Báo Công An Đà Nẵng

Làm sao về được mùa đông?...

Thứ ba, 30/11/2021 20:25

Đã vào đông. Mưa có lúc rỉ rả, lại có lúc tuôn trào xối xả. Mưa vẫn dầm dề cả ngày lẫn đêm dẫu trời mới chớm đông. Lòng bỗng nhẹ nhàng đến lạ, đất trời vô tình khiến người ta cũng "biến tấu" theo. Và bây giờ là hoài niệm theo những bài hát về mùa đông.

Cầu Tràng Tiền (Huế) quyến rũ trong mùa đông.

Tôi nhớ, lần đầu tiên nghe bài hát "Nỗi nhớ mùa đông" (nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Thảo Phương) do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện, là lúc còn học ở trường Đại học Tổng hợp Huế. Đã chừng hơn ba mươi năm rồi, bây giờ tôi vẫn còn nghe và thích. Những giai điệu trầm buồn, đầy nhắc nhớ và lãng mạn như được gói gắm với giai điệu, ca từ của nhạc phẩm này, để mỗi lần nghe là một lần với nỗi khắc khoải đầy tiếc nuối đến mức "se lòng". Còn nhớ những ngày mùa đông rét mướt và dầm dề mưa Huế thời ấy, bạn bè tụm ba tụm bảy nghêu ngao hát: "Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông /Để nghe chuông chiều xa vắng/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về"…

Nhưng, có một điều rất thật, giờ vẫn còn rưng rưng nỗi nhớ ấy. Là khi nghe đến bài hát, đang những ngày học xa nhà, xa quê, bao nhiêu nỗi nhớ, bao nhiêu hồi ức, kỷ niệm về một miền quê của những ngày thơ bé, của một thời hoa niên áo trắng… đổ về. Đôi lúc, nỗi nhớ dường như rất xa xôi, mơ hồ, nhưng cũng rất gần, rất hiện hữu trong vô vàn nỗi nhớ mùa đông. Nhớ tuổi thơ quê nghèo, nhớ mưa gió phong phanh trên đường đi học mong sớm về nhà sưởi ấm bếp củi lửa. Nhớ bắp rang, khoai lang xéo, cơm muối mè muối đậu mà ngon vô cùng. Lúc đó, cảm thấy bài hát hay và thấm thía hơn bao giờ hết. Chợt thấy thèm quá đỗi chút rét mướt mùa đông, chợt thấy nhớ, thấy thương quá đỗi những mùa đông buốt giá ngày ấy. Đó là những đêm mùa đông cuộn tròn trong tấm chăn mỏng, nghe gió mùa đông bắc ầm ào xào xạc khóm chuối sau vườn, cơn gió buốt giá cứ ùa qua tấm phên ván mỏng, len lỏi vào nhà. Đó là những sáng mùa đông lạnh buốt, ba mẹ vẫn dậy thật sớm từ khi gà gáy để nhóm bếp lửa nấu nồi khoai, nồi cơm lót dạ cho cả nhà. Thương ba mẹ những ngày đông phải ngâm chân cả ngày trong bùn để cày, cấy cho xong đám ruộng, đến tối mịt mới về. Nhớ mùa đông đi học, gió rét tái tê, mưa phùn làm con đường làng ướt lép nhép và lầy lội. Bàn chân trần cố gắng bấm mũi chân vào nền đất đường trơn tuột và lạnh buốt, rồi cũng có lúc bị ngã đau điếng với quần áo dính đầy bùn đất... Và, làm sao về được mùa đông, để tôi lại trở về dòng sông quê nhà đầy gió với giấc mơ thời thiếu nữ, tìm lại ánh mắt xa xôi với bao điều chưa dám nói, tìm lại những lời hẹn ước thơ ngây, tìm lại tiếng nói cười trong trẻo...

