Báo Công An Đà Nẵng

Làm du lịch từ những “chuyện nhỏ”

Thứ sáu, 21/10/2016 10:41

(Cadn.com.vn) - Về lĩnh vực du lịch của Đà Nẵng, không thể phủ nhận trong những năm qua đã có những bước phát triển khá ngoạn mục, hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước tìm đến Đà Nẵng để tham quan, nghỉ dưỡng,... trở thành hiện tượng của khu vực miền Trung. Về nguyên nhân, bên cạnh những yếu tố khách quan thì nội lực của ngành Du lịch thành phố cũng đã góp phần không nhỏ đưa du lịch Đà Nẵng vươn lên dẫn đầu trong khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan tự mãn về sự phát triển của lĩnh vực này, trong khi tiềm năng du lịch của thành phố vẫn chưa được khai thác hết, từ những  lợi thế, đặc trưng riêng có, đôi khi tưởng là nhỏ bé, bình thường nhưng biết tận dụng, khai thác sẽ là những sản phẩm du lịch độc đáo mà những nơi khác không có được.

Nhớ lại cách đây mấy năm, có một bạn  trẻ tâm sự với người viết rằng: Đà Nẵng mình có sự tích nàng Tiên Sa nhưng chưa được ai quan tâm khai thác để thu hút khách du lịch. Mặc dù chỉ là truyền thuyết nhưng nếu biết khai thác sự độc đáo của sự tích này, chắc chắn sẽ hấp dẫn khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài, vì tâm lý của người đi du lịch là tìm hiểu, khám phá cái mới lạ, hoặc chí ít là đến chụp những tấm ảnh kỷ niệm, mua đồ lưu niệm liên quan đến một địa danh, câu chuyện lịch sử, truyền thuyết nào đó. Bạn trẻ đó đã đề xuất xây dựng tượng nàng Tiên Sa ở khu vực bãi biển dưới chân núi Sơn Trà là phù hợp nhất. Hay như danh  thắng Ngũ Hành Sơn, cũng khá nổi tiếng, nhưng ở đây có sự tích Ngũ Hành Sơn, sao không chọn một địa điểm để mô phỏng lại sự tích này thông qua các bức tượng hay công trình nghệ thuật nào đó. Ngũ Hành Sơn, với 5 ngọn núi đá vôi hình thành nên giữa cảnh quan sát biển, là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Từ xưa đến nay, xung quanh những ngọn núi này, có biết bao câu chuyện huyền thoại được thêu dệt, để nói về sự hình thành 5 ngọn núi, trong đó có truyền thuyết về “Trứng Rồng và Rùa thần”... Với những truyền thuyết về sự hình thành năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn, được lưu truyền trong dân gian đất Quảng từ xưa đến nay, là vốn quý mà bao thế hệ cha ông đã để lại, giúp chúng ta rất nhiều trong việc khai thác để phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước. Liên tưởng một chút đến các quốc gia trên thế giới, tuy so sánh có thể là khập khiễng nhưng cũng nên tham khảo để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo cho Đà Nẵng. Chẳng hạn như nước Bỉ có tượng Manneken Pis, Đan Mạch có Nàng tiên cá - the Little Mermaid. Những bức tượng đó, tuy nhỏ bé nhưng tiếng tăm lừng lẫy, là điểm đến không thể thiếu của hàng triệu du khách mỗi khi đến những quốc gia này.

Hiện nay, đi đầu trong việc khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn không thể không nhắc đến Q. Ngũ Hành Sơn. Vừa qua, quận đã cất công tìm hiểu, nghiên cứu để đề nghị Hội đồng Cây Di sản Việt Nam chính thức công nhận quần thể 4 loài (gồm 7 cây) trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn là Cây Di sản Việt Nam. Những cây này, ngoài “tuổi cao” còn gắn liền với nhiều sự tích lịch sử, nên có giá trị về văn hóa, sau khi được gắn biển cũng sẽ là một điểm đáng đến của du khách khi tham quan Ngũ Hành Sơn. Như vậy, ngoài Sơn Trà có 1 “Cây đa Di sản” thì giờ đây tại Ngũ Hành Sơn cũng đã có đến 7 cây di sản, làm cho sản phẩm du lịch của thành phố thêm phong phú.

Một cách “làm du lịch” nữa xuất phát từ Q. Ngũ Hành Sơn là việc quận sẽ cho đặt tượng danh nhân tại 11 tuyến đường chính, trong đó hầu hết là những tuyến đường du lịch trọng điểm với nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Nói như bà Nguyễn Thị Anh Thi- Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, những con đường đặt tượng danh nhân sẽ tạo ra điểm khác biệt và thêm điểm nhấn thu hút khách thập phương. Ngoài ra, cách làm trên cũng giống như việc “bắn một mũi tên trúng hai mục tiêu”, vừa mang tính giáo dục về lịch sử, văn hóa cho học sinh, sinh viên và người dân, vừa là nơi để du khách đến tìm hiểu...

Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, phát huy để phục vụ du lịch, nhiều cái tưởng như bình thường sẽ trở thành “sản phẩm đặc sắc” nếu biết cách khai thác. Không chỉ khai thác những cái sẵn có mang tính bề nổi mà còn phải quan tâm đến những sản phẩm còn tiềm ẩn mà Đà Nẵng không thiếu, chưa nói là khá phong phú mà trong đó có những cái là tài sản vô giá không chỉ ở ý nghĩa vật chất và không phải ở đâu cũng có được. Cần phải có những cách làm mang tính đột phá trong phát triển du lịch để hướng đến một tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ có những thương hiệu mới độc nhất vô nhị trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Dân Hùng