Lan tỏa nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác dân vận
+ P.V: Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của hội thi lần này?
-+ Ông Lê Văn Trung: Lần đầu Đà Nẵng tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, sinh động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Qua hội thi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận; cổ vũ, khuyến khích, động viên, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”. Hội thi còn là dịp để đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận giao lưu học hỏi, trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác dân vận, kỹ năng xử lý các tình huống dân vận ở cơ sở. Cũng qua hội thi nhằm phát hiện, nhân rộng, tôn vinh, lan tỏa những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn TP; biểu dương, khen thưởng động viên các địa phương, đơn vị có những cách làm hay, ý nghĩa, thiết thực về công tác dân vận.
+ P.V: Lần đầu tổ chức hội thi, xin ông cho biết BTC đã chuẩn bị như thế nào?
+ Ông Lê Văn Trung: Ngay từ tháng 5-2023, BTC đã xây dựng kế hoạch, phát động, triển khai chủ trương đến Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội TP, các Quận ủy, Huyện ủy, các đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Ban Dân vận Thành ủy đã chủ trì phối hợp các ngành liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết nội dung hội thi; công tác tuyên truyền, công tác tổ chức, hậu cần... phục vụ hội thi. Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị đã tổ chức hội thi “Dân vận khéo” cấp cơ sở để lựa chọn, tìm ra những nội dung, tác phẩm xuất sắc về các phong trào dân vận bồi dưỡng tham gia hội thi “Dân vận khéo” thành phố.
Kết quả, hội thi đã quy tụ 19 đơn vị với hơn 500 diễn viên là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP gồm: các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, H.Hòa Vang, Sở Lao động - Thương binh& Xã hội, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, Hội Cựu chiến binh TP, Thành Đoàn, Liên đoàn Lao động, Công an TP, Bộ Chỉ huy Quân sự TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP và Đảng ủy Khối các cơ quan TP.
+ P.V: Ông có thể chia sẻ đôi nét về đặc trưng công tác dân vận của Đà Nẵng trong những năm vừa qua?
+ Ông Lê Văn Trung: Có thể nói, Đà Nẵng đến thời điểm này là địa phương triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là trong lĩnh vực đền bù giải tỏa để quy hoạch mở rộng thành phố. Chính nhờ công tác dân vận tốt nên hầu hết mọi người dân khi đụng đến việc di dời, giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai thi công đều chấp hành tốt, góp phần xây dựng Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại. Đặc trưng đáng quý nhất trong công tác dân vận Đà Nẵng là lòng dân đồng thuận, nên mọi việc đều được giải quyết thỏa đáng, trôi chảy.
Thời gian tới, được sự chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy, Ban Dân vận xây dựng đề án về công tác dân vận. Đây sẽ là kế hoạch triển khai dài hơi trong những năm đến, làm cơ sở cho các đơn vị trong cả hệ thống chính trị căn cứ thực hiện.
+ P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Đinh Nga (thực hiện)