Báo Công An Đà Nẵng

Làm gì để vực dậy những làng nghề truyền thống ở Quảng Nam?

Thứ hai, 03/01/2022 18:37

Là địa phương giàu có về số lượng, đa dạng về ngành nghề nên các làng nghề truyền thống đã phản ánh phần nào sự phồn thịnh, phát triển của Quảng Nam xưa. Sản phẩm làm ra từ những làng nghề không chỉ phục vụ cho đời sống của nhân dân trong vùng mà còn theo chân các thuyền buôn đi khắp mọi nơi, giới thiệu cho mọi người về nét đẹp văn hóa cùng sự khéo léo tài hoa của người dân xứ Quảng. Những năm qua, dù được địa phương quan tâm khôi phục và phát triển, nhưng thời gian gần đây những làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một do thiếu người kế nghiệp, thiếu tính liên kết...

Một cửa hàng tại làng nghề đúc đồng Phước Kiều.

Chúng tôi trở lại làng nghề đúc đồng Phước Kiều, xã Ðiện Phương, TX Ðiện Bàn vào những ngày cuối năm 2021. Ðưa chúng tôi đi thăm nhà thờ tổ nghề đúc truyền thống Phước Kiều và một số cơ sở đúc, quầy trưng bày sản phẩm trong làng, nghệ nhân Dương Ngọc Sang- Trưởng làng đúc đồng Phước Kiều, tâm sự: “Làng nghề đúc đồng Phước Kiều có từ lâu đời và đã trải qua những bước thăng trầm. Trong 10 năm gần đây, làng được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ khôi phục. Hiện làng đúc đồng Phước Kiều chỉ còn 6 hộ trực tiếp đúc đồng, nhưng quy mô không lớn cùng hơn 10 hộ chuyên trưng bày, buôn bán sản phẩm từ đồng. Mỗi năm làng nghề sản xuất và cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hàng chục nghìn sản phẩm các loại, với tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động”.

Theo tìm hiểu, ngoài đúc đồng, Ðiện Bàn còn 4 làng nghề truyền thống được khôi phục, đi vào hoạt động, như: mộc mỹ nghệ, mỹ nghệ đất nung…, đã tạo việc làm cho gần 400 lao động tại địa phương và tổng doanh thu từ các làng nghề hơn 40 tỷ đồng/năm. Ông Trần Úc- Chủ tịch UBND Thị xã Ðiện Bàn, cho biết: “Những năm qua, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, địa phương đã đầu tư cho một số làng nghề, triển khai xây dựng Cụm làng nghề Ðông Khương (xã Ðiện Phương) gắn với phát triển du lịch có diện tích gần 10ha, với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều làng nghề đã được khôi phục, mở ra triển vọng mới trong du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cùng với thị xã Ðiện Bàn, những năm gần đây TP nhiều địa phương khác ở Quảng Nam đã chú trọng bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống và đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Trong đó, TP Hội An đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị làng nghề truyền thống. Ðến nay, Hội An đã xây dựng làng nghề trồng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, tre dừa nước Cẩm Thanh… thành những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Và từ nguồn thu du lịch, thành phố đã đầu tư lại cho làng nghề, tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Tại huyện Thăng Bình, địa phương đã chú trọng phát triển làng nghề làm hương tại TT Hà Lam, nước mắm Cửa Khe… 

Ông Mai Đình Lợi- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, trao đổi: Quảng Nam hiện có 45 làng nghề, làng nghề truyền thống, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, đan lát và cơ khí... với 3.341 cơ sở sản xuất, chế biến đã tạo việc làm cho hơn 6.500 lao động. Để khôi phục và giúp các làng nghề phát triển, từ năm 2011 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách, Quảng Nam đã đầu tư gần 110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia việc phát triển các làng nghề nông thôn tại Quảng Nam còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, được sản xuất theo phương pháp thủ công hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp… nên mẫu mã sản phẩm không đa dạng, giá thành cao, sức cạnh tranh kém. Phần lớn người lao động tại các làng nghề đều ở tuổi trung niên, mất sức lao động… nên không có tính năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường. Vì vậy, đòi hỏi địa phương phải có những biện pháp hỗ trợ thiết thực hơn.

Trước thực tế trên, Quảng Nam đã đề ra chủ trương bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn, thương hiệu riêng. Mục tiêu chính của phát triển làng nghề dựa trên cơ sở hài hòa giữa sản xuất hàng hóa với bảo vệ môi trường, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập lao động…

Ngoài ra, phát triển sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ tiếp tục quy hoạch làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với các điểm, tuyến du lịch, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đến các khu, cụm công nghiệp, cụm làng nghề đã được quy hoạch. Tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề. Ưu tiên cho các đối tượng làng nghề vay vốn ưu đãi với thủ tục đơn giản, thời hạn và lãi suất vay phù hợp đặc điểm sản xuất ngành nghề. Ðồng thời hỗ trợ các cơ sở ngành nghề tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm… nhằm đảm bảo sự phát triển một cách bền vững.

Hy vọng, với việc áp đụng đồng bộ những biện pháp trên, các làng nghề tại Quảng Nam sẽ vượt qua những khó khăn để vươn cao, bay xa hơn…

M.T