Báo Công An Đà Nẵng

Làm gì khi bị chấn thương thể thao?

Thứ năm, 14/07/2022 09:43
Bệnh nhân bị CTTT đang tập phục hồi chức năng tại BVPHCNĐN. Ảnh: T.Vinh

Chấn thương thể thao thường gặp

CTTT là các loại chấn thương thường xảy ra nhất khi chơi thể thao hoặc tập luyện và có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng phổ biến là những chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp, các mô liên quan như sụn, dây chằng. Các CTTT thường xảy ra ở người trẻ và trẻ em.

Theo ước tính của StanFord Childrens Health- Tổ chức phi chính phủ về chăm sóc sức khỏe trẻ em của Mỹ, mỗi năm có hơn 3,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị thương khi tham gia các hoạt động thể chất và 1/3 số ca chấn thương ở trẻ em cũng liên quan đến thể thao. Các CTTT thường gặp: bong gân mắt cá chân, bong gân, căng cơ, chấn thương háng, chấn thương đầu gối, chấn thương vai, gãy xương, viên cân gan chân, viêm A-sin (gân gót), chấn thương vùng đầu, chấn thương tủy sống… Bất kỳ ai cũng có khả năng gặp phải CTTT và các yếu tố nguy cơ cao bị CTTT, đó là tuổi tác, thể trạng, trình độ luyện tập, thời kỳ trong giải đấu, khởi động sai cách, thay đổi cách tập luyện thi đấu, kỹ thuật thi đấu và tập luyện có sai sót, yếu tố tâm lý, có dị tật từ trước, dinh dưỡng không đảm bảo, khí hậu bất thường, trang bị dụng cụ tập không phù hợp…

Cần có chuyên khoa điều trị CTTT

CTTT nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, có thể hồi phục hoàn toàn và phục hồi đỉnh cao phong độ thi đấu cho VĐV. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung- Tây Nguyên chưa có bệnh viện chuyên khoa sâu về y tế thể thao (YTTT), nên khi bị CTTT, không ít VĐV chuyên nghiệp, nghiệp dư, bán nghiệp dư, phong trào… còn băn khoăn chưa biết điều trị ở đâu. Đối với các VĐV khi bị bỏ mất “giờ vàng” điều trị CTTT, rất có thể họ sẽ khó phục hồi hoàn toàn hoặc mất đi phong độ thi đấu đỉnh cao, có người phải ngậm ngùi từ bỏ đam mê thể thao của mình vì chấn thương không được điều trị đúng cách, kịp thời.

Nắm bắt được nhu cầu YTTT ngày càng cao, Bệnh viện Phục hồi chức năng TP Đà Nẵng (BVPHCNĐN) xây dựng Đơn vị y tế thể thao phối hợp với Đơn vị di chứng sau tai biến và Đơn vị bệnh lý cơ xương khớp thuộc Khoa Phục hồi chức năng của BV, tiếp nhận và điều trị chuyên khoa sâu các CTTT. BVPHCNĐN đã có nguồn nhân lực chuyên sâu nhiều kinh nghiệm về PHCN và trang thiết bị, máy móc đầy đủ để triển khai chuyên môn sâu điều trị CTTT. Đơn vị YTTT của BVPHCNĐN có bể bơi thủy trị liệu có hiệu quả PHCN cho một số chấn thương; có khám và điều trị nhiều chuyên khoa, với phương châm kết hợp nhiều phương thức vật lý trị liệu, PHCN, y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thảo dược…) để tăng cường hiệu quả điều trị. Điều trị CTTT đòi hỏi chuyên khoa sâu, chuyên môn cao, bề dày kinh nghiệm và tâm huyết, vì bệnh nhân CTTT đòi hỏi không chỉ phục hồi vận động bình thường, mà còn phải phục hồi phong độ đỉnh cao thi đấu.

Thời gian qua, BVPHCN đã tiếp nhận và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp CTTT, đem lại niềm vui được trở lại phong độ đỉnh cao trên sân đấu cho nhiều VĐV. Trong thời gian tới, sẽ có kế hoạch chuyển giao nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực điều trị CTTT từ Bệnh viện Thể thao trung ương nhằm tăng cường chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ cho Đơn vị TTYT của BVPHCNĐN.

Thế Vinh