Báo Công An Đà Nẵng

Làng giữa đại ngàn Trường Sơn (2)

Thứ ba, 31/03/2015 10:04

* Bài 2: Tâm tình của thầy giáo cắm bản

(Cadn.com.vn) - Đoàn công tác UBND H. Tây Giang vừa tập kết tại nhà Gươl giữa thôn, đang loay hoay bàn tính việc ổn định  ăn uống sinh hoạt, Già làng A Lăng Gieng đã thông báo ngay: “Không phải lo gì hết, làng đủ nuôi 20 cán bộ một tháng...”.  Già mời tất cả ngồi lên dãy chiếu trải sẵn trên nhà Gươl, chưa đầy 30 phút sau, hơn 10 phụ nữ Cơ Tu xuất hiện, trên tay bưng những mâm cơm nếp, cơm tẻ, thịt heo, gà... các loại, thì ra nơi đây vẫn còn phong tục, mỗi khi làng có khách, mỗi gia đình trong thôn tự mang đến một phần cơm để góp làng đãi khách. Hôm nay có khách quý, làng còn chiêu đãi thêm món đặc biệt là canh sắn nấu với cá niên, ốc đá bắt dưới suối, thịt sóc, thịt heo rừng khô và cả thịt bò thui.

Già Gieng cho biết, cả thôn có 22 hộ, 104 nhân khẩu, đời sống hoàn toàn tự cung tự cấp, dân làng chưa biết làm ruộng, chỉ làm rẫy trồng lúa, bắp, sắn, nhưng ở đây đất tốt nên lúa bắp đủ ăn dư dả quanh năm. Nguồn thực phẩm thì cũng vô cùng dồi dào, chