Báo Công An Đà Nẵng

“Lâm tặc” lại nhòm ngó rừng phòng hộ Sró

Thứ sáu, 18/09/2020 15:00

Sót lại trên những đỉnh núi dựng đứng là cánh rừng phòng hộ thuộc quản lý, bảo vệ của UBND xã Sró (H. Kông Chro, Gia Lai). Thế nhưng, rừng càng lùi dần bởi cây rừng cứ bị đốn hạ kéo dài từ năm này sang năm khác. Tháng 3-2020, một vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra ngay tại cánh rừng phòng hộ này. Khi sự việc chưa được xử lý triệt để thì tình trạng phá rừng lại đang tái diễn với quy mô lớn. Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi chủ rừng, ngành chức năng đã ở đâu và làm gì khi rừng vẫn bị “rút ruột” từng ngày.

Các đối tượng xẻ gỗ theo quy cách lớn tại hiện trường phá rừng thuộc lâm phần quản lý của UBND xã Đắk Song.

“Công trường” gỗ lậu mới

Từ làng Bya (xã Sró, H. Kông Chro, Gia Lai), chúng tôi men theo con đường mòn, dọc theo ống nước tự chảy được đưa từ trên núi về ngược phía những cánh rừng phòng hộ còn sót lại nơi đây. Băng qua những con dốc thẳng đứng, sau 2 giờ đồng hồ đi bộ chúng tôi cũng dần tiếp cận được khu vực rừng thuộc quản lý của UBND xã Sró. Nhìn vẻ bề ngoài lầm tưởng rừng nơi đây có độ che phủ khá cao, thế nhưng theo những con đường mòn len lỏi trong rừng là những “công trường” gỗ lậu kéo dài nhiều năm qua.

Con đường mòn giữa rừng và những nhánh đường “xương cá” mà các đối tượng lâm tặc mở để cưa hạ cây rừng, chúng tôi có mặt tại hiện trường vụ phá rừng vừa xảy ra trong vòng 1 tuần trở lại đây. Ngay trên con đường mòn là 1 cây gỗ dổi đường kính khoảng 50cm vừa mới bị đốn hạ, chỉ bằng một nhát cưa máy cây gỗ hàng chục năm tuổi đã ngã xuống dưới đất rừng. Nơi gốc cây bị cưa vẫn ứa nhựa chưa kịp khô, lớp mùn vẫn bốc mùi gỗ tươi. Cách đó không xa, một cây gỗ chò cả trăm năm tuổi đường kính trên 1m cũng bị cưa hạ, thân cây dài khoảng 30m với đường kính lớn đã ngã đè hàng loạt cây gỗ nhỏ, lớn khác nằm tan hoang. Nhựa cây vẫn còn mới và lá còn xanh, điều đó chứng tỏ lâm tặc cũng chỉ cưa hạ trong vài ngày trước.

Cứ men theo tuyến đường mòn lên đỉnh núi, chúng tôi bắt gặp hàng loạt cây rừng khác cùng chung số phận bị đốn hạ. Những loại cây gỗ quý giờ đã không còn, lâm tặc chuyển qua khai thác các loại cây khác, như: Chò, gáo vàng, dổi... với đường kính lớn. Chỉ trong bán kính chưa đầy 100m, chúng tôi phát hiện gần chục cây rừng bị cưa hạ, ngã đổ với đường kính từ 50-100cm. Tìm kiếm, chúng tôi phát hiện trong một bờ đá lẩn khuất, các đối tượng lâm tặc dựng lán tạm bợ, quanh đó là những dụng cụ nấu ăn, nước uống. Bếp lửa cũng vẫn còn hơi ấm, có lẽ các đối tượng này đã nhanh chân lẩn vào rừng trước sự có mặt của chúng tôi.

