Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát:

Làm rõ hành vi “giải quỹ” và đảo nợ của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm

Thứ bảy, 23/03/2024 08:28

Quá trình bào chữa, luật sư đã làm rõ việc “giải quỹ”, được xem thành “nếp” tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo luật sư, bị cáo Hồ Bửu Phương thừa nhận hành vi tham ô tài sản như cáo trạng truy tố. Bị cáo Phương được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn về tài chính, bị cáo Phương còn được bị cáo Lan chỉ đạo, giao nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Anh (Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Peninsula) cùng các cá nhân liên quan lên phương án “giải quỹ” đối với số tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản các công ty thụ hưởng tiền theo phương án vay để bị cáo Lan sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Để “giải quỹ”, các bị cáo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó, các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của công ty “ma” khác). Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền. Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan chức năng, thuế, thanh tra phát hiện sai phạm.

Bị cáo Lan cùng đồng phạm tại phiên tòa.

Trình bày quan điểm, luật sư bào chữa cho bị cáo Phương cho biết, bị cáo Phương là người có chuyên môn, được mời về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò hoạt động chuyên sâu về mảng chứng khoán. Ngoài ra, khi nhận được hồ sơ các công ty, bị cáo Phương không biết đây là công ty thật hay ma. Do vậy, khi cho ý kiến áp giá, bị cáo Phương dựa trên kiến thức, kinh nghiệm cá nhân để đánh giá rồi áp giá phù hợp theo nhận thức chủ quan của mình. Hành vi “giải quỹ” chỉ là bước giả cách để tạm thời chuyển tiền chưa có lý do để sử dụng ra khỏi công ty vay, rồi sau đó thu hồi lại.

Luật sư bào chữa cũng cho hay, sau khi “giải quỹ” dòng tiền có quay trở lại hay không, không phải trách nhiệm của bị cáo Phương. Do đó, bị cáo Phương cũng chỉ làm theo thông lệ có từ trước tại Vạn Thịnh Phát mà không dự liệu đến tính đúng sai của hoạt động này nên mong HĐXX xem xét nội dung này để đánh giá lại hoàn cảnh, bối cảnh phạm tội cho bị cáo.

Cáo trạng nêu rõ, bị cáo Phương là người trực tiếp tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Lan phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án “giải quỹ”, giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn với 163.155.871.766.846 đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 99.228.168.116.343 đồng.

Tiếp đến là phần bào chữa của luật sư và tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB). Bị cáo Hải bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 15 đến 16 năm tù. Bị cáo Hải xin HĐXX xem xét về bản chất của hành vi phạm tội, vì theo bản luận tội của đại diện VKS là chưa đầy đủ. Bị cáo Hải nhấn mạnh về quá trình tạo lập hồ sơ vay, tài sản thế chấp và tài sản gắn liền, mà bị cáo không tham gia. Đồng thời, bị cáo Hải thể hiện sự ăn năn, hối lỗi về hành vi phạm tội, mong xem xét giảm nhẹ mức án.

Theo cáo trạng, bị cáo Hải với chức vụ quyền hạn là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, đã giúp sức cho bị cáo Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, sử dụng vào các mục đích của bị cáo Lan, gây hậu quả đặc biệt lớn. Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 30/12/2020, bị cáo Hải đã ký hợp thức 649 khoản vay tại Ngân hàng SCB, có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 467.560.297.502.973 đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB 369.818.550.576.511 đồng Bào chữa cho Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), luật sư cho rằng, bị cáo Dung thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan mà không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào. Hành vi của bị cáo Dung là thẩm định tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay từ Ngân hàng SCB theo chỉ đạo của bị cáo Lan để xử lý các khoản vay đến hạn của Lan có từ năm 2012 (hay còn gọi là đảo nợ), không có các khoản vay mới.

Đồng thời, luật sư cũng lập luận, hành vi đảo nợ tại Ngân hàng SCB không bắt nguồn từ bị cáo Dung mà đã diễn ra trong nhiều năm trước khi bị cáo được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, phụ trách phê duyệt tín dụng và xử lý nợ. Bị cáo Dung chỉ tiếp nối hành vi của người tiền nhiệm chức vụ trước mình, dẫn đến việc phạm tội. Một nguyên nhân khác là do bị cáo Dung quá tin tưởng vào bị cáo Lan, thực hiện tất cả mọi mệnh lệnh được giao cho với niềm tin rằng bị cáo Lan sẽ giúp Ngân hàng SCB vực dậy trước khó khăn. Đối với số cổ phần mà bị cáo Dung khai được nhận vào năm 2021 từ bị cáo Lan, luật sư phân tích thêm, đây là phần thưởng năm theo chế độ của Ngân hàng SCB dành cho nhân viên, không phải là số cổ phần được bị cáo Lan cho riêng bị cáo Dung. Số cổ phần này không phải là sự thỏa thuận ăn chia lợi ích để thực hiện hành vi giúp sức cho bị cáo Lan.

Bị cáo Dung tự bào chữa rằng, mọi hành vi thực hiện đều theo sự chỉ đạo của bị cáo Lan. Thời điểm được bổ nhiệm lên chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, bị cáo cùng nhiều nhân viên của Ngân hàng SCB có niềm tin sâu sắc vào bị cáo Lan do bị cáo này là một doanh nhân có sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Bị cáo nghĩ rằng, bị cáo Lan có khả năng giúp Ngân hàng SCB vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ. Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Trước đó, bị cáo Dung bị VKS đề nghị HĐXX tuyên mức án từ 19 đến 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Cáo trạng nêu rõ, bị cáo Dung đã giúp sức tích cực để bị cáo Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 11/9/2019 đến ngày 15/8/2022, bị cáo Dung đã ký hợp thức cho 617 khoản vay, để bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền 200.690.614.418.211 đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 69.023.359.900.940 đồng.

Theo CAND