Làm gì để có một Đà Nẵng đáng đến?
Không thể phủ nhận, từ khi là thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, Đà Nẵng đã từng bước khẳng định mình là một nơi đáng đến và đáng sống để bạn bè gần xa đến tham quan, du lịch, đầu tư và định cư lâu dài. Cụm từ “Thành phố đáng sống” được nhiều người dành tặng Đà Nẵng và cũng là mục tiêu phấn đấu của cả hệ thống chính trị thành phố.
Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng rất cần và rất muốn tạo ra sức hút riêng mang tính bền vững của mình. Làm gì để du khách và bạn bè bốn phương tìm đến không chỉ 1 lần là bài toán đặt ra cho những người có trách nhiệm trong nhiều năm qua. Sau hơn 2 năm trầm lắng do dịch COVID-19 cũng như trải qua một số biến cố Đà Nẵng cần có sự tự khẳng định mình để thương hiệu thành phố đáng sống mà bạn bè dành tặng không bị phai nhạt mà tiếp tục tiến bước vững chắc, thỏa lòng mong đợi của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân thành phố.
Trước khi “thu hoạch” được những ý kiến đóng góp của bạn bè gần xa để phát triển du lịch Đà Nẵng nói riêng và kinh tế - xã hội thành phố nói chung, một nội dung trong tiến trình xây dựng một Đà Nẵng đáng đến, nhìn ở góc độ nội sinh, việc duy trì, phát huy những tiềm năng và cả những “thương hiệu” đã được định hình từ sau khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đến nay, thiết nghĩ là một nội dung cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Nên chăng, trong khi chưa có thêm nhiều cái mới do điều kiện kinh tế và các nguyên nhân khách quan thì Đà Nẵng nên quan tâm “làm mới cái cũ” để hình ảnh Đà Nẵng vẫn còn vẹn nguyên, không bị nhạt phai dù trải qua những thời điểm khó khăn, đặc biệt là giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành vừa qua.
Những năm qua, thực tế cho thấy những nhu cầu căn bản cần phải có đối với Đà Nẵng và về “vật thể” cũng như “phi vật thể” mang tính nền tảng cần duy trì và củng cố. Về “phi vật thể”, đó là những chủ trương riêng có mang tính nhân văn và được cả nước đánh giá là mô hình phát triển đáng để học tập như “5 không-3 có” và sau đó là “4 an”... Bên cạnh đó, cần xác định “lõi văn hóa” bản địa là gì và phát triển theo hướng giữ gìn, bảo tồn sự đặc sắc của nét văn hóa ấy; xây dựng văn hóa người dân Đà Nẵng niềm nở, thân thiện, hiếu khách. Và không quên nhưng “chi tiết” nhỏ như bán hàng đúng giá, không chèo kéo du khách, làm sao để Đà Nẵng luôn giữ được cái hồn cốt mang tính bản sắc của mình.
Về “vật thể” có thể kể đến các yếu tố như: hạ tầng giao thông đô thị; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; cây xanh đô thị, nhất là trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bão gió thường xuyên và cả những “chuyện nhỏ nhưng không nhỏ” như nhà vệ sinh công cộng.
Có ý kiến cho rằng, Đà Nẵng đã bị thâm dụng không gian công cộng nhiều quá. Đầu tư kinh phí rất nhiều nhưng tỷ lệ phân lô, bê-tông hóa cao, mỗi nhà, mỗi khu mỗi kiểu không có sự tinh tế và hợp lý nên mất chiều sâu trong quy hoạch đô thị, các vùng đệm cho giao thông, thảm cây, xử lý nước, rác nội đô, không gian cộng đồng, kết nối hạ tầng không tính toán đủ để phục vụ các mảng kinh tế trong lâu dài... Bên cạnh đó, khả năng duy trì chất lượng không gian cũng chưa được tốt, rác đâu cũng thấy, lề đường thảm cây các tuyến phố năm nào cũng đào lên sửa… Những vấn đề này có liên quan tới “yếu tố giới hạn” nên có làm gì thì khả năng phát triển cũng dừng ở mức giới hạn của hạ tầng và quy trình vận hành hiện nay. Vì vậy, trong cái thực thể hiện tại của hạ tầng đô thị, có thể tập trung ở các mảng xanh còn sót lại, khu nào cũ rồi thì quy hoạch lại chuẩn hơn, cải thiện quy trình duy tu chăm sóc cảnh quan cho chu kỳ mới.
Những cái cũ nhưng đã “thành danh” nên quan tâm làm mới như việc “trang điểm” lại những cây câu bắc qua sông Hàn, tạo thêm nét lung linh về đêm. Hay đơn giản là cho con cá chép phun nước trở lại ở khu vực “Cầu Tình yêu” tại bờ Đông sông Hàn. Nói đến cây cầu, còn là chuyện đưa vào khai thác một cây cầu “rất cũ” nhưng có ý nghĩa về mặt lịch sử là cầu Nguyễn Văn Trỗi, nơi trong dự kiến là cầu đi bộ ngắm cảnh kết hợp dịch vụ du lịch rất độc đáo nhưng cũng đã để rất lâu rồi mà chưa triển khai, mặc dù đã “sơn phết” cho nó nhiều năm qua. Một số “điểm cũ” cũng cần làm mới nữa có thể kể đến như bờ Đông Sông Hàn nhất là đoạn từ cầu Sông Hàn hướng bán đảo Sơn Trà thuộc tuyến đường Trần Hưng Đạo mà những năm qua còn khá nhếch nhác; đó còn là việc “làm mới” Chợ Hàn, Chợ Cồn, vỉa hè trên những con đường “xưa cũ” nhưng luôn nhộn nhịp quanh năm như Hùng Vương, Phan Châu Trinh; là Công viên 29 tháng 3 nhiều năm qua còn thiếu khởi sắc...
