Báo Công An Đà Nẵng

Làng biển chống bão

Thứ bảy, 04/10/2014 09:45

(Cadn.com.vn) - Mỗi mùa mưa bão về, người dân sống ven biển miền Trung lại nơm nớp lo âu. Mỗi năm hứng chịu hàng chục cơn bão lớn nhỏ đổ bộ vào đất liền, người dân nơi đây đã luyện cho mình sự dẻo dai, tinh thần thép để biết tự bảo vệ mình và người thân. Công tác phòng, chống thiên tai giờ đây không chỉ là việc của các cấp các ngành nữa mà mỗi người dân cũng đã biết chủ động bảo vệ tài sản, tính mạng. Nhiều sáng kiến “chống bão” đã được chính người dân sáng tạo nên.

Xã Điện Dương (H. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là một trong những xã ven biển chịu nhiều thiệt hại trong cơn bão số 11 (Nari) năm 2013. Theo thống kê, sau bão toàn xã có 8 ngôi nhà sập hoàn toàn, 83 ngôi nhà tốc mái hoàn toàn, hơn 1.000 ngôi nhà tốc mái 50%, 3 trường học bị hư hại, hàng chục trụ sở, công trình văn hóa bị thiệt hại. Ông Nguyễn Ngọc Duyên, Phó chủ tịch UBND Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã cho biết: “Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu mùa bão xã đã có nhiều phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại nhưng vì xã nằm ven biển nên sức tàn phá mạnh hơn rất nhiều. Cứ đến mùa bão là công tác tuyên truyền, củng cố nơi ở cho người dân đặt lên hàng đầu. Hiện nay trên địa bàn xã có nhiều hộ dân đã tự bỏ tiền của ra xây dựng nhà tránh bão. Những ngôi nhà này hầu hết được xây nổi trên mặt đất với tường dày và bê-tông kiên cố”.

Ông Toại và căn nhà có chức năng trú bão gần 100 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi “khảo sát” một vài “lô cốt” tránh bão của người dân, ông Duyên ví von: “Thời bình mà cũng có hầm, lô cốt như thời chiến. Nhưng giờ đây đã hiện đại hơn rất nhiều rồi. Có nơi trú tránh người dân cũng cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều”.  Điểm đến đầu tiên chúng tôi dừng chân là gia đình ông Trần Văn Cây. Ông Cây và vợ là bà Nguyễn Thị Thúy đều là cán bộ hưu trí, hiện nay sống nhờ vào lương hưu nên cũng không thể đủ khả năng xây dựng nhà mới. Ông Cây phân trần: “Đó, cái nhà cấp 4 cũ ri đây ai mà dám ở. Vợ chồng tôi cũng già rồi đâu thể leo lên mái mà lợp lại được. Suy tính mãi chúng tôi quyết định bỏ ra 30 triệu đồng để xây cái nhà tránh bão ni. Không biết gọi tên nó là cái chi nhưng khiến vợ chồng tôi an tâm hơn”.

Căn “hầm” của ông Cây rộng chừng 10 mét vuông được đổ mái bằng xây độc lập ngoài mảnh vườn. Ông Cây cho biết, nơi này vừa làm chỗ nghỉ ngơi mùa hè vừa để tránh bão. Căn phòng kê đủ một cái giường ngủ và sẵn sàng gạo, mỳ tôm kê gọn trong một góc phòng. “Xây nhà mới thì không đủ tiền, thôi thì xây tạm cái ni đây có cái mà chui ra chui vô, cũng chẳng cần đẹp đẽ chi với ai”, ông Cây chia sẻ.

Ở xã Điện Dương hầm tránh bão “hoành tráng” nhất phải nói đến căn hầm 100 triệu đồng của gia đình ông Lê Toại.Gọi là hầm tránh bão nhưng thực chất nhìn nó không khác gì một ngôi nhà có chức năng tránh bão. Tường dày đến tận 20 mét, có cửa sổ vừa một người chui lọt phòng khi cây bị ngã đổ đè lên. Căn “hầm” có sức chứa khoảng 15 người với diện tích 15 m2. Sở dĩ gia đình ông Lê Toại phải tậu căn hầm hoành tráng như vậy là bởi gia đình ông đông người, nhiều thế hệ cùng chung sống trong nhà nên xây luôn một thể. “Ai cũng biểu nhà tui giàu quá hay sao mà xây cái hầm cả trăm triệu. Rứa chứ tính mạng của cả nhà chừng đó tiền có mua được không?”, ông Toại lý giải.

Ông Cây bên trong căn hầm trú bão rộng 10 m2.

Tuy nhiên, tại Điện Dương không phải ai cũng có đủ khả năng để xây những căn hầm kiêm nhà ở tránh bão như gia đình ông Cây, ông Toại. Rất nhiều hộ dân phải tự tìm nơi trú tránh bằng những vật dụng có sẵn. Những gia đình làm nghề đánh cá thường dùng thúng chai, gia cố thêm những bao cát lên trên để ẩn nấp. Một số gia đình khác xây bệ thờ kiên cố để phòng khi rủi ro. Có lẽ chỉ ở những làng chài ven biển miền Trung mới có cách làm độc đáo đến như vậy. Ông Duyên tâm sự: “Dân mình nghèo nhưng quan niệm còn người còn của vì vậy họ đã xây là xây kiên cố. Tuy nhiên điều mà chúng tôi lo lắng nhất vẫn là một số hộ dân nghèo không có tiền xây hầm thì dùng thúng chai kè thêm bao cát. Những căn hầm như vậy rất dễ sập đồng thời nếu lỡ có cây cối ngã đè lên thì không thể thoát ra ngoài được. Chúng tôi cũng đã nhiều lần thông tin đến người dân như vậy. Điều trăn trở lớn nhất của xã là vẫn chưa có công trình nào đủ kiên cố để người dân tìm đến trong mùa mưa bão”.

Xã Điện Dương hiện nay có hơn 30 “hầm” trú bão. Nhìn ông Cây đang dọn dẹp, quét tước căn hầm vỏn vẹn 10 m2, cái dáng khắc khổ của những người đã đến tuổi thất thập cổ lai hi vẫn phải lo chạy bão. Dù vậy, đối với những người dân nơi đây căn hầm này là cả ước mơ, hy vọng. Để rồi mỗi trận bão đi qua họ vẫn còn có nhau để nương tựa, để gầy dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn.

Hà Dung