Báo Công An Đà Nẵng

Lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh “Tôi làm Công an xã” đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông

Thứ sáu, 11/11/2022 12:05
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điểu K’ré đánh giá cao cách làm mới, sáng tạo của Công an tỉnh Đắk Nông trong việc triển khai mô hình dân vận khéo cấp tỉnh

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an về xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và căn cứ kết quả bước đầu sau gần 1 năm thực hiện Kế hoạch tăng cường cán bô, chiến sĩ (CBCS) các đơn vị cấp phòng thực hiện nhiệm vụ tại Công an xã gọi tắt Kế hoạch “Tôi làm Công an xã” và chương trình tuyên truyền, phát động điểm phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với công tác dân vận, xã hội tình nghĩa tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, trên cơ sở tham mưu của các đơn vị chức năng, ngày 22/12/2021 Công an tỉnh Đắk Nông đã tổ chức lễ ra mắt Mô hình dân vận khéo “Tôi làm công an xã” với 3 mục tiêu: tổ chức cho toàn thể CBCS Công an tỉnh bám cơ sở - vì Nhân dân phục vụ, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, xây dựng và củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Tăng cường, bổ sung lực lượng cho Công an xã, nâng cao hiệu quả chất lượng công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; trực tiếp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với Công an xã… Tổ chức rèn luyện, nâng cao đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến, xây dựng tác phong làm việc chính quy…Tổng số CBCS tham gia mô hình là hơn 2.000 người. Thời gian thực hiện mô hình từ năm 2021 – 2023. Sau đó tiến hành tổng kết, đề xuất kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo.

Đại tá Bùi Quang Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đ ảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu giao nhiệm vụ tại lễ ra mắt mô hình dân vận khéo cấp tỉnh

Thực hiện Mô hình dân vận khéo cấp tỉnh “Tôi làm Công an xã”, từ ngày 01/7/2022 đến ngày 30/9/2022, Công an tỉnh Đắk Nông đã tổ chức triển khai thực hiện đợt 1 năm 2022 với việc tăng cường 60 CBCS thuộc Công an tỉnh và Công an huyện về công tác tại 16 xã trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong thời gian 3 tháng. Nhiệm vụ chính của cán bộ, chiến sĩ được tăng cường là hỗ trợ lực lượng Công an xã thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06); tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống tội phạm (nhất là tội phạm buôn bán người, lừa đảo qua Campuchia với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, lừa đảo trên không gian mạng, tội phạm trộm cắp tài sản....), phòng, chống ma túy, Luật giao thông đường bộ, Luật nghĩa vụ Quân sự....; hỗ trợ lực lượng Công an xã bảo đảm an ninh, trật tự và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và làm tốt công tác dân vận, an sinh xã hội ở cơ sở...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ bởi địa bàn, lĩnh vực công tác mới nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo, động viên của lãnh đạo Công an tỉnh, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương mà tất cả các đồng chí được tăng cường thực hiện mô hình luôn sát cánh cùng lực lượng Công an xã bám địa bàn, gần gũi với Nhân dân. Qua đó đã tích cực hỗ trợ lực lượng Công an xã trong công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm ANTT; tham gia tiếp nhận và hướng dẫn công dân đến liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính; tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả việc cấp căn cước công dân và cấp tài khoản định danh điện tử cũng như làm sạch dữ liệu dân cư theo các nội dung của Đề án 06 của Chính phủ; hỗ trợ tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội pham.... Nhiều đồng chí đã trực tiếp hoặc hỗ trợ lực lượng Công an xã trong đấu tranh bắt, xử lý các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc, trộm cắp, gọi hỏi, răn đe, giáo dục những đối tượng nổi trên địa bàn; tham gia công tác dân vận, tiếp xúc, gặp gỡ người dân để nắm bắt tình hình ANTT và tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác, chủ động, chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương cho Nhân dân. Đồng thời hỗ trợ lực lượng Công an xã làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân...

CBCS tăng cường phối hợp lực lượng Công an xã tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT ở cơ sở

“Chúng tôi đánh giá rất cao cách làm mới của Công an tỉnh Đắk Nông trong việc triển khai Mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh “Tôi làm Công an xã” đã góp phần hỗ trợ lực lượng Công an cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 04 CBCS được tăng cường rất nhiệt tình, hăng say với công việc, luôn sâu sát cơ sở và gẫn gũi với Nhân dân cũng như tích cực hỗ trợ, hướng dẫn lực lượng Công an xã về các mặt công tác chuyên môn. Chúng tôi mong muốn Công an tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả cách làm này để góp phần nâng cao hiệu quả vai trò, chất lượng Công an xã và bảo đảm ANTT tại cơ sở”. Ông Trần Thế Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút chia sẻ.

Đơn cử tại Công an xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa có 04 đồng chí thuộc các Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh được tăng cường về thực hiện nhiệm vụ theo chương trình của mô hình. Qua 03 tháng thực hiện nhiệm vụ, 4 đồng chí được tăng cường đã phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an xã rà soát, phân tích và phân loại 1.500 trường hợp chưa làm căn cước công dân; vận động trên 500 trường hợp công dân đến làm thủ tục cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử; hướng dẫn cách thức sắp xếp 4.000 hồ sơ cư trú tại tàng thư của Công an thành phố; phối hợp với cán bộ Tư pháp xã trực tiếp vận động, giúp đỡ 45 trường hợp thiếu thông tin về ngày, tháng sinh, 110 trường hợp sai mã số định danh cá nhân để hoàn tất thủ tục, điều kiện làm căn cước công dân; rà soát 78 trường hợp chết chưa xóa khẩu phục vụ làm sạch Dữ liệu dân cư.

Hướng dẫn Công an xã tổ chức 22 buổi tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, 06 buổi ra quân chấn chỉnh hành lang, lề đường tuyến Quốc lộ 28 đi qua địa bàn xã, qua đó đã tham mưu cho UBND xã phương hướng khắc phục 02 điểm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông; phối hợp ngăn chặn, giải quyết kịp thời 05 vụ đánh nhau do sử dụng rượu, bia. Phối hợp kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ vật liệu và trực tiếp làm mới 01 sân với diện tích trên 30m2 cho 01 hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Phối hợp với lực lượng Công an xã tổ chức thành công Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Diễn đàn Công an xã lắng nghe ý kiến Nhân dân với hơn 300 lượt người tham dự, qua đó đã lồng ghép vận động người dân giao nộp 01 súng kíp, 10 súng cồn tự chế; tham gia 20 buổi họp thôn, bon để nắm tình hình và tuyên truyền kiến thức pháp luật cho Nhân dân....

CBCS tăng cường tham gia phối hợp lực lượng Công an xã làm tốt công tác dân vận và an sinh xã hội

Ông Trần Đình Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa cho biết “Cấp ủy, chính quyền địa phương rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Mô hình dân vận khéo cấp tỉnh “Tôi làm Công an xã” của Công an tỉnh nhằm chia sẽ, hỗ trợ địa phương trong công tác bảo đảm ANTT cũng như làm tốt công tác dân vận, an sinh xã hội, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về người Công an Đắk Nông tận tụy, thân thiện, vì Nhân dân phục vụ. Chúng tôi đánh giá cao các đồng chí Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ tại Công an xã Đắk Nia trong đợt này đã rất chịu khó, nhiệt tình trong các mặt công tác; hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn cho lực lượng Công an xã, qua đó tạo sự gắn kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp làm việc trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT giữa CBCS Công an tỉnh với Công an xã. Đồng thời CBCS được tăng cường còn tiếp thu nâng cao nhận thức về công tác dân vận, tiếp xúc, gặp gỡ với Nhân dân để nắm tình hình, tham mưu, triển khai các biện pháp bảo đảm ANTT ở cơ sở. Nhiều đồng chí đã chủ động liên hệ, tiếp xúc và “tương tác” với Nhân dân, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với Nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Công an Đắk Nông tận tụy, thân thiện, vì Nhân dân phục vụ.... Ghi nhận những đóng góp đó, chúng tôi đã quyết định tặng 4 giấy khen cho 4 đồng chí được tăng cường thực hiện, nhiệm vụ tại Công an xã Đắk Nia”.

Cấp ủy, chính quyền địa phương khen thưởng các đồng chí có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình đợt 1 năm 2022

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, tiếp nối thành công của đợt 1 năm 2022 và để hỗ trợ lực lượng Công an cơ sở thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022, ngày 1 tháng 11 năm 2022, Công an tỉnh Đắk Nông đã tổ chức triển khai thực hiện đợt 2 năm 2022 với việc tăng cường 75 CBCS thuộc Công an tỉnh và Công an cấp huyện về công tác tại 16 xã trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong thời gian 3 tháng với nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng Công an xã triển khai công tác bảo đảm ANTT, phòng, chống tội phạm mùa thu hoạch nông sản; triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023; thực hiện cao điểm 90 ngày, đêm triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai Luật quy định của Luật cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ; hỗ trợ người dân thu hoạch mùa màng...

Công an các huyện, thành phố triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về thực hiện mô hình đợt 2 năm 2022 tại Công an các xã

Cũng theo Thượng tá Phạm Thanh Bình, việc ban hành và tổ chức thực hiện “Kế hoạch “Tôi làm Công an xã” (trước đây) và Mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh “Tôi làm Công an xã” (hiện nay) thể hiện sự chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cụ thể hóa chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công về xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và phương châm Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh “Đoàn kết, đổi mới, bám cơ sở - Vì Nhân dân phục vụ”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các phòng thuộc Công an tỉnh với Công an các huyện, thành phố mà trực tiếp là Công an xã trong công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở và công tác dân vận của lực lượng Công an; nâng cao nhận thức cho CBCS cấp phòng và Công an cấp huyện về bám cơ sở, trực tiếp tham gia thực tế công tác tại cơ sở, kỹ năng công tác dân vận, khơi dậy tính năng động, sáng tạo của CBCS ; nhận thức đầy đủ hơn và kịp thời chia sẻ những khó khăn, phức tạp của lực lượng Công an xã. Việc bố trí giao nhiệm vụ cho CBCS tăng cường phù hợp với chuyên môn và địa bàn sẽ phát huy được hiệu quả thực hiện kế hoạch. Việc làm này của lực lượng Công an Đắk Nông luôn nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao, hưởng ứng tích cực của lãnh đạo, CBCS Công an các đơn vị, địa phương và tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt qua các đợt thực hiện đã có rất nhiều CBCS tự nguyện đăng ký xung phong tham gia thực hiện nhiệm vụ tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đặc biệt khó khăn...”.

Phối hợp tuyên truyền phòng chống tội phạm và hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông Hà Thị Hạnh, Mô hình “Tôi làm Công an xã” của Công an tỉnh là Mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh đầu tiên ở Đắk Nông được xây dựng với quy mô, phạm vi rộng, đối tượng tham gia lớn và có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT, công tác dân vận của lực lượng Công an ở cơ sở và xây dựng hình ảnh người CBCS Công an nhân dân thân thiện – Vì Nhân dân phục vụ. Mô hình được triển khai rất bài bản từ việc rà soát, đánh giá lựa chọn mô hình đến việc ban hành nghị quyết, các quyết định thành lập Mô hình, thành lập Ban Chỉ đạo, quy chế hoạt động ... được Công an tỉnh triển khai xây dựng rất tỉ mĩ, chi tiết với lộ trình và thời gian thực hiện rất cụ thể. Chúng tôi đánh giá cao cách làm và việc xây dựng mô hình của Công an tỉnh”.

Hồng Long