Báo Công An Đà Nẵng

Làm giàu từ nuôi tôm trên bạt

Thứ hai, 07/12/2020 10:39

Từ năm 2013, ông Lê Quang Toàn (1957) nông dân xã Vạn Thọ,  H. Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã thành công khi áp dụng công nghệ Biofloc (công nghệ làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh) vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Doanh thu từ các hồ nuôi tôm mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng, kể cả trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, tôm thương phẩm của gia đình ông vẫn duy trì đầu ra ổn định, thu nhập của hàng trăm người lao động tại hồ nuôi tôm hộ gia đình ông Toàn không bị ảnh hưởng.

Tôm thẻ thương phẩm được thu mua với giá dao động từ 100.000-125.000 đồng/kg, với khoảng từ 50-60 con/kg.

Ông Toàn sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Phú Yên. Từ năm 1960, gia đình ông chuyển ra Cam Ranh (Khánh Hòa) sinh sống. Năm 1976, ông nhập ngũ. Hết nghĩa vụ trở về, ông làm nhiều công việc khác nhau, nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình chật vật. Do đó, ông Toàn luôn trăn trở phải làm gì để kinh tế gia đình ổn định và có điều kiện nuôi con ăn học. 

Năm 1994, gia đình ông chuyển đến thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nhận thấy điều kiện thích hợp nuôi trồng thủy sản, ông nảy sinh ý tưởng nuôi tôm sú nên vay mượn vốn làm 5.000 m2 hồ nuôi tôm. Lúc đầu làm, do ông không có kinh nghiệm nên bị thất bại. Đến 1997, khi phong trào nuôi tôm thẻ bắt đầu phát triển, ông chuyển sang nuôi, song kết quả không khả quan.

 "Lúc đó, tôi khá bế tắc, đã có lúc tôi định dừng lại để chuyển hướng khác. Thế rồi may mắn, tôi cùng một số hộ nuôi được sự quan tâm của Hội Nông dân và các ngành có liên quan tổ chức đi tham quan nhiều mô hình nuôi tôm trên bạt ở các nước Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Malaysia. Từ đó, tôi cập nhật được kỹ thuật nuôi tôm trên bạt và về áp dụng trên diện tích nuôi nhà mình. Chỉ sau 2 tháng, vụ tôm đầu tiên đã cho thu lãi hơn 2 tỷ đồng", ông Toàn chia sẻ.

 Đến nay, gia đình ông Lê Quang Toàn có 15 hecta đất, trong đó có khoảng 8-9 hecta là hồ nuôi tôm, tương ứng 40 ô nuôi tôm trải bạt; diện tích còn lại là để làm ao lắng, ao chứa chất thải và một số diện tích dành nuôi ốc hương, cá. Do áp dụng công nghệ Biofloc, quá trình nuôi không dùng thuốc kháng sinh mà cấy vi sinh bằng cách dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh... tạo biofloc để đưa xuống ao nuôi thường xuyên nên tôm nuôi phát triển, ăn mạnh và mau lớn dù ông thả với mật độ dày (1 m2 khoảng 400 con). Từ khi áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt bằng phương pháp trên, bình quân một vụ ông thu lãi khoảng 8 tỷ, nếu thuận lợi mỗi năm cũng cho lãi trên dưới 20 tỷ đồng.

 "Cứ 2,5 tháng thả nuôi tôm đạt kích cỡ khoảng 50-60 con/kg sẽ xuất bán với giá dao động từ 100.000 - 125.000 đồng/1 kg. Trung bình, mỗi hồ nuôi tôm cho sản lượng 8 tấn và mỗi vụ thu hoạch với tổng sản lượng 32 tấn (2,5 tháng/vụ). Như vậy, mỗi năm ông nuôi 4 vụ, với tổng sản lượng trên 100 tấn. Những năm nuôi thuận lợi, ông bỏ túi từ 15-16 tỷ đồng", ông Toàn cho biết.

 Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ Trần Quang Khánh khẳng định, ông Toàn không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ nuôi tôm trong xã. Hàng năm, ông giúp tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi và bán thức ăn, thuốc xử lý nuôi tôm cho các hộ nuôi tôm, đến khi thu hoạch, các hộ nuôi tôm mới trả nợ ông tiền thức ăn và thuốc. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư 4 bình điện 160KW-250KW để chia sẻ giúp đỡ cho các hộ nuôi chưa đủ điều kiện hạ thế điện. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Toàn còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động, với mức lương trung bình 4 - 6 triệu/tháng và 250 lao động thời vụ.

 Anh Đoàn Minh Thuận, quê ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), một lao động nuôi tôm cho gia đình ông Toàn cho biết, anh làm việc tại gia đình ông từ năm 2013 đến nay, mức lương hiện giờ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các anh em nuôi tôm còn hưởng doanh thu khoảng 3% nếu nuôi thắng lợi. Là lao động thường xuyên nên hàng năm anh còn được trả thêm hàng chục triệu đồng thu nhập tăng thêm. Nhờ vậy cuộc sống gia đình anh ổn định. Đặc biệt, thời điểm năm 2020 mặc dù ảnh hưởng dịch nhưng anh và những lao động khác vẫn có công việc ổn định và không bị giảm thu nhập.

 "Qua những thất bại trong thời kỳ đầu nuôi tôm, tôi thấm thía để có được kinh nghiệm quý khi bắt đầu khởi nghiệp. Mình dám nghĩ, dám làm nhưng phải trên cơ sở có kiến thức và áp dụng khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, phải tìm được nguồn cung ứng con giống uy tín, vì con giống có vai trò rất quan trọng. Một yếu tố nữa là nguồn nước nuôi tôm phải sạch, phải xử lý độ kiềm, độ PH và xử lý phèn thích hợp trước khi đưa vào ao nuôi tôm chính thức", ông Toàn nhấn mạnh.

 Tại mô hình nuôi tôm, ông Toàn đã khoan giếng lấy nước, sau đó bơm vào các ao chứa để lọc và xử lý các tạp chất, vi khuẩn. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, các ao đều đầu tư hệ thống tạo oxy dày, hoạt động liên tục gần như 24 giờ/ ngày, thường xuyên sục và xả nước trong ao ra để bơm nước mới vào giúp tôm mau lớn. Trong quá trình cho tôm ăn, ông xử lý thuốc đều theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

 Đó là những kinh nghiệm mà ông Toàn đã rút ra được từ chặng đường dài khởi nghiệp khó khăn cho đến thành công như ngày hôm nay. Nhờ vậy gia đình ông có kinh tế vững chắc và có điều kiện giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

 Ông Trần Quang Khánh cho hay, từ mô hình nuôi tôm trên bạt của ông Toàn thành công đã có nhiều hộ nông dân trong xã học tập và áp dụng. Từ năm 2012, ông Toàn nhiều lần được ghi nhận và đánh giá là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Thanh Vân