Báo Công An Đà Nẵng

Làng chiếu Cẩm Nê trước nguy cơ xóa sổ

Thứ năm, 20/02/2014 11:05

(Cadn.com.vn) - Làng Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng nổi tiếng với nghề làm chiếu cói, có truyền thống mấy nghìn năm lưu truyền và phát triển. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, nhất là thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nghề chiếu Cẩm Nê vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, với nhu cầu mưu sinh của cuộc sống hiện đại, làng chiếu Cẩm Nê hiện đang dần thiếu vắng nhiều thợ dệt chiếu và có nguy cơ mai một trong tương lai.

Làng chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa - Thanh Hóa, được truyền vào miền Nam khoảng từ thế kỷ XV. Ban đầu, trong làng chỉ có chừng 7-10 hộ gia đình biết dệt chiếu, sau khi được nhiều lái buôn biết đến mua hàng chở đi bán ở các tỉnh, thành phố thì nghề chiếu bắt đầu phát triển ra cả làng và hầu như trai gái mới lớn đều biết cách dệt chiếu, rồi dần dần trở thành một làng nghề dệt chiếu nổi tiếng ở đất Đà thành.

Theo nhiều cụ già trong làng kể lại, ngày xưa nghề nghiệp mưu sinh chính của cả làng là dệt chiếu rồi bán cho các lái buôn. Chiếu hoa Cẩm Nê từng được sử dụng ở nội triều của các vua chúa nhà Nguyễn; được nhiều thương gia, quan lại ưa thích bởi sự độc đáo về mẫu mã, màu sắc hoa văn, nằm mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Trung bình một ngày cả làng dệt được  50-60 đôi chiếu.

Cẩm Nê dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp có chiếu thước mốt đến thước 6, dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Nguyên liệu chính để làm chiếu là từ cây cói (lác) và cây đay. Những loại cây này chủ yếu được mua ở Hội An, Bình Định, Thanh Hóa. Sợi cói sau khi mua về phải vót nhỏ, giũ cói cho sạch những cây nhỏ và mào bám, mang phơi khô nhiều nắng cho sợi cói (lác) vàng ươm thì mới giữ không bị mốc. Sợi cói sau khi phơi khô được nhuộm thành nhiều màu, sau đó cột thành từng bó màu riêng (vàng, đỏ, xanh, tím..).

Sợi cói được cột dút thẳng rồi đem ra phơi lần nữa cho khô. Đay mua về cũng vót thành từng sợi nhỏ, sau đó chắp lại sao cho chắc không bị bung ra  thì khi dệt chiếu mới chắc, dày khít. Khung dệt được đóng bằng gỗ đòi hỏi phải thẳng chắc. Qua nhiều năm, những người thợ dệt đã có nhiều thay đổi tân tiến, công phu và tỉ mỉ hơn để mang lại những chiếc chiếu đẹp và bền phục vụ nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, trong làng hiện chỉ còn 3 hộ gia đình làm chiếu, mà chủ yếu là những ông bà già, còn đa số trai gái thanh niên, phụ nữ đều đi làm xa hay đi làm công nhân, làm công sở.

Nhiều năm trở lại đây, thị trường sản xuất ra nhiều loại chiếu ni-lông giá cả rẻ, bán nhiều ở các chợ dẫn tới việc khách đến đặt dệt chiếu dần ít đi, giá nguyên liệu làm chiếu cũng tăng hơn lúc trước, vì vậy mà nhiều gia đình không đủ vốn để duy trì sản xuất nên hầu như người dân trong làng chuyển qua nghề khác.

Bà Đào buồn bã khi làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Theo tính toán, trước kia giá nguyên liệu mua rẻ hơn, một kg cói khoảng chừng 1.500 đồng giờ đã lên 2.300 đồng, cây đay có giá 40.000 đồng/kg, tiền thuê vót thêm 40.000 đồng. Bà Phan Thị Đào (76 tuổi) một trong 3 hộ gia đình còn làm chiếu bùi ngùi chia sẻ: "Vì không có khách đặt chiếu cũng như tiền công ít nên bây giờ người dân trong làng hầu như bỏ nghề, đi làm công nhân. Các con, cháu của tôi cũng không đứa nào nối nghiệp gia đình, buồn lắm!".

Cũng theo bà Đào, hằng năm, cứ khoảng ngày 6 tháng Giêng là đã bắt đầu giũ cói và có khách tới đặt dệt chiếu, nhưng năm nay đến giờ vẫn im ắng. Được biết, gia đình bà Đào có truyền thống 7 đời làm chiếu, nhưng hiện các con của bà không đi theo nghề. Vì muốn lưu giữ truyền thống của gia đình, bà Đào vẫn quyết định vay vốn ngân hàng để mua nguyên liệu, nhưng do ít khách đặt mua, giá nguyên liệu tăng nên gia đình bà buộc phải bán 2 mảnh vườn để có tiền trả ngân hàng và trang trải sinh hoạt.

Bà Đào cho biết: "Làm chiếu giờ chỉ có lấy công làm lãi, bữa nào có khách đặt hàng bà thuê người về dệt, một đôi chiếu bán ra với giá 400.000 đồng, trừ tiền nguyên liệu thì bà chỉ đủ trả công cho người dệt là 80.000 đồng".

Trong xã hội hiện đại thì với số tiền công đó thật sự quá ít để trang trải cho cuộc sống gia đình, vì vậy mà nhiều thợ dệt trong làng đã phải bỏ nghề. Nếu như, tình trạng này kéo dài thì làng chiếu Cẩm Nê khó có thể duy trì và đứng vững trên thị trường. Vì thế, thiết nghĩ chính quyền địa phương nên có các biện pháp để giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, tạo nguồn vốn để người dân duy trì và giữ gìn được làng nghề truyền thống của quê hương.

K.L