trao vào ngày 10-12 - ngày mất của ông Alfred Nobel tại thủ đô Oslo của Na Uy.
Thanh Văn