Làm giàu từ thỏ lai
(Cadn.com.vn) - Dương Văn Chính (36 tuổi), ở H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) người được mệnh danh là "Triệu phú thỏ lai" đã dám bỏ tấm bằng kỹ sư cơ khí để làm nông dân và quyết tâm đeo đuổi ước mơ làm giàu từ nghề chăn nuôi.
Bỏ kỹ sư làm nông dân
Liên lạc theo số điện thoại ghi trên website Traithoquoccuong.com, chúng tôi được ông chủ Dương Văn Chính hẹn gặp tại cơ sở nuôi thỏ số 2 đóng tại xã Hòa Sơn (H.Hòa Vang). Chính bảo Cơ sở 1 tại thôn 5 xã Hòa Ninh (H.Hòa Vang) đường hơi khó đi nên anh chọn nơi này làm chỗ tiếp khách và giao dịch với bạn hàng. Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi thỏ lai, Chính kể: quê gốc tại xã Bình Sơn, H.Hiệp Đức (Quảng Nam), sinh ra trong gia đình thuần nông. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng từ nhỏ, Chính cùng 3 người em đều rất ham học. Năm 1999, Chính là người đầu tiên trong thôn đậu Đại học Bách khoa Đà Nẵng chuyên ngành cơ khí chế tạo máy với số điểm khá cao 18/15 điểm.
Sau 5 năm đèn sách, năm 2014, Chính ra trường với tấm bằng Khá và được tuyển dụng vào làm việc cho một Cty chuyên về cơ khí có thương hiệu tại Đà Nẵng. Qua 5 năm làm việc đúng chuyên môn, sở trường, Chính được cân nhắc lên vị trí Chủ tịch Công đoàn của Công ty với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thời điểm năm 2009, mức lương như vậy là khá cao so với mặt bằng chung của xã hội, đủ cho Chính trang trải chi phí sinh hoạt và phụ giúp các em ăn học. Nhưng với Chính, chừng đó vẫn chưa thỏa mãn, anh muốn phải làm sao không chỉ cải thiện thu nhập mà còn giúp đỡ được cho nhiều người.
Trang trại nuôi thỏ của Dương Văn Chính tại xã Hòa Sơn. |
5 năm làm việc tại Đà Nẵng, trong đầu Chính luôn xuất hiện 3 ý tưởng sát với thực tế nhu cầu thị trường là mở xưởng làm tăm xỉa răng, làm nhang và nuôi thỏ. Tìm hiểu kỹ 3 phương án này, Chính thấy nuôi thỏ là phù hợp nhất với điều kiện bản thân lúc đó. Bởi, nuôi thỏ không cần vốn nhiều, chi phí thấp mà sinh lợi lớn. Thế là Chính âm thầm thực hiện ước mơ của mình bằng việc vay 100 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, con giống và chọn xã Hòa Ninh (H.Hòa Vang) làm nơi khởi nghiệp. Đó là những ngày tháng bận rộn và gian truân nhất với chàng kỹ sư trẻ.
Chính kể: "Ban ngày đi làm ở Cty cơ khí, chiều về lại tất bật chạy đến trang trại để xem thỏ có ổn không. Do ban đầu chưa có kinh nghiệm nên 100 con thỏ giống New Zealand thuần chủng, mỗi con nặng 1,7kg, giá 170.000 đồng/kg mua về từ Trung tâm Giống Dê và Thỏ Sơn Tây (Hà Nội) phát triển chậm, nuôi được 1 tháng ốm chết hết 40 con. Biết có chuyện không ổn, tôi đi sâu tìm hiểu và phát hiện giống thỏ này không chịu được cái nóng của miền Trung. Cái khó ló cái khôn, tôi nghĩ đến việc lai tạo ra giống thỏ phù hợp khí hậu khu vực Đà Nẵng nên vào trại thỏ giống ở Quy Nhơn (Bình Định) mua giống thỏ California của Mỹ về giao phối với thỏ New Zealand thuần chủng. Kết quả thành công ngoài mong đợi, đàn thỏ lai thế hệ F1 này phát triển tốt, ăn khỏe, chóng lớn, cho sản lượng tốt. Con to nhất đạt trọng lượng 6kg, số còn lại trung bình từ 4,5kg đến 5kg/con.
