Báo Công An Đà Nẵng

Làm gì để phát triển bền vững cây thuốc nam

Thứ ba, 13/08/2019 12:53

Thực trạng thuốc nam khai thác tại TP Đà Nẵng chỉ lòng vòng trong phạm vi y học dân gian và chữa bệnh nhân đạo từ thiện. Do nhiều tập quán và rào cản về cơ chế đấu thầu tập trung, quản lý cứng nhắc, nên dược liệu bản địa dù chất lượng tốt, hiệu quả cao vẫn chưa có cửa vào hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền cả y tế nhà nước và phòng khám tư nhân...

Một góc vườn thuốc nam mẫu của Trạm Y tế xã Hòa Phú.  

Nghiên cứu giải pháp bảo tồn, phát triển thuốc nam

Theo Lương y Phan Công Tuấn - Bệnh viện Y học cổ truyền (BV YHCT) Đà Nẵng, trong những năm qua, BV YHCT Đà Nẵng đã thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp thành phố liên quan đến dược liệu. Đầu tiên là đề tài "Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển" do BV YHCT chủ trì, có sự phối hợp của Hội Dược liệu thành phố và Khoa Tài nguyên dược liệu thuộc Viện Dược liệu. Kết quả điều tra đã ghi nhận ở TP Đà Nẵng có 1.117 loài và dưới loài có công dụng làm thuốc, thuộc 681 chi, 207 họ, 11 ngành thuộc 2 giới nấm và thực vật. Với kết quả này, nhóm nghiên cứu đã bổ sung trên 50 loài cây so với các nghiên cứu trước đây tại địa phương, trong đó có 6 loài mới được bổ sung cho hệ cây thuốc Việt Nam và chỉ ra được 25 loài/nhóm loài cây thuốc mọc tự nhiên, có giá trị sử dụng và kinh tế cao, có khả năng khai thác ngay tại TP Đà Nẵng và 30 loại cây thuốc có giá trị bảo tồn…

Hai đề tài còn lại cũng được nghiên cứu nghiệm thu trong năm 2017-2018, đó là "Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y - lương dượng tại Trung tâm giáo dục - dạy nghề 05-06" và "Nghiên cứu bào chế viên hoàn sâm nhung tán dục đơn và đánh giá hiệu quả điều trị trên bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng tại BV YHCT TP Đà Nẵng". Hiện nay, BV YHCT đang phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng triển khai đề tài KHCN cấp thành phố "Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng một số loại cây thuốc tại TP Đà Nẵng", thời gian thực hiện từ tháng 12-2018 đến 5-2021…

Lương y Phan Công Tuấn cho rằng, mặc dầu đã có một số tín hiệu lạc quan bước đầu, nhưng vẫn còn quá sớm để nói về kết quả các nghiên cứu sẽ được phát triển ứng dụng bền vững, nếu không triển khai đồng bộ cùng với nhiều hướng tiếp cận khác. Bởi phát triển dược liệu cần dựa trên nền tảng kết hợp nuôi trồng, bảo tồn, khai thác hợp lý không chỉ đối với nguồn tài nguyên cây con làm thuốc, mà còn cả tài nguyên rừng, tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên không khí… Bên cạnh đó, phát triển dược liệu bền vững cần đi đôi nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng tự nhiên và nông nghiệp công nghệ cao, phải chú trọng các giải pháp công nghệ sơ chế, chế biến dược liệu, gia tăng giá trị thương phẩm… Đồng thời, không chỉ phải chú trọng liên kết vùng/miền, mà cần đặt trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Lương y Phan Công Tuấn, để phát triển dược liệu bền vững, trước hết cần có cơ chế thông thoáng để Khoa Dược các BV YHCT tự chủ tiếp cận đặt hàng các cơ sở khai thác, nuôi trồng, sản xuất dược liệu, tăng cường sử dụng thuốc từ dược liệu địa phương trong khám chữa bệnh bằng YHCT từ các Trạm y tế xã phường, các khoa YHCT quận huyện đến BV tuyến tỉnh, trung ương, trong hệ thống y tế nhà nước vốn có tỷ lệ bao phủ BHYT gần 90% cả nước hiện nay...

Khôi phục các vườn thuốc nam

Theo nghiên cứu, TP Đà Nẵng hiện có trên 250 cơ sở kinh doanh và sử dụng dược liệu theo hệ thống YHCT, 6 quầy thuốc nam theo hệ thống y học dân gian và 3 phòng khám từ thiện, mỗi năm tiêu thụ trên 1.000 tấn, trong đó ước tính có 80% nhập từ nước ngoài và các tỉnh phía Bắc, 20% còn lại là nguồn cây thuốc nam tại địa phương. Tại Đà Nẵng, tổng sản lượng cây thuốc tự nhiên được khai thác trên toàn thành phố ước tính trên 200 tấn/năm, trong đó có 60 tấn do các cơ sở phòng khám nhân đạo khai thác bán cho các cơ sở kinh doanh thuốc nam các chợ đầu mối, chủ yếu phục vụ cho y học dân gian.

Về tình hình trồng cây thuốc nam, ngoại trừ các mô hình đang nghiên cứu, thử nghiệm, còn lại Đà Nẵng gần như chưa có mô hình chuyên canh trồng cây thuốc phát triển hàng hóa một cách bền vững. Lương y Phan Công Tuấn khẳng định: Nhìn chung, tại TP Đà Nẵng, thực trạng thuốc nam khai thác chỉ lòng vòng trong phạm vi y học dân gian và chữa bệnh nhân đạo từ thiện. Do nhiều tập quán và rào cản về cơ chế đấu thầu tập trung, quản lý cứng nhắc, nên dược liệu bản địa dù chất lượng tốt, hiệu quả cao vẫn chưa có  vào hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền cả y tế nhà nước và phòng khám tư nhân.

Trên cơ sở các kết quả điều tra, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp và kế hoạch hành động bảo tồn, khai thác bền vững và phát triển trồng, sử dụng cây thuốc. Cụ thể, lồng ghép bảo tồn cây thuốc trong công tác quản lý bảo vệ nguồn gen thực vật rừng ở 2 khu bảo tồn (Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà); nâng cao năng lực quản lý bảo vệ về cây thuốc cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm. Đồng thời, thành lập Trung tâm bảo tồn và phát triển cây thuốc Đà Nẵng, phát triển thêm một số cây thuốc trong diện bảo tồn, đang có nhu cầu sử dụng cao; hướng dẫn cho người dân tiếp cận và nâng cao nhận thức về vấn đề khai thác bền vững cây thuốc…

TRÍ DŨNG