Làm thế nào để ngăn chặn hàng giả?
Sản xuất, kinh doanh hàng giả diễn biến phức tạp
Theo lãnh đạo Cục QLTT TP Đà Nẵng, thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn TP diễn biến phức tạp, không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn làm phương hại, thiệt hại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính. Đơn cử ra đây một số vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả đáng chú ý từ năm 2021 trở lại đây. Ngày 13-7-2021, lực lượng QLTT TP đã kiểm tra đột xuất đối với 1 cơ sở kinh doanh tại Q.Hải Châu và lập biên bản thu giữ 340 chai nước hoa giả các thương hiệu nước hoa nổi tiếng trên thế giới. Trước đó, ngày 18-1-2021, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT TP đã phát hiện Cửa hàng tạp hóa Cô Mai (Q.Liên Chiểu) kinh doanh hạt dưa giả nhãn hiệu hạt dưa Thiên Hương, lập biên bản vi phạm kinh doanh hàng giả đối với cơ sở này và thu giữ 336 gói hạt dưa giả loại 0,5kg/gói) và 14 bao hạt dưa giả loại 10kg/bao.
Không chỉ có lực lượng QLTT, thời gia qua, lực lượng CATP cũng bắt giữ nhiều vụ kinh doanh hàng giả. Ngày 24-12-2021, Công an Q.Liên Chiểu đã kiểm tra cơ sở sản xuất bột trát tường của Cty TNHH MTV Hoàng Long Dũng ở P.Hòa Minh và bắt quả tang các công nhân của doanh nghiệp này đang làm giả bột trát tường với hai thương hiệu nổi tiếng, thịnh hành trên thị trường. Qua điều tra, Công an Q.Liên Chiểu xác định Cty TNHH MTV Hoàng Long Dũng đã mua các loại nguyên liệu bột trát tường của Trung Quốc và đặt làm các loại bao bì, nhãn mác giả thương hiệu qua mạng để sản xuất bột trát tường giả, thu lợi bất chính. Lực lượng Công an đã lập biên bản thu giữ hơn 70 tấn nguyên liệu, thành phẩm bột trát tường cùng hàng ngàn bao bì giả.
Ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP, cho biết: công tác đấu tranh chống nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả rất gian nan do các đối tượng này ngày càng có thủ đoạn tinh vi và biến hóa. Các sản phẩm, hàng hóa giả không chỉ len lỏi từ cửa hàng, siêu thị mà đang được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử… Đặc biệt, trong thời gian qua, lợi dụng việc các cơ quan chức năng ưu tiên, tập trung cho công tác phòng chống đại dịch COVID-19, các đối tượng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP gia tăng hoạt động. Chỉ tính năm 2021, các lực lượng chức năng của TP đã bắt giữ 27 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; từ đầu năm đến nay tiếp tục phát hiện hàng chục vụ tương tự.
Đâu là giải pháp?
Theo quyền Cục trưởng Cục QLTT Trần Phước Trí, để công tác đấu tranh chống nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả đạt hiệu quả như mong muốn, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật về hàng giả, cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng, đặc biệt là từ cả hai phía người sản xuất và người tiêu dùng.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất chân chính cần phải đăng ký để xác lập quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm, hàng hóa của mình và phải tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách chủ động theo dõi thị trường để phát hiện hành vi xâm phạm. Nếu phát hiện việc xâm phạm cần nhanh chóng thực hiện các hành động như: trực tiếp yêu cầu bên vi phạm ngừng các hành vi vi phạm, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương nơi đóng trụ sở của bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, khởi kiện vụ việc ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại nếu bị thiệt hại về tài sản… Còn đối với người tiêu dùng khi phát hiện hàng giả cần mạnh dạn khiếu nại, tố cáo các đối tượng sản xuất, kinh doanh đến cơ quan chức năng để các cơ quan này có sự can thiệp, xử lý ngăn chặn kịp thời.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP cho rằng để ứng phó với tình trạng hàng giả, cần khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu chế tạo các công nghệ chống hàng giả như: tem chống hàng giả, mã QR Code sản phẩm hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện hàng giả. Cùng với các giải pháp trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hàng giả, đặc biệt là khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sắm cần lựa chọn những địa chỉ mua sắm uy tín thương mại hoặc đại lý ủy quyền để tránh mua phải hàng giả. Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng, chia sẻ thêm: với những sản phẩm, hàng hóa bày bán trong hệ thống siêu thị của Coopmart nói chung, Coopmart Đà Nẵng nói riêng luôn được kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ.
Theo đó, nhà cung cấp phải đảm bảo đạt những tiêu chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, bao bì, nhãn mác đối với sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, hệ thống siêu thị Coopmart còn có bộ phận chuyên trách kiểm tra tại nguồn sản xuất, quá trình vận chuyển, lưu kho... "Do vậy, bên cạnh việc doanh nghiệp, cơ quan chức năng nỗ lực chống hàng giả, rất cần người tiêu dùng chung tay trong việc ưu tiên chọn sản phẩm tại những địa điểm mua sắm uy tín, có thương hiệu ổn định và lâu dài. Có như vậy mới góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với hàng giả", ông Phan Thống nhấn mạnh.
PHÚ NAM