Quanh những gốc cây mới bị đốn hạ là những gốc cây rừng đường kính trên 1m còn sót lại. Chúng tôi bắt gặp nhiều gốc cây được đánh dấu bởi Ban lâm nghiệp xã Sró từ năm 2017, 2018. Quanh những gốc cây cũ đã bị các đối tượng xẻ theo quy cách với chiều dày trên 20cm, dài 2,5-3m, ngang 1,2-15m. Đa phần những tấm gỗ này đã bị đưa ra khỏi rừng, một số ít còn lại đã bị lực lượng xã Sró dùng máy cưa xẻ ngang để phá bỏ, tránh để lâm tặc lén lút mang đi. Gốc cây cũ, mới nằm rải rác khắp cánh rừng, chứng tỏ những cánh rừng nơi đây chưa bao giờ bình yên.

Gốc chò với trăm năm tuổi bị “lâm tặc” cưa hạ.

Trách nhiệm chủ rừng ở đâu?

Cũng tại cánh rừng thuộc quản lý của UBND xã Sró, chỉ 6 tháng trước, vào tháng 3-2020, nơi đây đã xảy ra 1 vụ phá rừng với quy mô lớn. Sự việc chỉ được phát hiện khi được người dân thông tin. Theo kết quả khám nghiệm của cơ quan Công an, vụ phá rừng xảy ra tại các khoảnh 5, 6, 7, 8, 9 Tiểu khu 805 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn. Khối lượng gỗ thiệt hại được xác định là hơn 41,4m3 và gần 5,9m3 ster củi, giá trị thiệt hại về gỗ được xác định là hơn 343 triệu đồng. Cơ quan Công an cũng xác định tình trạng phá rừng trái phép diễn ra trong thời gian dài thế nhưng trong báo cáo của đơn vị chủ rừng là UBND xã Sró lại không hề đề cập đến việc mất rừng diễn ra âm ỉ suốt nhiều tháng trời.

Điều này cũng có thể lý giải cho nguyên nhân vì sao rừng nơi đây liên tục bị xâm hại. Sự quản lý lỏng lẻo, báo cáo thiếu trung thực nhằm né tránh trách nhiệm khiến tình trạng phá rừng không được xử lý dứt điểm. Hệ lụy mà những cánh rừng phòng hộ nơi đây vẫn tiếp tục ngã xuống mà chúng tôi ghi nhận trong những ngày qua.

Điều đó, không chỉ xảy ra ở mỗi địa bàn xã Sró, mà vào đầu tháng 6-2020, một vụ phá rừng có quy mô khác xảy ra vào khoảnh 1, 3 Tiểu khu 845 thuộc lâm phần quản lý của UBND xã Đắk Song (H. Kông Chro). Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan Công an xác định khối lượng gỗ thiệt hại gồm trên 12,3m3 gỗ và trên 1,3m3 ster củi, thuộc loại rừng sản xuất. Giá trị thiệt hại về gỗ được xác định là hơn 92 triệu đồng.

Thượng tá Đinh Văn Dũng, Trưởng CAH Kông Chro cho biết: cả 2 vụ phá rừng trên đã được Hạt Kiểm lâm huyện khởi tố và chuyển CQCSĐT Công an huyện để làm rõ. “Tuy nhiên, công tác điều tra gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết các vụ phá rừng diễn ra trong thời gian dài, khi phát hiện vụ việc thì các đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường, tìm cách tẩu tán tang vật”, Thượng tá Dũng chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch UBND H. Kông Chro cho biết, nhận được thông tin từ báo chí, huyện đã cử ngay tổ công tác đến hiện trường kiểm tra. “Với những gì xảy ra thì rõ ràng phía đơn vị chủ rừng là UBND xã Sró đã thiếu trách nhiệm và có phần buông lỏng quản lý. Quan điểm của huyện là phải xử lý nghiêm minh, không bao che, dung túng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, sớm đưa các đối tượng ra trước pháp luật để làm bài học cho các đối tượng khác, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng hiện nay”, ông Ẩn khẳng định.

M.T