Lan tỏa lối sống xanh
“Mỗi một hành động của chúng ta, dù nhỏ thôi, như việc nhặt vài ba chai nhựa vứt bừa bãi mỗi ngày cũng là một việc làm vô cùng tử tế với môi trường. Môi trường có xanh, có sạch và có đẹp, thì cuộc sống của chúng ta mới càng thêm ý nghĩa, anh Đoàn Vương Phú Lộc (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã nói về lý do đạp xe hơn 50 cây số mỗi ngày, vừa tập thể dục, vừa nhặt rác gây quỹ từ thiện giúp đỡ người nghèo như vậy.
Số rác nhặt được anh Lộc mang tặng cho câu lạc bộ Tình thương An Lạc bán gây quỹ hỗ trợ người nghèo. |
Hơn một năm qua, hình ảnh anh Lộc một mình một xe, mang theo bao tời xuất phát từ Hòa Khánh hướng về phía bán đảo Sơn Trà để nhặt rác, lan tỏa lối sống xanh đã dần trở nên quen thuộc với người dân thành phố biển. Mặc kệ mồ hôi nhễ nhại, quần áo lấm lem vì chui rúc vào các bụi nhặt rác, anh Lộc vẫn cần mẫn làm sạch cho “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng. “Việc nhặt rác chẳng hề khó khăn gì, vừa tập thể dục nâng cao sức khỏe, lại vừa chung tay bảo vệ được môi trường sống của chúng ta thì ngại gì mà không làm. Chỉ cần mọi người đều ý thức được việc này, không xả rác bừa bãi thì bán đảo Sơn Trà sẽ trở thành nơi đáng đến nhất đối với du khách mỗi khi đặt chân đến Đà Nẵng”, anh Lộc cho hay.
Theo anh Lộc, cách đây hơn một năm, anh bắt đầu đạp xe từ nhà dọc tuyến biển Nguyễn Tất Thành lên bán đảo Sơn Trà. Thời điểm đó, cứ đi đến đâu thấy rác thải, chủ yếu là vỏ chai nhựa là anh dừng lại nhặt đến đó. Dần dà, thành thói quen, lượng rác thải nhiều lên và anh có thêm “bạn đồng hành” là chiếc bao tời. “Cứ nhặt khi nào đầy bao thì tôi chở xuống bãi tập kết. Đến khi nào số lượng nhiều thì tôi tặng cho câu lạc bộ từ thiện để nhờ họ bán gây quỹ ủng hộ người nghèo”, anh Lộc tiết lộ.
Tại bán đảo Sơn Trà, những năm qua, vì số lượng du khách đến tham quan, du lịch ngày càng đông nên đã xuất hiện những trường hợp vô ý thức xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Biết được địa điểm những du khách này dừng lại chụp hình, ngắm cảnh, rồi tiện tay xả rác nên anh Lộc thường hay đến đó để “dọn dẹp”. “Tôi làm việc này cũng mong mọi người nhìn vào đó để ý thức hơn với mỗi hành động của mình. Môi trường là của chung, nếu đã không biết bảo vệ thì cũng đừng nên xâm hại nó”, anh Lộc nói.
“Chiến lợi phẩm” của anh Lộc sau mỗi buổi sáng đạp xe tập thể dục là bao rác thải nhựa đầy ắp. |
Anh Trần Quang, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng, thường xuyên đạp xe lên bán đảo Sơn Trà tập thể dục mỗi sáng cho hay: “Tôi thật sự khâm phục việc làm của anh Lộc. Chính anh ấy cũng đã “đánh thức” ý thức hành động vì môi trường trong tôi. Lâu nay, mỗi chuyến lên bán đảo Sơn Trà, tôi cũng đều cố gắng nhặt các vỏ chai nhựa bị vứt bừa bãi dọc đường. Thực sự, khi nhìn thấy anh Lộc cõng trên lưng bao tời rác thải nhựa lớn chở xuống núi, ai nấy cũng đều rất xúc động. Nếu người trẻ nào cũng có tinh thần như anh Lộc thì quả thật đáng mừng”.
Ngoài việc nhặt rác mỗi buổi sáng, anh Lộc còn là thành viên của nhóm “Biệt đội Sơn Trà”, thường xuyên tổ chức các hoạt động đạp xe lên bán đảo Sơn Trà nhặt rác, lan tỏa thông điệp, ý thức sống xanh. Riêng về số rác thải là “chiến lợi phẩm” của anh Lộc, anh mang tặng tất cả cho câu lạc bộ Tình thương An Lạc bán gây quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Theo đại diện câu lạc bộ Tình thương An Lạc, số lượng rác thải nhựa anh Lộc tặng cho câu lạc bộ tháng sau luôn nhiều hơn tháng trước. Trung bình mỗi tháng câu lạc bộ bán được gần 500 nghìn đồng. Số tiền này cũng đã tiếp sức cho nhiều hoàn cảnh khác nhau từ việc hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học, bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, tặng các suất ăn miễn phí cho lao động nghèo…
Thành Danh