Báo Công An Đà Nẵng

Lâm Đồng: Một phụ nữ bị lừa hơn 2 tỉ đồng vì ‘bẫy nhận quà’ trên mạng

Chủ nhật, 23/07/2023 21:19
Bà N. vướng "ma trận" lừa đảo dẫn đến bị mất hơn 2 tỷ đồng

Ngày 25/7, Văn phòng Cơ quan điều tra (PC01) Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang điều tra, làm rõ nội dung tin báo của bà Nguyễn Thị N. (SN 1964, trú TT. Mađaguôi, H. Đa Huoai - Lâm Đồng) về việc bà đăng ký nhận quà hè 2023 trên mạng xã hội Facebook, chỉ trong 2 ngày chuyển hơn 2 tỉ đồng vào tài khoản của nhóm lừa đảo.

Bà N. cho biết, ngày 8/7, bà tham gia đăng ký nhận quà hè trên trang Facebook. Sau khi đăng ký, trang "Quà Tặng Yody…" yêu cầu bà N. cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận quà và hướng dẫn tạo tài khoản Telegram để cấp "phiếu xác nhận quà tặng".

Do tuổi cao, không rành công nghệ nên bà N. được hướng dẫn tận tình từng bước cho đến khi nhận được "phiếu xác nhận quà tặng" và mã nhận quà. Tiếp đó, họ yêu cầu bà N. kết bạn và nhắn mã nhận quà với quản lý có tên Ngọc Anh qua Telegram để được hướng dẫn thêm.

Cú nhấp chuột "đăng ký nhận quà hè" khiến bà N. bị lừa mất hơn 2 tỷ đồng

Bà N. được Username (người sử dụng tài khoản) là "Giám đốc kinh doanh" chào hỏi và hướng dẫn bà giúp hệ thống các cửa hàng thời trang Yody tăng doanh số bán hàng trên các trang mạng thương mại điện tử; đồng thời đề nghị bà N. thanh toán trước 300 ngàn đồng vào tài khoản (TK) "DOAN VAN CHI LINH"; sau khi hoàn thành tăng doanh số sẽ nhận được 360 ngàn đồng, ngoài ra được nhận thưởng phần quà trị giá từ 500 ngàn đồng đến 2,5 triệu đồng.

Khoảng 19h14 ngày 17/7, bà N. chuyển vào TK trên 300 ngàn đồng. Sau khoảng 1 tiếng, bà N. bất ngờ nhận được hình chụp chuyển khoản thành công cho bà 360 ngàn đồng. Dù đêm khuya nhưng "Giám đốc kinh doanh" mời bà N. tham gia sự kiện số 2, lúc này số tiền bà N. phải chuyển lên gần 2,6 triệu đồng và sẽ được hưởng phúc lợi hoa hồng 30%.

Với chiêu lừa đảo tương tự, bà N. tiếp tục chuyển tiền vào số TK trên với số tiền tăng dần lên 7,9 triệu, rồi 28 triệu, 88 triệu… 230 triệu đồng. Đến sáng 18/7, "ma trận" (của 1 hoặc nhóm lừa đảo tạo ra) hướng dẫn bà N. làm việc với "Kế toán trưởng Ngọc Minh" (KTT) để được giải ngân.

Họ gửi cho bà N. mã hồ sơ và thông báo số tiền bà N. được hoàn về trên 1,51 tỉ đồng, đề nghị bà xác nhận. KTT nhắc bà N. phải thực hiện thanh toán 10% thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân đúng pháp luật. Sau đó, bà N. tiếp tục chuyển thêm 151 triệu đồng. Họ yêu cầu bà N. cung cấp lại số TK để được giải ngân.

Thế nhưng, đến trưa 19/7, KTT gửi cho bà N. hình "Hệ thống nhắc nhở! Hoàn trả thất bại" với lý do đang đồng bộ dữ liệu. Họ yêu cầu bà N. thanh toán tiếp 300 triệu đồng mới được giải ngân. Bà N. xin giảm vì hết khả năng, thì được gia hạn đến 15 giờ 30 cùng ngày phải nộp đủ 300 triệu đồng.

"Tổng giám đốc" thông tin số tiền bà N. được nhận về

Lo sợ mất khoản tiền hơn 1,6 tỉ đồng được hoàn lại nên bà N. phải chạy vay mượn đủ 300 triệu đồng để chuyển vào TK DOAN VAN CHI LINH. Tưởng được nhận tiền, nhưng KTT nói đang phải thực hiện Công chứng hồ sơ xác minh nguồn tiền. Ít phút sau, họ yêu cầu bà N. nộp gần 254 triệu đồng phí công chứng. Sau khi vay mượn để chuyển khoản đủ số tiền công chứng, KTT lại giới thiệu bà N. làm việc với một tài khoản có tên Trần Ngọc Thái Sơn, chức vụ "Tổng giám đốc".

Người này khẳng định bà N. là VIP và thông báo số tiền bà N. được nhận về là hơn 2,36 tỉ đồng. Do đó, bà N. phải nộp thêm 300 triệu đồng bảo hiểm rủi ro khi rút tiền. Ba N. năn nỉ trừ luôn số tiền trên và yêu cầu chỉ cần gửi lại cho bà 1,8 tỉ đồng, nhưng vị tổng giám đốc không đồng ý.

Do sợ mất khoản tiền lớn, bà N. lại vay mượn thêm 200 triệu đồng chuyển khoản cho nhóm lừa đảo, sau đó người tự xưng tổng giám đốc còn nhắn: "Chị cố gắng hoàn thành nốt số tiền 100 triệu đồng còn lại để ký lệnh giải ngân cho chị".

Đến tối 19/7, tổng giám đốc, kế toán trưởng… không còn liên lạc. Lúc này, bà N. mới biết mình bị lừa và nói với chồng con biết sự việc. Ngày 21/7, bà N. cùng chồng đến cơ quan Công an tỉnh Lâm Đồng khai báo toàn bộ diễn tiến vụ việc bị lừa đảo.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân, thời gian qua, thông qua qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Messenger, điện thoại... những đối tượng lừa đảo sẽ điện thoại hoặc kết bạn, mời chào, quảng cáo, hướng dẫn nhận quà tặng, cho vay tiền... Tuy nhiên, "miếng pho mát chỉ có ở bẫy chuột"; không dưng người xa lạ lại tặng quà, mang lại lợi ích cho bạn. Do đó, mọi người dùng điện thoại, mạng xã hội cần tỉnh táo để không "sập bẫy" lừa đảo.

... "Kế toán trưởng" nhắn tin dẫn dụ bà N. liên tiếp chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo