Làm gì trong một ASEAN không biên giới?
(Cadn.com.vn) - Chia sẻ với các DN ở Đà Nẵng hôm 19-6, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam khẳng định, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang xây dựng chiến lược theo hướng coi ASEAN là một quốc gia duy nhất. Vậy, trong “quốc gia” ấy, kinh tế Việt Nam có vai trò gì? Năng lực cạnh tranh của DN Việt ở đâu?
TS Võ Trí Thành nói về chiến lược hội nhập trong ASEAN. |
Định vị cạnh tranh
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, Cố vấn Đoàn đàm phán Chính phủ nói, cạnh tranh trong ASEAN diễn ra gay gắt giữa các nền kinh tế thành viên ở ba cấp độ. Giữa sản phẩm với sản phẩm, giữa DN với DN, giữa Chính phủ với Chính phủ (cạnh tranh về thể chế, môi trường kinh doanh).
Theo ông Tuyển, các nước công nghiệp phát triển họ cũng trải qua thời kỳ bảo hộ sản xuất trong nước thông qua hàng rào thuế quan. Mình cũng qua thời kỳ đó, nhưng ở mình bảo hộ lại theo kiểu độc quyền quốc gia, hàng hóa sản xuất ra xấu, kém người dân vẫn không có sự lựa chọn nên phải dùng. Ngược lại như Hàn Quốc, người ta bảo hộ cho DN sản xuất trong nước, nhưng cho các DN cạnh tranh sòng phẳng qua đó nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, sản phẩm sống được với thị trường.
Ở nước ta, hệ lụy bảo hộ độc quyền là không có một sản phẩm công nghiệp ra hồn. Bây giờ, mô hình công nghiệp của thế giới không còn bảo hộ nữa, chuyển qua công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu dựa trên lợi thế cạnh tranh. Bởi đặc thù ngày nay các nền kinh tế mở cửa, thị trường không còn biên giới, các DN phải phát huy sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng, nhìn lại năng lực cạnh tranh của Việt Nam, DN Việt Nam trong ASEAN thì quá thấp.
Một vài số liệu được ông Tuyển dẫn chứng: GDP của nước ta bằng 0,7/10 mức trung bình 10 nước ASEAN, thu nhập bình quân đầu người nước ta chưa bằng 1/2 mức trung bình ASEAN, nhận thức của DN và của các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về AEC hiện ở mức thấp nhất trong ASEAN, chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu và môi trường kinh doanh của nước ta vẫn nằm trong vùng trũng của AEC, năng suất lao động của Việt Nam so với Malaysia bằng 1/5, so với Singapore 1/15, với Thái Lan 1/2,55. Trong khi đó, về thực trạng DN Việt Nam trong ASEAN thì quy mô quá nhỏ, tiềm lực tài chính và công nghệ thấp.
Chẳng hạn trong 100 DN có quy mô thị trường lớn nhất ASEAN thì Malaysia có 27, Singapore có 21, Thái Lan có 21, Philippines có 14, Việt Nam có 1 (Petro Việt Nam). Một thực trạng khác là DNNN còn chiếm tỷ trọng lớn, nắm giữ tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quốc gia và tổng nguồn tín dụng nhưng hiệu quả thấp, tính độc quyền còn cao và chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân, tư duy nhiệm kỳ trong quản lý ở DNNN còn phổ biến. Về công nghệ, phần lớn DN nước ta sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ hai đến ba thế hệ; có 76% máy móc, dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% thiết bị đã hết khấu hao. Đây là nguyên nhân quan trọng làm năng suất lao động của Việt Nam rất thấp.
Tìm lợi thế riêng
TS Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói, mặc dù năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong ASEAN thấp, song chúng ta lại có những lợi thế nhất định trong cuộc chơi “không biên giới” này. Chẳng hạn ta có một số ngành trọng điểm, giàu sức cạnh tranh như kinh tế biển, nông nghiệp, CNTT. Hiện nay, Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ CNTT thế giới mà còn có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng, trong đó đã trở thành quốc gia hàng đầu ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài.
Bên cạnh đó, nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng, còn kéo dài được 25 năm nữa. Quãng thời gian này đủ để ta hoàn thành một tiến trình công nghiệp hóa nếu chúng ta có đủ khát vọng. Cũng theo TS Thành, trong bối cảnh sân chơi toàn cầu hiện nay, chiến lược công nghiệp hóa phải dựa trên sức cạnh tranh và tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu thì DN nước ta có thể chọn các lĩnh vực có lợi thế như chuỗi công nghiệp điện tử, chuỗi ngành chế biến thực phẩm, chuỗi công nghiệp ô-tô. Ông Nguyễn Anh Dương- Phó ban Chính sách kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhiều tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài đã đầu tư vào nước ta và đang mở rộng quy mô hoạt động như Intel, Samsung Electronics, Canon, Nokia...
Tuy nhiên ngành điện tử nước ta vẫn dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất, các DN Việt Nam mới chỉ tham gia ở các khâu bao bì, in ấn, đóng gói. Trong chuỗi ngành chế biến thực phẩm thì nhiều sản phẩm của Việt Nam có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới như thủy sản, gạo, rau quả, tiêu... với quy mô hơn 6.000 DN trong lĩnh vực này. Song, thách thức đặt ra hiện nay là mặc dù xuất khẩu tăng nhanh nhưng nguồn cung trong nước về nguyên liệu không kịp, phải dựa vào nguyên liệu nhập khẩu, điển hình như ngành thủy sản.
Mặt khác, các tiêu chuẩn của Việt Nam thường thấp hơn so với các tiêu chuẩn của khu vực, quốc tế nên DN Việt Nam thường bị ảnh hưởng lớn khi xuất khẩu thực phẩm ra nước ngoài. Trong chuỗi ngành công nghiệp ô-tô, hiện Việt Nam có 18 nhà sản xuất trong và ngoài nước cùng chia sẻ thị phần khoảng 100 – 120 ngàn xe mỗi năm. Đây là chuỗi ngành DN nước ta có lợi thế phát triển và cạnh tranh song cái vướng hiện nay là chưa tạo được liên kết cho DN lắp ráp với DN sản xuất phụ tùng trong nước, chưa nhìn rõ vị trí mong muốn trong chuỗi khi vừa muốn lắp ráp vừa muốn phát triển linh kiện trong khi lại ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cho DN lắp ráp.
Như vậy, cơ hội ASEAN rất lớn song năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại rất thấp, việc DN có thể phát triển trong “quốc gia” ASEAN phụ thuộc vào định vị chiến lược ngành, cụ thể là một số ngành thế mạnh trong chuỗi giá trị như nêu trên.
Hải Hậu