Lan man... chuyện làm báo
1. Nhà báo, nhà... nghèo
(Cadn.com.vn) - Cuối tháng 6-1996, tôi và phóng viên Phạm Hữu Huân, Báo Công an QN-ĐN (nay anh Huân là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đầu tư tại Đà Nẵng) được Ban Biên tập cử đi tập huấn theo giấy triệu tập của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Tất cả chi phí đợt tập huấn này cá nhân phải tự lo liệu. Xuống ga Hàng Cỏ Hà Nội, tôi và anh Huân lững thững chưa biết tìm chỗ nào để tạm trú qua đêm, bỗng tôi chợt nhớ đoạn đường từ ga về Nhà khách Bộ CA ở số 10-Nguyễn Quyền không xa nên hai chúng tôi cuốc bộ về đó xem thử. Xuất trình công lệnh, chị nhân viên lễ tân bố trí chúng tôi nghỉ chung một phòng 6 người tại nhà khách.
Sáng hôm sau chúng tôi đón xích lô đến Trường viết văn Nguyễn Du trên đường Đê La Thành, địa điểm tập huấn để nghe phổ biến chương trình học tập. Thế là mỗi sớm hàng ngày, chúng tôi gọi xích lô tới lớp và đi bộ về Nhà khách để giảm bớt chi phí. Ở Nhà khách chừng 4 ngày thì nhân viên lễ tân bảo ở lâu quá, không cho nghỉ nữa. Tối hôm đó, hai chúng tôi tìm tới nhà Thứ trưởng Bộ CA Lê Thế Tiệm nhờ giúp đỡ. Nghe giọng Quảng Nam, chị Cùng, vợ anh mở cửa cho vào nhà, bởi thời điểm này anh chỉ đạo đánh hàng loạt chuyên án lớn như Khánh Trắng-Phúc Bồ, Công ty dệt Nam Định...nên cảnh giác người lạ.
Thấy chúng tôi, anh Tiệm từ bên trong bước ra phòng khách chuyện trò rất vui vẻ. Anh hỏi: "Báo Công an QN-ĐN của mình bây giờ phóng viên nào bút chiến nhất?". Tôi biết anh rất quan tâm tới hoạt động của Báo CAQN-ĐN, bởi anh là người khởi xướng tờ báo lúc còn là Giám đốc CA tỉnh QN-ĐN. Hai từ "bút chiến" của anh ở đây là phản bác lại các luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch và đấu tranh chống tiêu cực nên tôi nói: "Thưa anh! Anh em của Báo cũng quyết liệt lắm, được bạn đọc xa gần thường xuyên theo dõi, ủng hộ".
Khi biết chúng tôi ra Hà Nội tập huấn, anh hỏi ăn ở thế nào, đi lại ra sao, tôi trình bày những khó khăn đang gặp phải, nhất là chỗ nghỉ. Anh cười bảo: "Thôi, mai hai em cứ đi học bình thường, để anh nói với Nhà khách tạo điều kiện cho". Trưa hôm sau đi học về vừa bước vào Nhà khách thì nhân viên lễ tân bảo lên dọn dẹp, thu vén quần áo và họ bố trí cho chúng tôi nghỉ ở một phòng nhỏ 2 người phía sau cùng Nhà khách để theo hết khóa tập huấn.
Phóng viên Công Khanh (Báo Công an TP Đà Nẵng, thứ 3 từ trái qua) cùng các phóng viên báo bạn trong chuyến đi thực tế tại các địa phương giáp nước bạn Lào. |
2. Nắm tin từ trong... lớp
Sáng ngày 4-7-1996, nhiều phóng viên dự lớp tập huấn bàn tán rằng tối hôm qua, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã bắt giữ Đại úy Vũ Xuân Trường, cán bộ Phòng 5, Cục C14, Bộ CA và một số cán bộ khác tham gia trong đường dây buôn bán ma túy với tử tội người Lào là Thao Xiêng Phênh, bởi sáng ngày 21-6, Xiêng Phênh bị đưa ra thi hành án (THA) tại Trường bắn Cầu Ngà, Từ Liêm, Hà Nội nhưng Hội đồng THA đã quyết định tạm dừng vì Xiêng Phênh bất ngờ khai ra Đại úy Vũ Xuân Trường tham gia trong đường dây buôn bán ma túy với hắn. Chiều hôm đó tôi và anh Huân tới CATP Hà Nội tìm gặp Trung tá Nguyễn Đức Nhanh, Trưởng phòng CSĐT để nắm vụ việc, bởi ông là một thành viên của Hội đồng THA Xiêng Phênh, người cam kết và đề nghị tạm hoãn THA tử hình đối với hắn để mở rộng điều tra vụ án.
Sau khi có chút tư liệu, tôi tranh thủ chạy tới nhà Vũ Xuân Trường, số 129-Giải Phóng, Q. Đống Đa, Hà Nội chụp tấm ảnh toàn cảnh ngôi nhà, ghé tiệm ảnh nhờ rửa nhanh rồi về Nhà khách. Anh Huân bảo: " Ông quen viết án nên chắp bút đi". Tôi xé mấy tờ giấy học sinh, cởi trần cặm cụi ngồi viết một mạch với những thông tin mình có. Viết xong bài nhưng tôi chưa đặt được cái tít, anh Huân nói: "Bất ngờ trước giờ hành quyết chứ còn chi nữa". Thấy hay hay, tôi lấy luôn cái tít này rồi chạy bộ ra Bưu điện Hà Nội trước Hồ Gươm nhờ fax về tòa soạn. Trong bài này chủ yếu tôi viết về diễn biến vụ án sáng ngày 18-1-1995, Xiêng Phênh cùng với người em họ bên vợ là Xiêng Nhông, trú tại bản Xốp Nạo, Mường Này, tỉnh Phong Sa Lỳ, Lào chạy chiếc ô-tô 4 chỗ mang BKS Lào, vận chuyển 90 bánh heroin trên đường Giảng Võ thì bị lực lượng CA bắt giữ.
