Báo Công An Đà Nẵng

Làm sống lại nghệ thuật hát Bội nơi phố cổ

Thứ ba, 26/07/2016 09:02

(Cadn.com.vn) - Mới đây Trung tâm văn hóa thể thao thành phố Hội An (Quảng Nam) mở lớp truyền vai hát Bội (hát tuồng) cho thiếu nhi. Dù ban đầu mới chỉ triển khai cho 15 em ở khối Nam Diêu,  P. Thanh Hà nhưng hoạt động này là một "tín hiệu" mới trong việc gìn giữ, bảo tồn hay nói cách khác là làm thức dậy một loại hình nghệ thuật truyền thống của xứ Quảng và miền Trung nói chung.

Trong không gian hoài cổ, sự kết hợp giữa ca, vũ, âm thanh trong trích đoạn tuồng Nguyễn Trãi-biệt Phi Khanh do các thành viên đội tuồng Đêm phố cổ biểu diễn (tại lớp khai giảng truyền vai cho thiếu nhi) đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc về nghĩa khí của các nhân vật lịch sử trong thời điểm đất nước loạn ly cũng như những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật hát Bội. Thực tế, dù cũng là bộ môn nghệ thuật truyền thống nhưng lâu nay, hát Bội ít đến được với công chúng hơn các loại hình khác; vì vậy, khi xem trọn một trích đoạn, nhiều người đã cảm nhận được những giá trị nghệ thuật độc đáo, riêng biệt của loại hình này. Với thiếu nhi, đây cũng là dịp để các em tìm hiểu, học hỏi làm phong phú thêm kiến thức âm nhạc và năng khiếu nghệ thuật của mình. Em Nguyễn Thị Mỹ Duyên, nói: "Hồi đó tới chừ ở trường tụi con toàn được học các bài nhạc hiện đại. Giờ được học hát Bội như thế này, con thấy rất mới mẻ và hứng thú".

Các nghệ nhân hát Bội đang hướng dẫn truyền vai cho các em thiếu nhi.

Với các phụ huynh ở khối Nam Diêu được mời tham dự chương trình, nhiều người đã không khỏi hồi tưởng và kỳ vọng. Bởi trước kia, ở độ tuổi niên thiếu, họ đã từng nhiều lần được xem đội hát Bội của làng gốm Thanh Hà biểu diễn phục vụ bà con, nhất là mỗi khi hội hè, Tết đến xuân về. Sau này, khi các thế hệ nghệ nhân cao tuổi về với tổ tiên, theo thời gian, từ một hoạt động biểu diễn thường xuyên trong cộng đồng, giờ đây, nghệ thuật hát Bội ở Nam Diêu cũng dần lắng xuống. Hiện nay, cả khối cũng chỉ còn một gia đình kế thừa, gắn bó với nghiệp diễn. Và những sinh hoạt cộng đồng, cùng xem hát Bội như xưa, giờ lại càng thưa vắng. Vì vậy, khi đưa con đến với lớp truyền vai, nhiều phụ huynh đã được sống lại cảm xúc một thời và cũng gửi vào đó những mong mỏi, kỳ vọng cho tương lai của con em. Chị Nguyễn Thị Trúc, một phụ huynh cùng tham gia tại lớp truyền vai chia sẻ: "Tôi mong muốn thế hệ trẻ bây giờ, trong đó có con tôi được lĩnh hội nghệ thuật tuồng hát Bội, góp phần giữ gìn lại những nghệ thuật truyền thống văn hóa của cha ông".

Ở góc nhìn của một diễn viên, nghệ nhân Lê Phú Hải, thành viên của nhóm Tuồng đêm Phố cổ và cũng là thành viên của gia đình duy nhất ở Thanh Hà còn kế thừa nghiệp diễn của cha ông, cho rằng, sự trở lại của bộ môn nghệ thuật hát Bội là rất cần thiết, nhất là khi Hội An được bạn bè trong nước và thế giới biết đến là một đô thị cổ, nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Nghệ nhân Lê Phú Hải nhìn nhận: "Hồi đó đã có hát tuồng rồi. Nên bây giờ khôi phục lại, đó là điều vô cùng hấp dẫn. Vùng đất Hội An nếu như phục hồi và phát triển lại, đó là một vinh dự lớn của thế hệ sau này và đó cũng là niềm tự hào lớn của thế hệ những người đi trước".

Theo lời kể của nhiều người cao tuổi, trước năm 1975, tại vùng đất Hội An đã có rất nhiều đội hát Bội như đội hát Bội Trà Quế, xã Cẩm Hà, đội hát Bội Sơn Phong, Cẩm An, Thanh Hà và đội hát Bội Đồng Ấu (trẻ em) ở Cẩm Phô... Thời ấy, các đội hát Bội này có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng, luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Sau này, Nhà Văn hóa thị xã (nay là TT VHTT thành phố) cũng đã chủ trương xây dựng, hình thành các Câu lạc bộ hát Bội trên cơ sở các đội hát Bội của các xã nhưng do nhiều yếu tố khách quan của lịch sử, giờ đây, nghệ thuật hát Bội không còn phổ biến như trước và đang có nguy cơ thất truyền trong đời sống cộng đồng. Khi lĩnh hội di nguyện của cố giáo sư Hoàng Châu Ký, một nhà nghiên cứu gắn bó với nghệ thuật hát Bội, một người con có tình yêu quê hương Hội An sâu sắc, Trung tâm VHTT thành phố quyết định mở lớp truyền vai, với mong muốn bảo tồn gìn giữ, phục hưng nghệ thuật hát Bội và hình thành một đội hát Bội Hoàng Châu Ký Hội An. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VHTT thành phố chia sẻ: "Chúng tôi nhận thức được đó là cái que diêm khơi gợi ngọn lửa nên chúng tôi phải tìm cách để thực hiện. Với điều kiện không thể mở những lớp đào tạo chuyên nghiệp diễn viên tuồng nên với cách truyền lửa nghệ thuật hát Bội như thế này là rất ý nghĩa. Nói như thầy Hoàng Châu Ký, tuồng thì lúc thăng lúc trầm, lúc trầm lúc thăng nhưng biết là trầm rồi sẽ thăng". Ý tưởng là vậy song chắc chắn rằng, chặng đường "làm thức dậy" nghệ thuật hát Bội ở phố cổ Hội An sẽ còn rất dài và gian nan. Thăng hay trầm sẽ phụ thuộc vào tâm huyết của những người làm văn hóa và niềm đam mê, quyết tâm học hỏi, lĩnh hội, nhập vai của những người học. Bởi đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung và của quê hương Hội An nói riêng.

Lê Hiền