Báo Công An Đà Nẵng

Làm rõ thêm về đường dây tận diệt rừng nguyên sinh

Thứ bảy, 23/07/2016 11:33

(Cadn.com.vn) - Vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 390 thuộc xã Lộc Bắc, H. Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng mà Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin đang được dư luận cả nước quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về vụ việc này như: Yêu cầu Bộ CA báo cáo diễn biến vụ truy quét lâm tặc tại khu vực quanh hồ thủy điện Đồng Nai 5 (xã Lộc Bắc, H. Bảo Lâm), giáp ranh với tỉnh Đắc Nông; Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc để xảy ra vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại Lâm Đồng… Để hiểu rõ thêm về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi cung cấp đến bạn đọc toàn cảnh vụ việc, trong đó phác họa rõ hơn về ông trùm gỗ lậu Lê Hồng Hà (Hà “đen”, 1968, quê H. Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hiện trú thôn 2, xã Lộc Bắc, H. Bảo Lâm).

Số gỗ lâm tặc chặt hạ nổi trên mặt hồ chưa kịp đưa về bến thuyền.

Cú đánh bất ngờ

Như đã phản ánh, 2 giờ 45 ngày 8-7, tổ công tác của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PCTPMT) và Tiểu đoàn CSCĐ số 2, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ CA đã bắt quả tang tại bến thuyền gần khu vực đập chính của Thủy điện Đồng Nai 5, thuộc địa bàn thôn 2, xã Lộc Bắc, H. Bảo Lâm một nhóm đối tượng đang bốc gỗ từ thuyền lên ô-tô tải. Một số đối tượng bị bắt giữ, số còn lại bơi ra rồi chạy thoát. Tiến hành truy xét nhanh, tổ công tác phát hiện tại nhà Lê Hồng Hà ngay sát bến thuyền có nhiều đối tượng đang tập trung tại đây, một số vừa chạy thoát từ bến thuyền lên, quần áo còn ướt sũng. Hà “đen” đã kịp bỏ trốn. Tại 2 địa điểm này, tổ công tác đã tạm giữ 20 người.

Sau khi xác minh và sàng lọc nhanh, lực lượng chức năng đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với 7 đối tượng gồm Hoàng Văn Chác (1988), Phan Tấn Kiệt (1983, cùng trú xã Đăng Hà, H. Bù Đăng, Bình Phước), Nguyễn Văn Dương (1987), Mai Văn Nam (1984), Phạm Văn Ninh (1995), Nguyễn Viết Cường (1971), Nguyễn Quang Trực (1981, em ruột của Cường, cùng quê H. Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cùng trú thôn 2, xã Lộc Bắc, H. Bảo Lâm). Quá trình bắt giữ, lực lượng CA đã tạm giữ 1 ô-tô (trên xe có 13 hộp gỗ, xung quanh xe còn 17 hộp gỗ), 1 thuyền gỗ (2 bên mạn thuyền chở nhiều lóng gỗ). Bước đầu 7 đối tượng khai nhận khai thác gỗ, sau đó bán lại cho Hà “đen”. Khám xét nhà Hà “đen”, lực lượng CA thu được nhiều giấy tờ xe, giấy tờ mua bán xe máy, ô-tô, 5 quyển sổ ghi chép, 1 két sắt, 1 bộ tời tự chế, 3 máy cưa xăng cầm tay, 1 máy cày, 75 viên đạn… Liên quan đến vụ việc này, lực lượng CA cũng đã tạm giữ ô-tô tải hiệu Hino BKS 60N-8807 và tạm giữ thêm của Hà “đen” 1 ô-tô Ford Ranger BKS 51C-532.20, 1 máy cày có tời, 1 máy cày nhỏ, 1 xe cải tiến (xe reo) có thiết kế tời và 1 thuyền vỏ sắt.

Phạm Văn Ninh, Nguyễn Văn Dương và Hoàng Văn Chác tại hiện trường.

Làm rõ đường dây gỗ lậu

Vụ việc ngay lập tức thu hút dư luận với nhiều thông tin chưa được kiểm chứng như lâm tặc khai thác gỗ trái phép trong thời gian dài, mỗi ngày thu lợi nhuận đến hàng trăm triệu đồng… Tiến hành điều tra, cơ quan CA đã có nhiều cơ sở để khẳng định, trong vụ khai thác gỗ trái phép này Hà “đen” là kẻ cầm đầu. Hà “đen” là đối tượng có 2 tiền án. Cụ thể, năm 1994 Hà “đen” bị TAND TP Bảo Lộc xử phạt 9 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, năm 1999 tiếp tục bị TAND H. Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận xử phạt 8 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Gây rối TTCC”, ra tù năm 2002. Sau khi ra trại, Hà “đen” có thời gian dài làm nghề buôn bán tại Thủy điện Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, có mối quan hệ rộng. Hà “đen” đã đứng ra thuê nhiều người khai thác gỗ tại các khu rừng nguyên sinh xung quanh lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5, sau đó bán lại cho Hà “đen”.