Nói đến nơi đáng đến không thể không đề cập đến lĩnh vực du lịch. Một thực trạng đang hiện hữu là do thời hạn Visa ngắn nên nhiều du khách chuyển hướng qua Thái Lan mặc dù Đà Nẵng được nhiều gia đình chọn làm nơi ưu tiên hàng đầu cho nghỉ hè lý tưởng của gia đình, đơn giản chỉ vì ở nước bạn việc nhập cảnh dễ dàng hơn, thời gian lưu trú lâu hơn cho dù Đà Nẵng có nhiều yếu tố tốt hơn Bangkok như an toàn, thân thiện và nhiều tiện ích hơn và nhất là Đà Nẵng không có tình trạng kẹt xe...
Nhìn chung, để hấp dẫn và giữ chân được du khách, chỉ cần giữ vững quản lý đô thị như hiện nay và thêm các dịch vụ bổ sung như nơi cắm trại, bảo tàng mini trong đó lưu giữ các bộ sưu tầm văn hóa, chính trị, lịch sử... là điều hoàn toàn khả thi. Nói riêng về bảo tàng, Đà Nẵng nên có thêm nhiều bảo tàng chuyên đề ngoài những bảo tàng hiện có vì bảo tàng không cần thứ lớn lao, miễn là có ý nghĩa chẳng hạn như Bảo tàng đá mỹ nghệ Non Nước, Bảo tàng Phật giáo… Hay đơn giản như việc đi dạo thôi, Đà Nẵng cũng có những thú vị riêng, chẳng hạn như đi dạo trên đường Bạch Đằng qua từng cây cầu lúc hoàng hôn hay buổi bình minh; đi dạo dọc bờ biển, đi vòng quanh các chợ ăn vặt hay đi đạp xe quanh Sơn Trà…
Một nội dung cần quan tâm nữa là du lịch thể thao, nhất là thể thao liên quan đến sông-biển. Tiềm năng về mảng này còn rất nhiều nhưng chưa được khai thác hết. Một số nội dung đã từng hoạt động như thể thao trên sông, một một số môn, chẳng hạn như chèo thuyền kayak, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan mà “im hơi lặng tiếng” đến hiện nay. Còn nhớ, sau vụ lật thuyền Thảo Vân trên sông Hàn năm 2016 mới thấy Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, thời điểm đó không có tiêu chuẩn gì cụ thể đối với các hoạt động sông - biển. Một số người tâm huyết với các môn thể thao sông biển của Đà Nẵng bỏ tiền đi du học nước ngoài, gồng lỗ 5-7 năm, có mảng có cả bằng giáo viên được liên đoàn quốc tế công nhận mà vẫn phải chờ Việt Nam công nhận văn bằng, cơ quan quản lý còn trả lời là mấy bằng chứng nhận này không được công nhận tại Việt Nam, trong khi quy trình công nhận chi tiết thì không có, sơ sài được vài dòng, mà cho dù có thì không rõ ở Việt Nam cơ quan nào, ai là có năng lực đánh giá công nhận những ngành mới trên thực tế vì nhân viên chuyên môn những ngành này được chia theo cấp độ và phải tích lũy trong nhiều năm!? Thể thao dưới nước quy định cấp phép vùng nước có từ 2019 mà gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý còn “lúng túng”, người có chuyên môn làm đúng, phải tạm dừng dịch vụ trong khi dịch vụ chui hoành hành mà vẫn không được xử lý.
Ngoài tắm biền thì nên quan tâm thu hút du khách qua các môn thể thao biển. Đến Đà Nẵng ăn hải sản, tắm biển thì là đương nhiên nhưng cũng không hấp dẫn lắm. Nên chăng là phát triển thể thao biển mạnh mẽ như các môn lướt ván diều, lướt sóng, ca nô, dù kéo…
Để có được một Đà Nẵng đáng đến, đáng sống thì phải căn cứ vào điều kiện thực tế, bối cảnh hiện tại, tiềm năng, dư địa để “liệu cơm gắp mắm”. Cái gì ở tầm địa phương làm được thì nên làm ngay, làm sớm, làm chắc, cái gì cần phải có chủ trương, hỗ trợ của Trung ương thì cũng phải lên tiếng. Phải xốc lại đội ngũ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị để có sự đồng thuận trong xây dựng Đà Nẵng thành điểm đáng đến đáng sống như kỳ vọng của bao thế hệ lãnh đạo và người dân Đà Nẵng.
DÂN HÙNG