Những ngày bị tạm giam, Xiêng Phênh không hề khai thêm bất cứ ai trong đường dây, bởi vì y nghĩ Vũ Xuân Trường là công an nên sẽ ra tay giải cứu. 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều tuyên phạt tử hình, hắn làm đơn xin tha tội chết nhưng đã bị Chủ tich nước bác đơn và cho đến khi Hội đồng THA đưa ra trường bắn thì hoảng sợ, biết mình sẽ chết thật chứ chẳng có ai cứu nên khai ra Vũ Xuân Trường cùng Đào Xuân Xe, lái xe của Xí nghiệp ô-tô số 3, chuyên quá cảnh sang Lào. Chính Đào Xuân Xe đã móc nối với Vũ Xuân Trường vào đường dây buôn bán ma túy cùng Xiêng Phênh từ năm 1984, khi ấy Trường còn là trung úy CSHS Công an tỉnh Điện Biên.
Sau 12 ngày khẩn trương điều tra, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe cùng hàng loạt đối tượng khác. Bài báo tôi viết chỉ trong phạm vi chừng đó thôi chứ trong đường dây buôn bán ma túy này còn rất phức tạp. Sau này được biết tổ chức buôn bán ma túy Xiêng Phênh-Vũ Xuân Trường có tới 22 bị cáo, 7 án tử hình, 8 án chung thân và bọn chúng đưa vào Việt Nam hơn 250 kg heroin, 210 kg thuốc phiện.
3. Đến quán cơm bụi
Sau đó ít ngày, tôi và anh Huân đang ngồi ăn cơm trưa tại một quán trên vỉa hè trước Nhà khách thì bàn bên cạnh có hai người phụ nữ vừa ăn, vừa chuyện trò. Người nọ nói với người kia: " Chẳng biết họ làm ăn kiểu gì mà đau tai trái lại đè đầu con người ta ra mổ tai phải". Không bỏ lỡ thông tin này, tôi kéo ghế ngồi gần lại làm quen. "Chuyện chị vừa nói xảy ra ở đâu vậy?"-tôi hỏi. "Ở Bệnh viện Bạch Mai đó chứ đâu"- người phụ nữ nói không chút đắn đo. Thấy đây là đề tài "hấp dẫn", đầu giờ chiều tôi và anh Huân đón xích lô tới Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi xuất trình thẻ nhà báo, vị Phó giám đốc Bệnh viện tiếp chúng rất đàng hoàng chứ không hề từ chối và cho biết lỗi này thuộc về kíp mổ. Trước mắt, Bệnh viện sẽ lo toàn bộ chi phí cho bệnh nhân, sau đó hội đồng kỷ luật sẽ có hình thức xử lý. Vị Phó giám đốc dẫn chúng tôi đến gặp trực tiếp bệnh nhân, đó là cháu trai chừng 15 tuổi, quê Hải Dương. Qua trò chuyện, bố của cháu tuy rất bình tĩnh nhưng khuôn mặt ông ẩn chứa nhiều điều bực bội. Tôi lại viết bài lấy tít đề: "Đau tai trái, mổ tai...phải?" như lời của người phụ nữ nọ rồi fax về.
4. Ráng viết thêm kỳ nữa
Đêm 14-8-1997, anh Phan Văn Luyện, tài xế taxi, BKS 43K-4882 của Cty cung ứng dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng bị 2 đối tượng Đinh Văn Thuận và Trần Đình Truyết, trú ở Đức Lâm, H. Đức Thọ, Hà Tĩnh giả vờ thuê xe trước Bưu điện Hòa Minh rồi giết anh Luyện ném xác xuống cầu Câu Lâu, cướp taxi chạy vào các tỉnh phía Nam. Lực lượng CSĐT CATP Đà Nẵng triển khai các biện pháp điều tra đến ngày 7-9-1997 thì 2 đối tượng sa lưới tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Vụ án này tôi viết tất cả 13 kỳ báo. Hồi đó, Báo CATP Đà Nẵng chỉ phát hành 3 kỳ/tuần nên thời gian đăng tải phải hơn một tháng. Có lúc tôi ngồi nhâm nhi trong quán cà-phê nghe bạn đọc ngồi sát bên mình thắc mắc: "Không biết bọn giết người dã man cướp taxi này ở đâu mà xem hoài cũng chưa rõ tụi hắn là ai".
Điều đó chứng tỏ người đọc báo rất quan tâm đến vụ án nhưng đối với chuyên án này, công tác điều tra cực kỳ công phu, gian khổ nên phải viết nhiều kỳ mới lột tả hết sự áp lực, nỗi vất vả, nhọc nhằn của lực lượng CSĐT CATP, bởi trong đấu tranh với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm không có chiến công xuất sắc nào được đánh đổi bằng giá rẻ. Đúng ra, viết đến kỳ 12 là hết nhưng anh Lê Minh Hùng, Tổng Biên tập hỏi: " Có còn được kỳ nào nữa không?". "Thưa anh, hết rồi"-tôi báo cáo. "Ráng thêm kỳ nữa đi"-anh bảo. Thế là tôi phải sửa lại kỳ thứ 12 đôi chút và kết thúc loạt bài bằng kỳ cuối cùng.
Thái Mỹ