Làm sao "cứu" trẻ đuối nước
(Cadn.com.vn) - Trong những ngày đầu hè vừa qua, nhiều địa phương trong cả nước liên tục xảy ra những vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Đến lúc này mọi người mới giật mình nghĩ đến tầm quan trọng của chương trình dạy bơi cho trẻ. Nếu trẻ em được dạy bơi, có lẽ những tai nạn đuối nước sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho trẻ dường như chưa được chú trọng.
Quặn thắt nỗi đau
Ngày chúng tôi đến, các sư thầy chùa Hoa Sơn (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) đang tổ chức cầu siêu cho 9 em học sinh bị đuối nước trên sông Trà Khúc đoạn chảy qua thôn Thanh Khiết (xã Nghĩa Hà). Dẫu thông tin về 9 em học sinh chết đuối dần qua đi, nhưng với người thân của các em, nỗi đau vẫn còn hiện rõ trên gương mặt. Ngồi thất thần trên bờ sông Trà Khúc, anh Cao Ngọc Phương (thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà) không hiểu vì sao dòng sông khô cạn này lại có thể cướp đi mạng sống của con trai mình, cháu Cao Ngọc Vũ khi vừa tròn 13 tuổi. Trong cái ngày 15-4 định mệnh đó, Vũ cùng với 8 người bạn khác ra sông Trà Khúc chơi, để rồi bị dòng nước nhấn chìm. "Chỗ con tôi và mấy đứa trẻ gặp nạn nước sông không sâu, cũng chẳng chảy xiết, thế mà..."-anh Phương rơm rớm nước mắt.
Anh Phương kể, vì mưu sinh nên lâu nay vợ chồng anh làm ăn tận Đắc Lắc, chị em Vũ ở nhà tự chăm sóc, bảo ban nhau. Có lẽ ý thức được sự vất vả của cha mẹ nên từ nhỏ Vũ đã biết chăm lo cho bản thân và nỗ lực học tập. Năm học vừa qua, Vũ đạt danh hiệu học sinh khá nên được anh Phương hứa sẽ mua quần áo mới, dẫn lên Đắc Lắc chơi, nhưng khi anh chưa kịp thực hiện lời hứa thì nghe tin con trai đã chết vì đuối nước. Lúc nghe tin dữ, vợ anh Phương ngất xỉu liên tục, còn anh Phương thì như người mất hồn, vội vã thuê xe từ Đắc Lắc về Quảng Ngãi. "Mấy ngày vợ tôi như người ngây dại, gào khóc tên con. Tôi nghe hàng xóm kể lại là thằng Vũ cùng bạn lội qua bên kia sông để mua dưa ăn thì gặp nạn. Nếu như tôi dành thời gian dạy con biết bơi thì có lẽ con tôi đã không bị đuối nước"-anh Phương nghẹn ngào.
Đoạn sông Trà Khúc, nơi 9 học sinh ở Quảng Ngãi tử vong do đuối nước. |
Tại TP Huế, trong ngày 6-6, trên địa bàn hai xã Phú Dương và Vĩnh Thái (H. Phú Vang) xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm, làm 5 trẻ chết. Chứng kiến những cái chết thương tâm của trẻ nhỏ vì đuối nước, mới thấu hết nỗi đau quặn thắt của cha mẹ, gia đình các em. Những ngày qua, chị Hồ Thị Thoa (thôn Phú Phước, xã Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam) cũng đã khóc hết nước mắt, khi hàng xóm vớt thi thể của con trai chị đưa về nhà. Chiều 13-6, cháu Nguyễn Hữu Triết (2007, con chị Thoa), cùng bạn ra sông Vu Gia đoạn chảy qua thôn Phú Phước tắm thì sa chân vào hố nước sâu. Nhìn thấy Triết chìm xuống hố nước, những đứa trẻ còn lại hoảng sợ chạy về nhà, trốn trong phòng mà không kể sự việc cho người lớn biết. Đến khi mọi người phát hiện sự việc thì cháu Triết đã tử vong từ lúc nào. Những tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em khiến mọi người xót xa, trăn trở. Liệu có cách nào ngăn chặn tai nạn thương tâm ấy?
Để trẻ tự cứu mình
Cách đây chưa lâu, một đoàn du khách nước ngoài chèo thuyền kayak trên sông Thu Bồn (thành phố Hội An) tham quan ngắm cảnh. Khi thuyền ra vùng nước sâu, một cậu bé người nước ngoài mới hơn 6 tuổi bất ngờ ngã xuống nước. Mọi người trong đoàn hốt hoảng vì cậu bé không mặc áo phao, nhân viên cứu hộ lập tức bơi lại cứu, nhưng khi người cứu hộ chưa kịp đến thì cậu bé này đã tự bơi và bám được vào thuyền kayak... Ở nhiều nước trên thế giới, bơi lội trở thành môn học đầu tiên trẻ em phải học, bởi đó là kỹ năng sinh tồn cơ bản. Còn ở Việt Nam, không ít phụ huynh vì muốn bảo vệ con nên cấm con tiếp xúc với sông nước.
