Báo Công An Đà Nẵng

Làm rõ nguyên nhân 18 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành kiểm kê đất đai 2019

Thứ bảy, 10/10/2020 07:00

Ngày 9-10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân và Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương không hoàn thành tiến độ trong việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Viễn thám Quốc gia; Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Vụ Tài chính kế hoạch, Văn phòng Bộ cùng một số đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường ở địa phương.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính cho biết, tính đến ngày 8-10 đã có 27 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố đã gửi kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 về Tổng cục, trong đó có 18 địa phương chưa hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019. Trong số này có 14 địa phương chỉ mới hoàn thành kiểm kê đất đai cấp xã, cấp huyện và đang rà soát, chỉnh sửa và tổng hợp kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 cấp tỉnh. Đó là các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đặc biệt, 4 tỉnh thậm chí chưa hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019 ở cấp huyện là Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa và Nghệ An. Ngoài ra, trên phần mềm TK online mới có 56 tỉnh, thành phố đưa toàn bộ dữ liệu cấp xã lên TK online.

Tổng cục đã thành lập các đoàn công tác để kiểm tra đôn đốc đối với 4 tỉnh (Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum và Đắk Lắk) trong số 18 địa phương chưa hoàn thành việc kiểm kê đất đai cấp tỉnh năm 2019. Việc đôn đốc sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

Ông Đào Trung Chính cho biết thêm, nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do công tác chỉ đạo, triển khai ở các địa phương chưa quyết liệt; các địa phương chưa nhận được kinh phí hỗ trợ từ Trung ương; kinh phí địa phương nhiều tỉnh chậm được giao bổ sung (mặc dù dự toán kinh phí đã được UBND tỉnh phê duyệt), do đó chưa có cơ sở để đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công. Mặt khác, thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và công khai hồ sơ cũng như việc thực hiện đấu thầu được tiến hành qua mạng, dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu chậm.

Bên cạnh đó, dù Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” (dự án được phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-TTg) đã được thực hiện ở một số nơi, song nhiều địa phương chưa hoàn thành nên việc thống nhất đường địa giới kiểm kê đối với đơn vị hành chính cấp xã, huyện gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính xã, huyện.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, thời gian qua, công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2019 đã được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn. Các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, kỳ kiểm kê lần này gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và do sự thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện.

“Công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng tới hoạch định phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là hiện nay các địa phương đang thực hiện quy hoạch cấp tỉnh. Nếu không có sổ kiểm kê đất đai thì không thể xác định nhu cầu sử dụng đất trong thời gian tới. Do đó, các địa phương cần hoàn thành việc kiểm kê đất đai và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20-10”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh. 

DIỆU THÚY