Báo Công An Đà Nẵng

Làm gì để triển khai Chương trình “trồng 1 tỷ cây xanh”?

Thứ bảy, 16/01/2021 10:48

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Ngày 15-1, trả lời báo giới, đề cập Chương trình “trồng 1 tỷ cây xanh”, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Bộ đang xây dựng một đề án cụ thể để triển khai ý tưởng này của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thông qua ý tưởng trồng 1 tỷ cây xanh, tôi cho rằng mỗi người dân, mỗi tổ chức, mỗi địa phương đều có riêng cho mình một sáng kiến đối với việc trồng cây. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi thái độ của cá nhân đối với tự nhiên, tự nhiên đang chịu tác động rất lớn của việc phát triển kinh tế, việc mất cân bằng sinh thái tự nhiên đang là một nguy cơ nguy cấp. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét ở nhiều góc độ để triển khai ý tưởng này, để việc trồng cây không đơn thuần là một con số cụ thể mà còn giúp phục hồi thiên nhiên về mặt sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, là di sản để lại cho các thế hệ sau này.

Ngoài ra, để thực hiện ý tưởng này, các đơn vị liên quan cần có sự đánh giá kỹ lưỡng về mặt thổ nhưỡng, về điều kiện đặc thù của từng địa phương. Dựa trên các điều kiện tự nhiên khác nhau sẽ có việc trồng cây khác nhau, cây trồng tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tại các khu công nghiệp, đường giao thông... cần phải có sự phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, việc trồng cây cần được tất cả người dân cũng như các địa phương thực hiện một cách lâu dài, thường xuyên, không chỉ là một phong trào ngắn hạn; trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải đi đầu trong phong trào trồng cây.

Trả lời câu hỏi, cần có những việc làm cụ thể nào để đất nước ta tiến tới các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã tạo ra một nền tảng hết sức quan trọng để chúng ta chuyển đổi mô hình kinh tế đi theo chiều sâu và chất lượng. Mọi quá trình phát triển phải tính đến bảo vệ môi trường, giải quyết mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, con người với môi trường, giữa môi trường và kinh tế. Theo đó, trong mọi bài toán về kinh tế đều phải có tính đến môi trường, trong các chi phí về phát triển kinh tế đều phải bao gồm chi phí về bảo vệ môi trường.

Kinh tế nước ta cần phải chuyển đổi từ một nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh”, phải chuyển từ việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch sang các nguyên liệu thân thiện với môi trường, phải giữ được không gian sống xanh cho con người. Tư duy cần chuyển sang kinh tế tuần hoàn, hay nói cách khác, một nền kinh tế mà mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên đều phải được xử lý một cách hiệu quả, tiết kiệm.

Đến nay, chúng ta đang cần giải quyết nhiều bài toán về tăng trưởng, về các vấn đề xã hội. Tôi cho rằng, đầu tư vào phục hồi, phát triển các nền sinh thái tự nhiên sẽ giúp tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế, đóng góp lớn trong việc tăng trưởng xanh của đất nước ta. Kinh tế số vừa là động lực, vừa là giải pháp đối với sự phát triển trong tương lai. Việc phát triển kinh tế số, xã hội số cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học vào phát triển đất nước chính là giúp giảm đi những áp lực về môi trường, tạo ra việc làm và giá trị rất lớn trong việc khắc phục môi trường, phát triển lại rừng.

Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã công bố tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, đặc biệt chúng ta đang đứng trước một đại dịch lớn chưa từng có là dịch COVID-19. Các nhà khoa học đã chứng minh sự liên quan của đại dịch này với các loài động vật hoang dã, với tình trạng hủy diệt các hệ sinh thái. Những khái niệm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp là những mục tiêu các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng tới. Với góc độ là cơ quan môi trường, tôi cho rằng chúng ta cần phải thay đổi thái độ của chúng ta đối với tự nhiên. Tự nhiên không chỉ báo động với chúng ta về biến đổi khí hậu mà tự nhiên còn báo động  về một hành tinh đang mất đi tính cân bằng vốn có của nó bằng nhiều hình thái như: hạn hán, thiên tai, khí hậu cực đoan và dịch bệnh..

HOÀNG NAM