Rồi những mùa đông xứ Huế, mưa giăng mây xám kín khung trời. Chiều cư xá lao xao tiếng hát "Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng.." Những buổi tối mùa đông cuối tuần ra phố, cùng bè bạn vào quán sinh viên trên đường Lê Lợi, đường Đội Cung mua mấy dĩa khoai sắn ngồi nhâm nhi tán gẫu. Những quán cà-phê công viên ven sông Hương, quán Sông Xanh nhìn ra Đập Đá, thưa thớt người, vẫn dìu dặt giai điệu nhạc Trịnh. Phố đêm mùa đông vắng vẻ, chỉ thấy những bác xích lô hay chị bán hàng rong bên đường co ro, kiên nhẫn ngồi. Huế ngày tháng ấy thật bình yên, trầm mặc hơn giữa mùa đông. Và Huế chỉ rộn ràng trong những giáng sinh, cùng bà bạn kéo nhau đi bộ lên nhà thờ Phú Cam, rồi quay về nhà thờ Dòng Chúa cứu thế, chỉ để nhìn dòng người đi lại nườm nượp, để ngắm những cây thông nhấp nháy những sắc màu rực rỡ, để nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên rất gần, và chỉ để xuýt xoa thưởng thức cái lạnh buốt của đêm Noel và rồi thầm nguyện cầu, mơ ước… Vì vậy, thời ấy, bài hát "Nỗi nhớ mùa đông" nghe thời gian như ngưng đọng lại trong lời hát, thấy mình bé nhỏ làm sao. "Nằm nghe xôn xao tiếng đời/ Mà ngỡ ai đó nói cười/Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy/ Chiều nay cũng bỏ ta đi...". Dường như điệp khúc "bỏ ta đi" được lặp lại nhiều lần, âm điệu lắng xuống nghe như một tiếng thở dài nuối tiếc, xao xác như tiếng lá khô khẽ rụng trong buổi chiều đông năm nào. Và trong nỗi da diết ấy, chắc hẳn ai cũng có khát khao quay về với quá khứ...

Bây giờ, đi qua biết bao mùa đông của cuộc đời. Và những hoài niệm của mỗi thời, nỗi nhớ ấy được gọi tên và xác lập bằng hoài niệm. Để chạm đến đông là nhớ, nhớ bàn tay đã ủ ấm bàn tay lúc gió chuyển mùa, nhớ chiếc lá cuối cùng níu mong được ở lại với cây. Nhớ những dòng sông, cánh đồng, con đường làng quê. Nhớ giảng đường, cư xá, bạn bè thời ở Huế. Nhớ ánh mắt, nụ cười và giọng nói của ai đó đến nao lòng... Tôi cứ gom nhớ tỉ mẩn góp nhặt cho mình những cảm xúc để có thể cảm nhận mình đang sống trong những ngày đông của hôm qua và cho hôm nay. Dẫu cuộc đời bóng câu chớp mắt, ngày trôi đi ngày ngang cửa se lòng và nỗi nhớ mùa đông thì rất dài. Tôi không thể quay ngược lại quá khứ, nhưng kỷ niệm thì mãi mãi cứ vẹn nguyên, rồi cầu mong ai cũng sẽ được đón những mùa đông không giá lạnh...

  Hôm nay zalo nhóm bạn lớp đại học lại "khai quật" những hình ảnh, bài thơ, bài nhạc về thời đại học. Chủ đề chính là "mùa đông không lạnh" nhưng tràn ngập tâm tư về mùa đông những ngày dịch bệnh COVID-19 này. Và "nỗi nhớ mùa đông" giờ đây đã trở thành một miền ký ức đẹp đẽ, lung linh mà ai cũng đã từng ao ước được một lần tìm về gặp lại. Ai có lúc để lòng mình trôi về quá khứ, trôi về miền ký ức "mênh mang một chiều đông".

  Thời gian đã khẽ chạm vào mùa đông, lại vang lên đâu đây lời bài hát trong ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông". Cứ mỗi lần vào đông, ngày mưa như thế này, là tôi nghe lòng mình như trải rộng ra để bao cảm xúc ùa vào. Trong tâm thức tôi lại miên man "Làm sao về được mùa đông?"... 

QUYÊN QUYÊN