Báo Công An Đà Nẵng

Làm giàu nhờ nuôi chồn hương

Thứ tư, 21/04/2021 19:00

Từ 3 con chồn hương non (cầy vòi hương), sau nhiều năm miệt mài chăm sóc và nghiên cứu kỹ thuật nuôi phù hợp, anh Nguyễn Hữu Khánh (35 tuổi, thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), thu về nửa tỷ đồng/năm.

Mô hình nuôi chồn hương của anh Khánh mang lại hiệu quả cao.

Kể về cơ duyên đến với loài vật này, anh Khánh cho hay, năm 2013, anh xin của người dân đi rẫy 3 con chồn hương non về nuôi cảnh. Cứ nghĩ nuôi để “thử nghiệm”, nếu nó chết thì xem như mình không có duyên. Tuy nhiên, sau hơn một năm tự mày mò tìm khắp các trang báo, sách vở, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, chồn con phát triển khỏe mạnh và bắt đầu sinh sản. Nhận thấy mô hình phát triển ổn định, anh Khánh mạnh dạn đầu tư để vươn lên làm giàu.

Đến năm 2017, quyết định nghỉ công việc tại một khách sạn, anh đầu tư 100 triệu đồng để xây 3 khu nuôi chồn hương, là khu chồn bố, mẹ sinh sản; chồn hậu bị (chồn giống) và khu nuôi riêng chồn bệnh với tổng đàn ban đầu là 26 con chồn hương. Kết quả là đàn chồn của anh ngày càng sinh sôi, phát triển. Từ 3 con chồn hương ban đầu đến nay trang trại của anh có gần 100 con. Trong đó chủ yếu là chồn sinh sản phục vụ bán giống.

“Chồn hương có đặc tính ngủ ban ngày và hoạt động kiếm ăn về đêm, nên tôi thường cho ăn một lần trong ngày vào khoảng 17-18 giờ. Đây là loài dễ nuôi, giá bán cao nhưng chi phí thức ăn lại thấp, chủ yếu là ăn chuối chín và cháo cá tạp… Bình quân mỗi năm xuất bán gần 100 con chồn thịt, sau khi trừ chi phí thì tôi lãi 500 triệu đồng”, anh Khánh tâm sự

Về mô hình chuồng trại, nuôi chồn hương không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Có thể nuôi chồn trong lồng, theo kiểu công nghiệp, mỗi con một chuồng riêng. Bản tính chồn ưa sạch sẽ, thoáng mát nên mỗi buổi sáng phải dội rửa, vệ sinh xung quanh chuồng; chậu uống nước, thau đựng thức ăn phải rửa sạch, định kỳ mỗi tháng xổ giun cho chồn một lần để chồn háu ăn, mau lớn.

Chồn hương cũng là loài có sức đề kháng tốt nên cũng không quá lo lắng về chi phí cho thuốc men. Chồn chỉ mắc các bệnh thường gặp về đường hô hấp, đường ruột. điển hình là bệnh tiêu chảy. Khi thấy chồn có triệu chứng thì nhanh chóng tách chuồng để tránh lây lan, dùng thuốc thú y thông thường để điều trị là khỏi.

Chồn hương đang trong thời kỳ giao phối. 

Theo anh Khánh, chồn hương phải nuôi mỗi con một chuồng nếu không chúng sẽ cắn nhau. Con cái đến thời kỳ động dục mới thả con đực vào giao phối. Thời kỳ động dục của con cái cũng chỉ kéo dài từ 2-3 ngày nên phải theo dõi kỹ. Thời gian mang thai của chồn hương cái thường kéo dài từ 60-65 ngày. Chồn con sinh ra sẽ bú mẹ hoàn toàn, khi 1,5 tháng tuổi lúc này chỉ cần tách chồn con ra khỏi chuồng mẹ, nhằm thuần hóa và tránh việc chồn mẹ cắn chết chồn con.

Trung bình mỗi năm, một con chồn thuần dưỡng cái có thể sinh sản 2-3 lứa, mỗi lứa từ 2-6 con. Chồn con nuôi 2 tháng là có thể bán giống với giá 7 triệu đồng/cặp, chồn giống từ 3-4 tháng giá 8 triệu đồng/cặp bao gồm cả kỹ thuật chăm sóc và giấy phép nuôi của Chi cục kiểm lâm với các thông tin về xuất xứ và số lượng con cụ thể. Chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 1,6-1,8 triệu đồng/kg. Thời gian tới, anh cho biết sẽ mở rộng chuồng trại và tăng thêm số lượng đàn.

Ngoài ra, anh Khánh còn kết hợp nuôi 45 con dúi sinh sản, thu lời 50-100 triệu đồng/năm, theo đó dúi từ 2-3 tháng có giá 800.000 đồng/cặp, từ 5-6 tháng giá 1,2 triệu đồng/cặp và dúi hậu bị là 1,8 triệu đồng/cặp. Tuy nhiên, vì thấy lợi nhuận không cao và nhiệt độ sống của dúi không phù hợp thời tiết nắng nóng (25 – 30 độ C) nên anh Khánh giảm dần số lượng dúi và tập trung vào nuôi chồn hương.

Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết, mô hình nuôi chồn hương và dúi của anh Nguyễn Hữu Khánh là mô hình kinh tế điển hình ở xã Hòa Sơn. Hiện tại, anh Khánh  đang hướng dẫn kỹ thuật nuôi chồn hương cho một số bà con có nhu cầu nuôi giống. Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này, để nâng cao thu nhập cho bà con.

Thùy Dương