Báo Công An Đà Nẵng

Lan tỏa hành động đẹp trong công chức

Thứ ba, 23/04/2019 11:00

Lan tỏa cái đẹp trong công chức để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, đó là mục tiêu lớn nhất mà giải thưởng Nụ cười công chức nhắm tới qua 5 lần tổ chức. Để hiểu rõ hơn về giải thưởng "đặc trưng" của Đà Nẵng này trước thềm lễ trao giải lần thứ 5, PV đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, đơn vị tổ chức giải thưởng Nụ cười công chức.

P.V: Thưa ông vì sao lại có giải thưởng Nụ cười công chức?

Ông Hà Đức Hùng.

Ông Hà Đức Hùng: Năm 2014 Đà Nẵng chọn chủ đề "Năm Doanh nghiệp", qua đó đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN). Nhờ các giải pháp hỗ trợ vốn vay từ quỹ đầu tư của TP, hỗ trợ lãi suất, gỡ vướng về thủ tục, mặt bằng sản xuất... mà nhiều DN đã thoát khỏi khủng hoảng, vượt lên phát triển ổn định. Hội DNT Đà Nẵng nhận thấy sự quan tâm của TP thời điểm đó đã tác động tích cực đến cộng đồng DN, vì thế đã tổ chức bình chọn, trao giải thưởng Nụ cười công chức lần thứ nhất. Giải thưởng nhắm đến việc khuyến khích thay đổi thái độ, cách ứng xử của đội ngũ công chức với DN để môi trường kinh doanh được cải thiện tốt hơn.

Thưa ông, khi Nụ cười công chức ra đời có được các công sở ủng hộ không? Mô hình này đã được triển khai ở địa phương nào chưa?

Thực ra Đà Nẵng là địa phương đầu tiên có giải thưởng Nụ cười công chức. Sau đó khi được đánh giá cao, nhiều địa phương khác đã xin tiếp thu để áp dụng mô hình này. Đà Nẵng cũng đã sẵn sàng chia sẻ. Tuy nhiên, cho đến nay thì không địa phương nào làm được. Có thể do chính quyền địa phương ở đó không mặn mà hoặc Hội DNT ở đó có gì quan ngại. Vì thế đến nay Đà Nẵng vẫn là địa phương duy nhất có giải thưởng Nụ cười công chức, gần như mang tính "đặc trưng". Lúc đầu khi triển khai Nụ cười công chức cũng có những khó khăn nhất định. Cũng có những lãnh đạo Sở gọi điện đến Hội nêu ý kiến cá nhân tại sao chọn người này mà không chọn người kia. Chúng tôi nói mình có kênh đánh giá riêng, chọn theo tiêu chí riêng, không bị áp lực bởi điều gì. Là giải thưởng của đội ngũ công chức, nhưng để các công sở, đội ngũ công chức hưởng ứng nhiệt tình, có trách nhiệm không phải đơn giản.

Vậy qua 5 lần tổ chức, ý nghĩa lớn nhất mà giải thưởng mang lại là gì thưa ông?

Qua 5 năm tổ chức, cái được lớn nhất của giải thưởng là sự đồng hành của chính quyền, đội ngũ công chức. Khi họ cảm nhận được uy tín từ giải thưởng, niềm vinh dự được trao giải, họ sẽ nỗ lực trong công việc để có hiệu quả tốt hơn, thái độ phục vụ thân thiện hơn. Tức là những hành động đẹp trong công chức đã được lan tỏa, những điều chưa tốt sẽ mất dần. Chẳng hạn theo đánh giá của DN, đội ngũ cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đã thay đổi rất nhiều, cung cách làm việc thân thiện, cởi mở, chuyên nghiệp hơn. Mặt khác nhiều công sở cũng đưa ra cam kết tốt hơn, như trong lĩnh vực môi trường, trước 1 hồ sơ đánh giá tác động mất 50 ngày nay cải cách, rút ngắn còn 30 ngày. Chúng tôi có cảm nhận, sau giải thưởng như có sợi dây kết nối tốt hơn giữa công chức và DN. Tất nhiên việc thay đổi thủ tục hành chính có tác động nhiều kênh, trong đó có kênh Nụ cười công chức.

Lễ trao giải Nụ cười công chức lần thứ 4.

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng 2018 tụt xuống thứ 5 điều này có mâu thuẫn gì với chất lượng của giải thưởng Nụ cười công chức 2018 không thưa ông?

PCI với Nụ cười công chức có sự tác động. Còn nhớ những năm Đà Nẵng đứng đầu PCI, Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói rằng, một trong những cách làm hay của Đà Nẵng là có những giải thưởng như Nụ cười công chức để cho hệ thống công quyền hỗ trợ tốt hơn cộng đồng DN, nhất là về mặt thái độ phục vụ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục... Năm nay PCI Đà Nẵng tụt hạng có nhiều yếu tố tác động và không đồng nghĩa với việc cải cách thủ tục hành chính hay thái độ phục vụ DN của cơ quan công quyền ở Đà Nẵng giảm sút. Thực ra PCI chỉ là một thước đo, Nụ cười công chức cũng vậy. Thước đo PCI vẫn nghiêng về những nhà đầu tư mới. Các tỉnh như Quảng Ninh, Quảng Nam... mới tăng hạng PCI do họ tìm mọi cách để thu hút nhà đầu tư mới. Còn Đà Nẵng không có quỹ đất nhiều, lại kén chọn đầu tư, những dự án không phù hợp thì từ chối. Chính cái từ chối đó làm cho các chỉ số tiếp cận đầu tư, đất đai, năng động của chính quyền... bị thấp điểm, kéo PCI tụt hạng.

Thưa ông, trong lần thứ 5 trao giải Nụ cười công chức có những gì đặc biệt không?

Qua 5 lần tổ chức thì giải thưởng đã hoàn thiện về thể lệ, quy trình bình chọn, từng bước tạo uy tín, tiếng vang trong xã hội. Trong lần thứ 5 này, ngoài trao giải, chúng tôi còn tổ chức tọa đàm với sự tham dự của Trung ương Hội DNT Việt Nam. Chủ tịch Hội DNT Việt Nam sẽ lắng nghe mô hình Nụ cười công chức để có thể lan tỏa ra các tỉnh thành cả nước, qua đó tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các địa phương. Ngoài ra chúng tôi có mời chuyên gia Phạm Chi Lan nói về vai trò của kinh tế tư nhân trong bối cảnh hiện nay.

Ông vừa nói về việc hoàn thiện thể lệ, quy trình bình chọn, vậy tiêu chí cơ bản để chọn trao giải Nụ cười công chức có phải là luôn vui vẻ, thân thiện?

Tiêu chí đánh giá không hẳn là thái độ vui vẻ, nhiệt tình, cơ bản là hiệu suất công việc, có các sáng kiến trong công việc để rút ngắn thủ tục hành chính, làm môi trường kinh doanh tốt hơn. Ngoài ra còn có các sáng kiến cho các đơn vị công tác của mình để hỗ trợ tốt hơn cho các đồng nghiệp xung quanh, có sự lan tỏa hành động đẹp với người khác. Quy trình để bình chọn cũng khắt khe, đầu tiên từ giới thiệu của các hiệp hội, đơn vị rồi lựa chọn vào vòng chung kết. Từ đây sẽ có một hội đồng làm việc độc lập, sau khi đã lựa chọn phải thẩm định về tư cách đạo đức, mối quan hệ với đồng nghiệp, có vi phạm kỷ luật hay không... trước khi công bố.

HẢI QUỲNH (Thực hiện)