Báo Công An Đà Nẵng

Lan man chợ Tết!

Thứ năm, 22/02/2018 16:42

Mồng Một Tết! Sau những lời chúc Tết, câu chuyện được các bà nội trợ đem ra làm quà vẫn là chuyện... đi chợ ngày cận Tết. “Tiền như... lá me, cầm bạc triệu ra chợ một lúc là hết vèo! Cánh đàn ông đâu hiểu, cứ nghĩ đưa chục triệu sắm Tết là... nhiều lắm!”. Nghe các bà nội trợ than mà nhớ, 27 Tết ra chợ mua lá về gói bánh tét, khi nghe tôi hỏi mua 6 kg lá, bà cụ bán lá chuối quen thuộc liền can: “Gói bao nhiêu lon nếp mà mua nhiều vậy con? Năm ni, lá đắt lắm đó, 25.000 đồng/ký, mua ít lại đi con(!?)”. Biết tính bà cụ chẳng nói thách, nhưng tôi vẫn cò kè: “Nhà con gói bánh kỹ lắm nên bà cứ cho con 6 ký lá, rồi bớt chút đỉnh là được mà!”. Bà cụ đáp trả: “Có đau ốm chi đâu mà bớt với không bớt(?!). Nói vui rứa thôi, chứ cũng muốn bớt cho bây lắm, ngặt nỗi, bà mua đắt nên phải bán đắt thôi, chứ lời lãi là bao, con!”. Khi nghe tôi hỏi mua 10 bó lạt (dang), con trai bà lại can: “Mua chi nhiều rứa, bớt lại đi chứ một bó 10.000 đồng luôn đó”. Bà cụ mắng yêu con trai: “Ơ cái thằng! Người ta mua bao nhiêu cứ bán bấy nhiêu, sao lại can mua bớt lại? Bán buôn như thế thì lời làm sao được?”. Miệng thì mắng, nhưng mắt bà cụ lại cười rồi đích thân bớt lại 2 bó: “Lấy 8 bó thôi con. Gói rứa là kỹ lắm rồi. Đừng quá phí tiền cho mấy ngày Tết!”. Chợt thấy quý bà cụ khi biết “tiếc” tiền cho khách mua hàng!

Chợ ngày Tết, nơi thì đông đen, nơi thì thưa thớt. (ảnh minh họa) Ảnh: KIM THANH

Có đi chợ ngày Tết mới ngẫm câu “đi chợ còn tùy vào duyên người mua, kẻ bán” quả không sai. Thế nên, khi được chị bán hàng thịt tặng quà Tết bằng lít dầu ăn, chị bán hàng rau tặng túi ớt xanh, chị bán hàng đồ khô tặng chai dấm “về làm đồ chua ngọt ăn cho đỡ ớn”, rồi bà bán cam giảm giá..., tôi cười tít mắt thấy mình cũng có duyên đi chợ phết... Cận Tết, ai cũng vội vội, vàng vàng nên quên trước, quên sau. Chuyện xách túi thức ăn từ hàng này sang hàng khác rồi để quên luôn ở đó là... chuyện bình thường của các bà nội trợ khi đi chợ cận Tết. Tôi cũng không ngoại lệ. May sao, khi quay ra tìm, vẫn có người bán hàng tốt bụng giữ giúp cho với câu đầy cảm thông: “Đi chợ ngày Tết là vậy đó em!”... Hôm 29 Tết, vòng quanh khắp chợ Hàn, chợ Mới tìm mua hoa ly ù về chưng ba ngày Tết nhưng chẳng tìm đâu ra được bó hoa ưng ý. Đến lúc sắp nản lòng “thôi không hoa hòe chi hết” thì lại mua được bó hoa ưng ý đúng ngay chợ Hàn đã đi qua. Mồng Một Tết, bình hoa nở 10 bông. Đến mồng ba thì nở nốt 5 bông còn lại. Thơm lừng! Ai đến chúc Tết cũng hỏi, mua bao nhiêu. Nghe giá 280.000 đồng, ai cũng khen rẻ. Lúc đó mới tin lời cô bán hoa: “Còn 3 bó nên em bán rẻ để còn về dọn nhà cửa đón Tết, chứ từ sáng đến giờ, toàn bán 350.000 đồng/bó!” là thật...

Đang chuẩn bị kết bài thì chị đồng nghiệp gọi điện chúc Tết. Lại là chuyện chợ ngày Tết. “Trái mãng cầu nhỏ xíu mà đến 30.000 đồng, cũng phải bấm bụng mua cho đủ lễ mâm ngũ quả cúng giao thừa. Đúng là chợ... ngày Tết!”. Tôi cười định nói, giá đó đắt chi, có người mua nải chuối 300.000 đồng thì sao? Đem câu chuyện này kể cho chị bạn thì nhận được câu trả lời hết sức thản nhiên: “Đi chợ ngày Tết là... tùy duyên may mỗi người thôi! Có người mua đúng giá, lại có người mua với giá trên trời...! Đừng nghĩ chỉ ở xứ mình mới hô giá kiểu đó. Đọc báo, nghe kể ở Thổ Nhĩ Kỳ, có nơi dù niêm yết giá hẳn hoi nhưng người mua vẫn có quyền mặc cả, trả giá thấp đến 25% so với giá niêm yết mà vẫn bán luôn đó!”. Cũng có đọc bài viết đó, nên khi nghe chị bạn nói thế, tôi chợt thấy chuyện mua mắc, mua rẻ ngày Tết chẳng có gì ghê gớm nữa. Bởi lẽ, “Tết là... thế mà...!”.

P.THỦY