Anh Phan Thanh Toại- Trưởng bộ môn bơi lặn (Trung tâm huấn luyện và đào tạo vận động viên thể thao Đà Nẵng) kể, nếu như trước đây, trẻ nhỏ ở quê anh, vùng ven sông Vu Gia (Đại Lộc, Quảng Nam), mỗi buổi chiều được cha mẹ cho ra sông vui chơi và dạy bơi. Còn bây giờ thì ngược lại, trẻ bị ngăn cấm tiếp xúc với sông nước. "Đó là cách nghĩ sai lầm. Bởi chúng ta không thể lúc nào cũng đi theo bảo vệ con trẻ được, nếu trẻ biết bơi thì các cháu có thể tự bảo vệ mình trên sông nước. Trong vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn, 2 cháu nhỏ tử vong rất đau lòng, ví như các cháu biết bơi hoặc đơn giản là biết cách nổi thì có lẽ đã được cứu" - anh Toại nói.
Học bơi là kỹ năng cần thiết để trẻ em có thể tự cứu mình nếu xảy ra tai nạn trên sông biển. |
Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới công bố vào cuối năm 2014, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ từ 5-14 tuổi tại Việt Nam. Việt Nam cũng là nước có số trẻ chết đuối nhiều gấp 10 lần so với các quốc gia phát triển với trung bình 9 trẻ tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, có một nghịch lý là bơi lội chưa bao giờ được đưa vào dạy học như một môn học chính thức. Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo các sở GD-ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học. Theo đó, các tỉnh, thành phố triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Chậm nhất vào năm học 2014-2015, cả nước phải xong mô hình thí điểm trước khi tổ chức dạy bơi đại trà, thế nhưng đến giữa năm 2016, việc dạy bơi trong nhà trường vẫn chưa thật sự được chú trọng.
Tại Quảng Ngãi, sau sự việc 9 học sinh tử vong trên sông Trà Khúc, mới đây thành phố Quảng Ngãi đã mở 2 khóa dạy bơi trên sông, mỗi khóa 4 lớp với khoảng 200 học sinh được dạy bơi miễn phí và được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước. Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học bơi, thành phố Quảng Ngãi đã thành lập đội thanh niên tình nguyện cứu hộ gồm 20 người và chọn những đoạn sông an toàn để thiết lập các hồ bơi di động. Cùng với 8 lớp dạy bơi trên sông, thành phố cũng mở 12 lớp dạy bơi khác tại các hồ bơi. Tại thành phố Đà Nẵng, Sở GD - ĐT và các địa phương cũng đã phát động phong trào học bơi cho trẻ em.
Để dạy bơi cho các em học sinh, Sở GD-ĐT thành phố cho biết, ngoài những hồ bơi có sẵn sẽ chủ động liên hệ các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp trên địa bàn có hồ bơi mở cửa đón nhận học sinh, sinh viên đến học bơi miễn phí hoặc thu phí thấp. UBND TP Đà Nẵng cũng ưu tiên đầu tư từ ngân sách để xây dựng những bể bơi di động cho các trường ở địa bàn khó khăn thuộc H. Hòa Vang và các phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) và Hòa Phát, Hòa Xuân (Cẩm Lệ).
Những vụ đuối nước ở trẻ em cũng đã tác động nhiều đến tâm lý của các bậc phụ huynh nên hè này nhiều gia đình đã đăng ký cho con đi học bơi. Vì số lượng đăng ký đông nên nhiều địa điểm dạy bơi từ chối nhận thêm học viên, trong khi đó thành phố chỉ có 14 hồ bơi. Anh Toại cho biết, hiện nay CLB bơi lặn thành phố Đà Nẵng mở 4 lớp dạy bơi cho học sinh, mỗi lớp 200 em. "Số em đăng ký học bơi năm nay tăng cao, nhiều lúc chúng tôi phải từ chối không nhận thêm. Tuy nhiên, khi mở thêm lớp dạy bơi vào lúc 6 giờ 30 đến 70 giờ 30 thì không có ai đăng ký cho con đi học, vì khoảng thời gian này nhiều em phải đi học các môn khác hoặc ba mẹ bận đi làm. Để dạy trẻ biết bơi phải kiên trì nên các bậc phụ huynh phải thật sự quan tâm, chứ không nên cho các em học theo phong trào" - anh Toại nói.
Hoàng Anh