Làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ
(Cadn.com.vn) - Sáng 13-6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, giải trình thêm một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu
Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) liên quan đến kết quả và biện pháp đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ để đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, Phó Thủ tướng cho biết, vấn đề tham nhũng trong thời gian qua đã được triển khai quyết liệt trên nhiều mặt, đạt được một số thành quả tích cực, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Cụ thể trong năm 2014, đã điều tra, khám phá, xử lý 256 vụ việc liên quan đến tham nhũng với 593 bị can, tăng 25 vụ, 25 bị can so với năm trước. Về tài sản thu hồi năm 2013 đạt mới hơn 10%; năm 2014 với nhiều vụ án lớn đạt trên 22%.
Về biện pháp chống tham nhũng, Phó Thủ tướng cho biết, Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa ra 8 biện pháp lớn, đó là: Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo phải làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp tục xây dựng thể chế phòng, chống tham nhũng; điều tra truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm toán, xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng được phát hiện; đặc biệt là xây dựng thể chế để làm sao không thể, không nên và không dám tham nhũng; tuyên truyền vận động nhân dân, hợp tác quốc tế và quan trọng là phát huy vai trò các cơ quan dân cử, MTTQ trong phát hiện các hành vi tham nhũng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về giải pháp của Chính phủ trước sự việc một bộ phận công chức có hành vi nhũng nhiễu, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử với người dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước hiện có gần 4 triệu công chức, viên chức (chưa kể lực lượng vũ trang). Nếu đội ngũ này làm tốt thì sẽ có vai trò to lớn trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với nhân dân. Chính vì thế, người cán bộ thì luôn phải tận tụy, gương mẫu, lễ phép phục vụ nhân dân. Việc một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện xa dân, quan liêu đây là vấn đề liên quan đến đạo đức công vụ. Quốc hội đã có Luật Công chức, Luật viên chức, Chính phủ đã ban hành 18 Nghị định hướng dẫn về vấn đề này và sắp tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai một số biện pháp thanh tra, kiểm tra, đổi mới chế độ đạo đức công vụ như mô tả việc làm, giảm biên chế và đặc biệt là tổ chức thi tuyển để tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân; đi liền với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá, bình chọn kịp thời để đưa cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy làm trong sạch đội ngũ phục vụ nhân dân.
Về tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” như đại biểu Lê Như Tiến đề cập, Phó Thủ tướng cho biết, tuy có diễn ra nhưng số cán bộ dạng này không nhiều. Để khắc phục hiện tượng này, các cơ quan, tổ chức cần làm tốt các biện pháp như mô tả việc làm, phát huy dân chủ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, hạn chế. Trên thực tế, tình trạng này đã giảm hơn và theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế thì trước hết là giảm biên chế loại công chức như vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thận trọng quản lý nợ công
Chất vấn Phó Thủ tướng về giải pháp của Chính phủ quản lý nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, đây là nỗi lo ngại của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Giải đáp câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỷ lệ nợ công/ GDP luôn là nội dung gây tranh cãi. Điều quan trọng nhất trong quản lý nợ công là khả năng vay và trả nợ như thế nào. Ở Việt Nam, do nhu cầu phát triển đặc biệt là phát triển hạ tầng, nên tỷ lệ tăng nợ công cao hơn tăng trưởng GDP. Đến nay nợ công ở nước ta ở mức 62%/65% GDP (mức Quốc hội cho phép). Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ rất thận trọng trong quản lý nợ công. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 02 với một số biện pháp đảm bảo nợ công như tăng cường quản lý chi tiêu công, tăng vay dài hạn, tăng vay trong nước, vay ODA ngoài nước với lãi suất thấp (bình quân 1,6%/năm); quản lý chặt các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ; thu đủ nợ. Điều quan trọng nữa là Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư để kiềm chế nợ công.
Chủ động hội nhập
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước bối cảnh năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN và một số hiệp định lớn có hiệu lực hoặc hoàn tất đàm phán, ký kết, Phó Thủ tướng cho biết, thời điểm sau khi nước ta gia nhập WTO vào năm 2007, thì ngay năm 2008, chúng ta lập tức vướng vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế đất nước tích tụ những bất cập trong nhiều năm, doanh nghiệp chưa ứng phó kịp thời, kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành còn hạn chế trong ứng phó với khủng hoảng. Phó Thủ tướng cho rằng, năm 2015, trên cơ sở kinh nghiệm trước, chúng ta cần chủ động, tích cực sẵn sàng hội nhập. AFTA là thời cơ lớn nhưng cũng là thử thách có thể khiến chúng ta thua ngay trên sân nhà, do đó, cần có nhiều biện pháp đón nhận thời cơ này như hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư; cơ cấu nền kinh tế và quan trọng là sự đổi mới mạnh mẽ từ người dân và doanh nghiệp và cả đất nước.
Về việc gia nhập Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 trụ cột gồm: Chính trị an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Thời gian qua, Việt Nam là 1 trong 3 nước tích cực thực hiện tốt các nội dung này, đạt nhiều kết quả tốt. Song, việc tham gia cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 cũng còn những khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng trên các khía cạnh; trong đó, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc khi gia nhập ngôi nhà chung ASEAN cũng là một yêu cầu cấp bách được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Chốt lại phần chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Phó Thủ tướng đã trả lời 24 lượt chất vấn của đại biểu Quốc hội với 30 chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phần trả lời của Phó Thủ tướng đã giải quyết được vấn đề đặt ra nhưng tất nhiên cũng có những nội dung phải tiếp tục làm, mới có thể có kết quả.
* Chiều 13-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Khí tượng thủy văn và Dự án Luật An toàn thông tin. Các ĐB đều nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên, đây là hai luật chuyên ngành sâu nên các nội dung cần thảo luận kỹ.
T.T