Làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại
(Cadn.com.vn) - Trong quá khứ vàng son, Huế đã tạo cho mình một nền văn hóa phong phú và đặc sắc, vừa kế thừa truyền thống văn hóa Thăng Long vừa tiếp thu những yếu tố mới của miền Trung, miền Nam và bên ngoài để tạo nên một sắc thái riêng biệt của một vùng văn hóa-Văn hóa Huế. Từ khi được công nhận là di sản văn hóa nhân loại, Huế càng tạo ra được lợi thế cho sự phát triển, nhất là ngành kinh tế du lịch, và ngược lại, chính sự phát triển của kinh tế du lịch sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc quảng bá và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Nhân dịp 20 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại (1993-2013), Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đã có cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề tiếp tục phát huy giá trị di sản Huế.
Du khách tham quan Đại nội-Huế. |
P.V: Hiện việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế ra sao, thưa ông?
Tiến sĩ Phan Thanh Hải: Từ năm 1996 đến nay, cùng với quá trình triển khai Quyết định 105/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 1996-2010 và Quyết định 818/TTg điều chỉnh dự án trên đến năm 2020. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử dần dần được hồi phục.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản. Một số công trình tiêu biểu đã được trùng tu.
Đối với văn hóa phi vật thể, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình về Di sản văn hóa Huế và công cuộc bảo tồn, trong đó có những công trình đoạt giải thưởng cao của trung ương và địa phương. Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn được hàng chục tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng. Sưu tầm nghiên cứu và dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu; phục hồi một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn... Đặc biệt, trong các dịp lễ hội Festival Huế, các loại hình nghệ thuật Cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi... đã thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.
P.V: Vậy vai trò của các tổ chức quốc tế đối với công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế ra sao, thưa ông?
Tiến sĩ Phan Thanh Hải: 15 năm qua, Di tích Huế đã hợp tác với hơn 25 tổ chức quốc tế, hàng chục các viện, trường đại học, ban, ngành trong nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản, Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Mỹ... thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa. Nổi bật trong đó là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (phối hợp với Đại học Waseda-Nhật) đã thực hiện được gần 16 năm với nguồn kinh phí được đầu tư ngày càng lớn và bước đầu đã đạt nhiều kết quả tốt.
Huế cũng đã có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều đơn vị, bộ ngành trong nước để thực hiện các dự án quy hoạch, bảo tồn và đào tạo nhân lực; Từ năm 1996 đến nay, đã đào tạo được 3 tiến sĩ trong nước, 1 tiến sĩ và 5 thạc sĩ ở nước ngoài, 20 thạc sĩ trong nước, 20 cử nhân đại học nhã nhạc cùng hàng chục cử nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghiệp vụ hoặc cử chuyên viên tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ về bảo tồn trùng tu di sản, nghiên cứu văn hóa phi vật thể, bảo tàng học... Đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ đó đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động bảo tồn di sản trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn chủ chốt của các ban, ngành. Vấn đề khai thác và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của hệ thống di tích Cố đô Huế hiện nay là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Quốc Việt (thực hiện)