Kể từ đây, tôi nộp đơn xin nghỉ hẳn nghề cơ khí, chuyển về thôn 5 (xã Hòa Ninh) lập trang trại nuôi thỏ lai". Ban đầu nghe tin Chính bỏ nghề kỹ sư cơ khí lên núi lập trang trại nuôi thỏ, gia đình và người thân ai nấy đều không ủng hộ. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã ổn, quyết định táo bạo ngày đó là hướng đi đúng với chàng trai có nhiều đam mê và nhiệt huyết này.
Dương Văn Chính và con thỏ lai thế hệ F1. |
"Bà đỡ" cho thỏ lai
Từ thành công bước đầu, Chính quyết định đầu tư mạnh tay, nâng đàn lên gần 1.000 con cả thỏ giống lẫn thịt và chuyên tâm vào nghiên cứu, phát triển mô hình nuôi thỏ lai tại TP Đà Nẵng. Năm 2009, Chính sinh con trai đầu lòng và lấy tên con là Quốc Cường làm thương hiệu cho trang trại của mình. Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, ngoài mức chi phí, trại thỏ Quốc Cường thu nhập ổn định mỗi tháng từ 30 đến 40 triệu đồng. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và nỗ lực bản thân, Chính giúp đỡ hàng trăm hộ dân trong cả nước cùng nuôi thỏ lai để phát triển kinh tế gia đình. Chính kể, khi nuôi thành công thỏ lai, việc tìm đầu ra lại gặp khó khăn.
Bước đầu anh nghĩ ra cách in tờ rơi phát đến các quán nhậu để quảng bá sản phẩm nhưng hiệu quả không cao. Về sau anh lập trang web trên mạng Internet để thông tin về trang trại, trong đó có quảng cáo giá bán thỏ giống và thỏ thịt để mọi người cùng biết. Kể từ đây, có nhiều người quan tâm hỏi thăm, liên lạc mua giống về nuôi và thu mua sản phẩm thỏ thịt. Trong 6 năm qua, Chính không nhớ hết được đã có bao nhiêu khách đến với mình, chỉ biết là khi tới với trại thỏ Quốc Cường, mọi người đều được hướng dẫn tỉ mỉ cách nuôi cũng như đảm bảo đầu ra. Chính bảo, để mọi người cùng nuôi thỏ thành công, anh ký cam kết sẽ giúp đỡ tận tình.
Mỗi người đến mua giống đều được anh phát cho 1 cuốn tài liệu đúc kết kinh nghiệm thực tế mà anh dày công nghiên cứu trong vòng 6 năm như: Kỹ thuật làm chuồng trại. Kỹ thuật phối giống, khám thai và chăm sóc thỏ đẻ. Kỹ thuật chăm sóc thỏ mẹ mang thai. Kỹ thuật chăm sóc thỏ con sau khi sinh, thỏ tăng trọng và thỏ hậu bị. Quy trình phòng và trị bệnh cho thỏ... Với những hộ nuôi thỏ ở khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam, nếu gặp bất trắc, anh tự nguyện đến thăm và tư vấn. Còn ở xa hơn thì anh liên lạc qua điện thoại để có những chia sẻ kinh nghiệm kịp thời. Thêm nữa, những cơ sở nuôi thỏ chưa có đầu ra, Chính cam kết bao tiêu sản phẩm để mọi người yên tâm sản xuất.
Đến thời điểm hiện nay, Chính đang sở hữu 250 con thỏ nái, 1.500 con thỏ thịt đang nuôi tại 2 cơ sở ở Hòa Ninh và Hòa Sơn. Giá thỏ giống Chính bán 150.000 đồng/kg, thỏ thịt 80.000 đồng/kg, được thị trường các tỉnh khu vực Bắc miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... tiêu thụ khá mạnh. Ngoài mức thu nhập hằng năm ngót nghét gần 500 triệu đồng, Chính còn giúp cho hàng trăm hộ dân khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước nuôi thỏ để làm giàu.
Chia tay Trại thỏ Quốc Cường của ông chủ Dương Văn Chính, chúng tôi đã hiểu vì sao người thanh niên này từ bỏ nghề kỹ sư cơ khí để làm nông dân. Với tôi, điều ấn tượng nhất về Chính là quyết tâm và khát vọng thực hiện mục tiêu của mình để mang lại lợi ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội.
Nguyên Thảo-Thanh Lâm