Báo Công An Đà Nẵng

Làn gió mát từ du lịch sinh thái ở Hòa Vang

Thứ ba, 23/06/2020 22:31

Những năm gần đây, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã có chủ trương, đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng từ thế mạnh cảnh quan môi trường thiên nhiên và vườn, rừng ở các địa phương, nhất là vùng núi phía Tây Bắc của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Những căn nhà cho khách nghỉ ngơi, thư giãn được làm bằng các vật liệu sẵn có tại vườn.

Tại xã Hòa Ninh, một địa phương có diện tích hơn 10.000 ha, hơn 3/4 là đồi núi, rừng, trong thời gian qua, đã có 3 mô hình du lịch gồm Am Nhiên Farm, Me Ken Farm và Cát Tiên Farm tại thôn 1, thôn Trung Nghĩa và thôn Hòa Trung. Các mô hình này hoàn toàn do người dân địa phương tự xây dựng, phát triển trên ngay vườn đất của gia đình. 

Theo chân anh Nguyễn Hữu Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh đến tham quan mô hình du lịch Am Nhiên Farm, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi sự xây dựng, đầu tư và làm du lịch rất bài bản. Chủ nhân của mô hình du lịch vườn này là gia đình ông Phan Tươi. Cách đây hơn một năm, con gái của ông là chị Phan Mai Thiện Tâm, sau khi tốt nghiệp Đại học Duy Tân Đà Nẵng, trở về quê bàn với gia đình phát triển mô hình du lịch ngay trên chính mảnh đất vườn nhà. Đối tượng khách du lịch mà chị Thiện Tâm nhắm tới, là những người thích không gian yên tĩnh, có vườn, có cây, có nơi nghỉ ngơi thoáng đãng, mát mẻ. Tại đây khách có thể đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng, làm vườn, chăm sóc cây cối, tự chế tác các đồ gỗ, tập vẽ và các loại hình nghệ thuật khác. Khách cũng có thể đi tản bộ trong rừng cây trồng, vườn hoa quả và thưởng thức các món ăn từ các loại thực phẩm, rau quả được nuôi trồng từ chính vườn nơi đây.

Phòng uống cà phê, thư giãn đọc sách được làm từ vật liệu cây vườn  nhà.

Với nguồn vốn chỉ vài trăm triệu  đồng, các khu nhà cho khách nghỉ ngơi, đọc sách, uống cà-phê, làm mộc được dựng lên từ chính những cây gỗ vườn nhà, keo lá tràm, mái tôn được chống nóng bằng những giàn hoa leo mát mẻ quanh năm. Ngoài ra, còn có gần chục mái lều bạt được dựng dưới những tán cây râm mát để khách nghỉ ngơi lưu trú qua đêm. Một khoảng vườn rộng trồng đủ các loại rau quả từ dưa, mướp, đậu... luôn xanh tươi quanh năm là nơi khách có thể chụp ảnh lưu niệm hoặc tự tay trồng, chăm sóc rau xanh. Khác biệt và đáng chú hơn là nơi đây có hẳn một giá sách với hàng nghìn đầu sách các loại từ văn học, nghệ thuật, các loại báo, tạp chí để khách có thể lựa chọn thoải mái; vài cây đàn guitar để khách có thể chơi nhạc, sinh hoạt văn nghệ nhẹ nhàng.

Anh Hoàng Thế Vỹ - người điều hành mô hình du lịch, cũng đã tốt nghiệp đại học ngành du lịch cho biết, mô hình du lịch vườn này chỉ đón những khách có hẹn đặt chỗ trước, không đón những lượng khách xô bồ. Khách tới cũng không được đem theo bia rượu, loa hát kẹo kéo, tất cả đều phải lịch sự, tôn trọng, không gây ảnh hưởng đến nhau. Kinh phí cho một ngày đêm nghỉ ngơi lưu trú là 950.000 đồng. Nếu không có dịch Covid-19 xảy ra, vào tầm này năm 2019, lúc nào lượng khách cũng đặt kín chỗ.

Anh Nguyễn Hữu Tâm cho hay, cả 3 mô hình du lịch vườn tự phát của người dân ở Hòa Ninh đều có cách thức hoạt động như nhau, đã được cấp giấy phép kinh doanh, được đánh giá hoạt động rất hiệu quả. Hiện UBND xã đang nghiên cứu tổ chức một hội thảo nhằm xây dựng, phát triển mô hình du lịch vườn, rừng tại địa phương.

Theo Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, xã có chủ trương sẽ phát triển du lịch bám sát sự phát triển mảng nông nghiệp công nghệ cao vườn, rừng, cây ăn trái, với mục tiêu tạo thành một "vùng" du lịch.  Hiện nay toàn xã Hòa Ninh có 8 ha trồng rau công nghệ cao, gần 2 ha trồng hoa, hơn 70 ha trồng các loại cây ăn trái như bưởi, sầu riêng... Đặc biệt bưởi da xanh đang được hoàn tất thủ tục công nhận là sản phẩm thương hiệu bưởi Hòa Ninh. Trên địa bàn xã cũng có nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái như hồ Hòa Trung, suối Đá Hang, khe Hốc Tối, suối Mơ... Hòa Ninh chỉ cách trung tâm thành phố hơn 20km, có hệ thống đường giao thông như đường ĐT602, đường Bà Nà-Suối Mơ, đường vành đai phí Tây đang xây dựng, hệ thống giao thông liên thôn, liên xã đã kết nối hoàn chỉnh. Khí hậu ở đây cũng tương đối ôn hòa, mát mẻ rất thuận lợi cho du lịch. Khách du lịch tới Hòa Ninh có thể trải nghiệm, tham quan tại các vườn, rừng, nghỉ ngơi thư giãn giữa không gian yên tĩnh, môi trường trong lành.

Nhìn từ mô hình du lịch vườn, rừng mà người dân tự phát triển, cho thấy nguồn vốn đầu tư không quá lớn có thể xây dựng được ngay tại chỗ từ những vật liệu sẵn có. UBND xã Hòa Ninh đã xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái vườn, rừng để trình cơ quan có thẩm quyền và thành phố phê duyệt. Tuy nhiên vướng mắc, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề cơ chế về đất đai. Từ lâu nay hầu hết diện tích vườn, rừng của người dân ở Hòa Ninh và nhiều địa phương khác ở vùng Tây Bắc Hòa Vang vẫn chưa được hoàn tất các thủ tục về pháp lý, tức là chưa có giấy tờ chủ quyền về đất. Muốn làm du lịch, người dân phải chuyển đổi mục đích đất. Đây là vấn đề nan giải mà chưa biết bao giờ mới giải quyết xong. Nếu không chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì không thể đầu tư, xây dựng trên đất đó. Người dân không có giấy chủ quyền đất thì không thể huy động được nguồn vốn, không thể mời gọi đầu tư. Đây là vấn đề mà thành phố và ngành chức năng cần nhanh chóng xem xét, tạo một cơ chế phù hợp không chỉ ở Hòa Ninh mà cả vùng Tây Bắc Hòa Vang.

HỒNG THANH