Báo Công An Đà Nẵng

Làm sống lại “Con đường tơ lụa”

Thứ sáu, 08/05/2015 07:39

(Cadn.com.vn) - Nhiều người đặt câu hỏi về mục đích chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này là gì, ngoài việc tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng vào ngày 9-5 tới.

Ngày 7-5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Kazakhstan, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Á-Âu, trong đó mục tiêu quan trọng là thăm Nga, nơi ông sẽ giúp Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin đánh dấu hoành tráng Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2013. Ảnh: AP

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trọng tâm chuyến công du lần này của Chủ tịch Tập là tìm cách làm sống lại tuyến đường thương mại cổ xưa nối Trung Quốc với Châu Âu – hay còn gọi là “Con đường tơ lụa”.  Tại Kazakhstan, nơi hơn 2 năm trước ông Tập đã công bố sáng kiến chính sách đối ngoại “Con đường tơ lụa” của mình, ông Tập thảo luận về các dự án khác để làm sống lại tuyến đường thương mại trọng điểm này, bao gồm việc xây dựng đường tàu cao tốc từ Trung Quốc đến Moscow. Theo Bloomberg, trong chuyến dừng chân tại Belarus vào ngày 10-5 tới, ông Tập có thể sẽ ưu tiên bàn về dự án quan trọng: khu công nghiệp được hình thành trên “Con đường tơ lụa”.

Nhưng người ta e ngại, chiến lược của ông Tập trong việc mở rộng lợi ích của Trung Quốc thông qua các nước Liên Xô cũ có khả năng xung đột với các kế hoạch của Tổng thống Putin cho một Liên minh Kinh tế Á-Âu, và làm suy yếu mối quan hệ đang nồng ấm Trung-Nga. “Con đường tơ lụa, mặc dù là ý tưởng khá hoàn hảo về cơ sở hạ tầng, chỉ nhằm mục đích thúc đẩy và mở rộng các lợi ích của Trung Quốc, động thái rõ ràng xung đột với Liên minh Kinh tế Á-Âu của ông Putin”, giáo sư Bobo Lo, tại Viện Chatham House ở London, nhận định. Theo giới phân tích, sở dĩ Nga – Trung chưa trực tiếp đụng độ vì đây đều là những ý tưởng mới mẻ và cần có thời gian.

Ngoài ưu tiên “Con đường Tơ lụa”, Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov cho biết, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập tại thủ đô Moscow, sẽ có khoảng 40 văn kiện dự định được ký kết giữa hai bên về các lĩnh vực như năng lượng, hàng không, tài chính… Theo ông Ushakov, một tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược cũng dự kiến sẽ được thông qua.

Trong số 40 văn kiện lần này có thể có thỏa thuận Trung Quốc mua máy bay chiến đấu SU-35 của Nga. Các cuộc đàm phán về việc mua bán máy bay chiến đấu này đang bị đình trệ do tranh cãi về giá, chuyển giao công nghệ và chia sẻ các thành phần thiết bị Trung Quốc sản xuất trong nước. “Đã có quyết định mua máy bay, nhưng các cuộc đàm phán có thể tiếp tục trong một thời gian”, Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moscow cho biết.

Nga ở vị trí “ông lớn vũ khí” từ hơn 1 thập kỷ trước, khi Trung Quốc cùng với Ấn Độ trở thành những khách hàng quan trọng của Moscow. Hiện nay, Nga - Trung là hai nước thành viên thường trực HĐBA LHQ - vẫn thường có quan điểm giống nhau về các vấn đề gây chia rẽ như xung đột Syria, chương trình hạt nhân Iran... Nga đang nỗ lực mở rộng quan hệ kinh tế các nước Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt quốc tế do vấn đề Ukraine, giá dầu giảm và một đồng rouble yếu.

Chuyến thăm của ông Tập đến Nga chỉ là một trong hàng loạt kế hoạch chính trị và quân sự chung cho cả năm. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực nhấn mạnh vai trò của họ trong việc đánh bại Nhật trong Thế chiến II. Trung Quốc cũng có kế hoạch duyệt binh quân sự quy mô lớn trong năm nay để kỷ niệm chiến thắng này. Sau đó, vào tháng 9, ông Putin sẽ đến Bắc Kinh tham dự Lễ kỷ niệm lần thứ 70 Nhật bị đánh bại.

Khả Anh