Quá trình điều tra cũng được biết, sau khi chạy thoát, Hà “đen” về TPHCM -  nơi vợ và 2 con sinh sống và bắn tin sẽ ra đầu thú. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu điều tra, cơ quan CA đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã Hà “đen” về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Cũng theo điều tra, việc khai thác gỗ được Hà “đen” bố trí và phân công khá cụ thể: Nhóm do Trần Thọ (1967, trú xã Đạ Lây, H. Đạ Tẻh) cầm đầu (đã ra đầu thú ngày 12-7) cùng với Chác và đối tượng tên Huấn (1968, trú H. Bù Đăng, Bình Phước - đã nghỉ làm từ đầu tháng 4-2016) chuyên khai thác số cây đã chết do ngập nước trong lòng hồ và số cây ở cách cánh rừng giáp ranh lòng hồ. Thọ được Hà “đen” giao cho sử dụng chiếc thuyền vỏ sắt, ban ngày khai thác, đêm thì dùng chuyển gỗ về bến thuyền, sau đó chuyển lên ô-tô chở đi tiêu thụ. Qua giấy tờ sổ sách thu được trên chiếc thuyền vỏ sắt này xác định, từ ngày 4-3-2016 đến đầu tháng 4-2016, Thọ và Chác đã khai thác và bán cho Hà “đen” 147,5m3 gỗ với giá 500 - 600 ngàn đồng/m3.

Nhóm thứ hai có nhiệm vụ chuyên khai thác cây rừng ở cách xa lòng hồ, xẻ thành hộp gỗ gồm 11 đối tượng là Trực, Cường, Nam, Ninh, Nguyễn Bình Nguyên (1976), Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Hữu Chí (là anh và em ruột Trực), Phạm Văn Dương (1990), Mai Văn Bằng (anh ruột Ninh và anh họ Ninh), Lực và Lệ. Nhóm này có nhiệm vụ khai thác, xẻ thành gỗ hộp, vận chuyển xuống lòng hồ, sau đó chuyển về bến thuyền. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận mới khai thác gỗ từ đầu tháng 6-2016.

Lực lượng điều tra cũng đã làm rõ nhiều đối tượng tiêu thụ gỗ lậu của Hà “đen”. Từ đây có thể xác định, các đối tượng sau khi mua gỗ của Hà “đen” sẽ vận chuyển bằng ô-tô qua cầu Đồng Nai 5 (cách bến thuyền khoảng 2km) sang địa bàn tỉnh Đắc Nông. Nguyễn Văn Tuấn (1976, trú thôn 3, xã Đắc Sin, H. Đắc Rlấp, tỉnh Đắc Nông - chủ ô-tô Hino BKS 60N-8807 được xác định là “mối ruột” của Hà “đen”. Từ năm 2015 Tuấn thường xuyên mua gỗ của Hà “đen”. Ban đầu Hà “đen” dùng ô-tô tải BKS 60C-033.22 chở gỗ bán cho Tuấn, trung bình mỗi tháng khoảng 4-5 chuyến, mỗi chuyến khoảng 7m3. Từ khi mua xe Hino, Tuấn mua gỗ nhiều hơn, khoảng 2-3 ngày mua một xe, khối lượng chừng 7-8m3/xe. Sau khi mua gỗ của Hà “đen”, Tuấn đưa về Đắc Nông, Đắc Lắc và TPHCM tiêu thụ. Qua sổ sách theo dõi thu được của Tuấn xác định đối tượng này đã mua của Hà “đen” 311m3 gỗ.

Sau khi bắt quả tang nhóm lâm tặc đang vận chuyển gỗ tại bến thuyền, ngày 9-7, lực lượng CA đã dẫn giải các đối tượng đến hiện trường để xác định số lượng cây, khối lượng gỗ đã bị khai thác. Vụ án đã được các đơn vị chức năng của Bộ CA bàn giao CA tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều tra, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu các nhóm đã bị khởi tố, bắt giam. Tính đến ngày 20-7 đã có 11 đối tượng bị khởi tố, 10 người bị bắt tạm giam gồm Chác, Dương, Nam, Ninh, Kiệt, Cường, Trực, Thọ, Tuấn (người mua gỗ) và Nguyễn Văn Thành (1976, tạm trú xã Đắc Sin, H. Đắc Rlấp, tỉnh Đắc Nông - là người được Tuấn nhiều lần thuê lái ô-tô đi mua gỗ của Hà “đen”). Riêng Hà “đen” hiện đang bỏ trốn.

Nói về trách nhiệm cũng như quan điểm xử lý vụ án này, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng thừa nhận: “Vụ việc diễn ra trong một thời gian dài, không phải là cái kim, sợi chỉ nên không thể nói là không biết. Trước mắt chúng tôi dốc toàn lực để điều tra một cách nhanh nhất theo sự chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát, sau đó sẽ xem xét trách nhiệm của từng cơ quan, từng lực lượng. Quan điểm của chúng tôi là nếu có sai phạm sẽ phải xử lý nghiêm”.

Mai Khôi