Báo Công An Đà Nẵng

Lạm phát ở châu Âu tăng kỷ lục

Thứ hai, 19/09/2022 07:28
Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Pháp. Ảnh: Getty

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9,1%, cao hơn mức 8,9% trong tháng 7. Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi lạm phát tại Eurozone chỉ là 3% và toàn EU là 3,2%.

So với tháng 7, tỷ lệ lạm phát tính theo năm giảm tại 12 quốc gia thành viên EU và tăng ở 15 quốc gia còn lại. Pháp là quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong tháng 8-2022 với 6,6%, tiếp theo là Malta (7%) và Phần Lan (7,9%). Ngược lại, lạm phát vẫn cao nhất tại 3 quốc gia Baltics với lần lượt Estonia (25,2%), Latvia (21,4%) và Litva (21,1%). Tình trạng tăng giá trong tháng 8 cũng diễn ra nghiêm trọng tại Hungary, quốc gia có tỷ lệ lạm phát lên đến 18,6%, tăng vọt so với mức 14,7% trong tháng 7-2022, qua đó đưa Hungary lên đứng hàng thứ tư và đẩy Cộng hòa Czech với 17,1% xuống vị trí thứ năm trong số các quốc gia thành viên EU có tỷ lệ lạm phát cao nhất hiện nay.

Ba Lan nằm trong nhóm các nước EU có lạm phát cao nhất với chỉ số lạm phát ở mức 14,8% tăng 0,6% so với tháng 7. Theo Văn phòng Thống kê Trung ương Ba Lan, giá tiêu dùng trong tháng 8 đã tăng cao ở mức 16,1%. Đây là mức tăng đột biến cao nhất kể từ tháng 3 năm 1997. Ngân hàng Trung ương Ba Lan cũng cho biết chỉ số lạm phát cơ bản của nước này không bao gồm giá lương thực và năng lượng ở mức 9,9% trong tháng 8, tăng 0,6% so tháng 7.

Tại khu vực Eurozone, vấn đề tăng giá năng lượng góp phần lớn nhất gây ra tình tình trạng lạm phát, với tỷ lệ 3,95%. Tiếp đó là các mặt hàng thực phẩm, rượu và thuốc lá (2,25%), dịch vụ (1,62%) và hàng công nghiệp phi năng lượng (1,33%).

Biểu tình phản đối lạm phát

Mùa hè vừa qua, công nhân ở nhiều nước châu Âu đã đình công, đòi hỏi mức lương cao hơn để giúp họ đối phó với lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ. Hàng loạt cuộc đình công ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ... đã khiến các lĩnh vực giao thông công cộng, đường sắt, y tế và hàng không gần như tê liệt.

Mới đây nhất, ngày 17-9, hàng chục nghìn người Áo không hài lòng với phản ứng chậm chạp của chính phủ trong việc giải quyết chi phí sinh hoạt tăng mạnh đã đổ xuống đường phố thủ đô Vienna và 8 thành phố lớn khác của Áo. Liên đoàn công đoàn Áo OeGB cáo buộc nhiều doanh nghiệp lớn đang bóc lột người tiêu dùng tư nhân khi họ phải vật lộn để trả các hóa đơn năng lượng, sưởi ấm và thực phẩm tăng vọt. Trong khi đó, khoảng 10.000 người biểu tình khác đã tập trung ở Linz, Bruck an der Mur, Salzburg, Innsbruck, Klagenfurt St. Polten, Eisenstadt và Bregenz.

Trước đó, ngày 4-9, hàng chục nghìn người ở CH Czech đã tham gia biểu tình tại Prague để yêu cầu nhà nước hành động nhiều hơn trong xử lý vấn đề khủng hoảng năng lượng. Theo ước tính của cảnh sát Cộng hòa Czech, khoảng 70.000 người tập trung tại quảng trường Wenceslas ở trung tâm thủ đô Cộng hòa Czech.

Bloomberg nhận định, đây là biểu hiện mới nhất về sự bất bình của công chúng trước cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt tồi tệ nhất trong ba thập kỷ. Lạm phát ở Czech, chủ yếu do chi phí nhà ở và giá năng lượng tăng cao, hiện ở mức cao nhất kể từ năm 1993. Ngân hàng trung ương Czech dự báo lạm phát ở nước này sẽ đạt đỉnh khoảng 20% trong những tháng tới.

Chính phủ Czech cho biết, tổng viện trợ nhà nước đạt 177 tỷ koruna (khoảng 7,1 tỷ USD), tương đương khoảng 3% sản lượng kinh tế của đất nước. Gói biện pháp bao gồm tăng lương hưu, tăng lương cho công chức và 66 tỷ koruna (2,7 tỷ USD) trợ giá năng lượng. Một bản kiến nghị trực tuyến của những người biểu tình đã được đăng tải với yêu cầu đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ thông qua hợp đồng trực tiếp với Nga, trung lập về quân sự và hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp Czech.

Nhiều giải pháp mạnh mẽ

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải ra quyết định ưu tiên ổn định giá cả hàng hóa nhằm chống đỡ cơn bão lạm phát hoành hành. Ngày 17-9, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, những quyết định của ECB có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng ưu tiên hiện nay của ngân hàng này vẫn là ổn định giá cả hàng hóa.

Sau hội nghị không chính thức của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương EU tại Prague (Cộng hòa Czech) tuần trước, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cũng cho rằng, EU cần có chính sách tài khóa thận trọng và kiềm chế lạm phát.

Lạm phát tăng cao không chỉ làm tăng gánh nặng cho người dân mà còn là bài toán khó khiến các nhà lãnh đạo châu Âu trăn trở tìm lời giải. Trong nỗ lực ngăn cơn bão lạm phát không tiếp tục mạnh lên, đe dọa xóa sổ những thành quả phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, EU đã đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, ở cả cấp độ khu vực và quốc gia.

Ở cấp độ khu vực, EU có kế hoạch huy động hơn 140 tỷ EUR (139,58 tỷ USD) từ các công ty năng lượng nhằm bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khi đà tăng của lạm phát làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và vỡ nợ. Ở cấp độ quốc gia, Italy đã thông qua một gói viện trợ mới trị giá khoảng 14 tỷ EUR. Đức có thể quốc hữu hóa công ty năng lượng Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất tại Đức, sau khi chi khoảng 19 tỷ EUR hỗ trợ công ty này.

Chính phủ Đức cũng công bố gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ EUR, bao gồm các biện pháp gia hạn giảm giá phương tiện giao thông công cộng và giảm thuế cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng lương tối thiểu khoảng 30%, sau mức tăng 50% vào cuối năm ngoái. Trong khi đó, Anh chi hơn 100 tỷ bảng Anh (114,02 tỷ USD) để giảm hóa đơn năng lượng cho người dân trong 2 năm và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo các nhà phân tích, hỗ trợ để kìm đà tăng giá năng lượng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm giải bài toán lạm phát tại châu Âu, song điều này khó có thể được thực hiện trong ngắn hạn. Vì vậy, hạ nhiệt lạm phát và duy trì đà phục hồi kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục là nhiệm vụ kép và cũng là thách thức lớn mà các nước châu Âu phải đối mặt trong thời gian tới.

AN BÌNH