Lan man chuyện chiếc đèn dầu ta...
(Cadn.com.vn) - Tôi thật bất ngờ trước câu hỏi của con gái: "Đèn dầu ta là gì hả ba?". "Con hỏi để làm gì vậy?". "Dạ, vì sách giáo khoa không có chú thích nên con chẳng hiểu đèn dầu ta như thế nào?". 3 từ "đèn dầu ta" được nhắc lại tới hai lần khiến tôi phải cầm cuốn Tiếng Việt lớp 5 (tập hai). Thì ra, ở đoạn cuối bài tập đọc "Người công dân số Một" (của các tác giả: Hà Văn Cầu- Vũ Đình Phòng) có lời thoại của anh Thành (tức Nguyễn Tất Thành, tên Bác Hồ thời trẻ): "Anh Lê ạ, vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn Hoa Kỳ. Đèn Hoa Kỳ lại không sáng bằng đèn tọa đăng...".
Đèn dầu phụng. |
Đem thắc mắc của con gái hỏi ngoại tôi, cụ cười xòa: "Đèn dầu ta chính là đèn dầu phụng đấy mà! Chứ không phải đèn dầu tây mô!". Đèn dầu tây, tức đèn dầu hỏa (dầu hôi) mới chỉ có mặt ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, khi hãng dầu lửa Shell của Hoa Kỳ (thời đó gọi là hãng "Con sò") khởi sự mang dầu hỏa sang bán. Dân Việt mình quen dùng đèn dầu phụng, bạch lạp... nên hãng này không bán được dầu hỏa. Nhưng những người bán dầu hỏa đâu chịu bó tay. Họ đã nghĩ ra một "chiêu" rất hiệu quả mà bây giờ chúng ta gọi là tiếp thị, đó là ai mua dầu hỏa sẽ được khuyến mãi một chiếc đèn (cái phao đựng dầu). Từ đó, hãng "Con sò" bán được dầu hỏa, dân ta có được cái đèn tiện lợi để thắp sáng.
Theo ngoại tôi, đèn dầu ta có hai bộ phận: Đĩa đèn để đựng dầu phụng. Đĩa chủ yếu là bằng sành, nông lòng. Đối với những nhà nghèo khó, đĩa đèn có khi chỉ là cái đĩa ăn, còn ở một số nhà khá giả hơn thì nó có thể được tạo dáng, được đặt trên những giá đỡ bằng sành, bằng gỗ tiện sơn son hay bằng đồng. Bộ phận thứ hai là tim đèn (bấc đèn) làm từ nhiều nguyên liệu sẵn có ở miền quê: ruột của loại cỏ bấc phơi khô hoặc là một sợi dây bông gòn xe lại, có khi bằng bông vải hay mảnh "vải ta". Chỉ có một đầu gác trên vành đĩa, tim đèn được nhúng gần như hoàn toàn vào dầu. Mỗi đĩa đèn cũng chỉ có một tim đèn mà thôi. Châm lửa đốt tim này là có được ngọn lửa sáng leo lét. Khi đĩa dầu cạn, tim đèn nơi ngọn lửa nở ra những chấm tròn đỏ quạch, xoay quanh tim đèn như đóa hoa, người ta gọi là bông đèn. Nhất thời đom đóm vô nhà / Nhì thời chuột rúc, thứ ba bông đèn. Nhiều người tin rằng, nếu đêm nào ngọn đèn dầu có hoa đèn nhất định ngày mai sẽ gặp điều may mắn (!?).
Bộ sưu tập các loại đèn cổ dùng dầu phụng/ mỡ động vật được trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013. |
Để tôi dễ liên tưởng đến chiếc đèn dầu ta ngày xưa, ngoại nhắc đến việc xông đèn dầu phụng để giải cảm hàn (lạm nước) mà lâu nay thi thoảng mẹ tôi vẫn dùng. Theo đó, dầu phụng đổ ra đĩa, bông gòn xe thành sợi. Nếu đàn ông thì 7 chiếc, đàn bà thì phải 9 chiếc (nam thất, nữ cửu) bởi quan niệm của người xưa: đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía. Người bị cảm lạnh ngồi lum khum trên giường, trùm mền kín mít và đốt đèn dầu lên. Để điều chỉnh độ nóng do đèn tỏa nhiệt, dùng chiếc đũa để cơi tim đèn. Mỗi lần xông, cả người toát mồ hôi, ướt đầm như tắm, nếu bị cảm nặng chỉ vài lần xông là khỏi.
Ngoại tôi lại cho hay, người xưa quan niệm: Sống dầu đèn, chết kèn trống. Đèn dầu ta không chỉ gắn bó mật thiết trong đời sống mà còn có mặt trong nhiều triết lý sống của người Việt, khi phê phán thói ích kỷ, đóng cửa: "Đèn nhà ai, nhà ấy rạng", lúc răn đe người đời: "Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng/ Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn" hoặc "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"... Thuở xưa, ở làng quê, các vị thân hào thường đứng ra tổ chức những đám "hát giã gạo", hát giao duyên"... tạo môi trường lý tưởng cho trai gái gặp gỡ, kết "bạn văn nghệ" với nhau. Để họ yên tâm hát hò, các vị khéo léo mượn chiếc đèn dầu ta: "Ai có chồng, nói chồng đừng sợ/Ai có vợ, nói vợ đừng ghen/Tới đây hò hát cho quen/Rạng ngày, ai về nhà nấy, há dễ ngọn đèn hai tim". Đèn dầu ta chỉ có một tim. Cũng như trai chỉ có một vợ, gái chỉ có một chồng mà thôi! Chọn hình ảnh so sánh như thế quả không gì độc đáo bằng!
Đĩa đèn dầu lạc (dầu phụng) thời Trần, Lê - ảnh Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. |
Đèn dầu ta từng "vang bóng một thời", giờ đã đi vào dĩ vãng. Tôi không là người hoài cổ nhưng không khỏi chạnh lòng khi được mục kích những bức ảnh về đĩa đèn dầu lạc (dầu phụng) thời Trần, Lê hay bộ sưu tập các loại đèn cổ dùng dầu phụng/ mỡ động vật được trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013. "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" (Bà Huyện Thanh Quan). Mong sao, các thế hệ học sinh ngày nay từ ngọn nguồn chiếc đèn dầu ta, càng hiểu thêm về một thời gian khó cũng như tinh thần hiếu học của cha ông, để từ đó nỗ lực vươn lên chinh phục "đỉnh Olympia", chủ động và tự tin hơn trong thời buổi hội nhập, giao lưu quốc tế mà vẫn giữ vẹn toàn bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Vân Trình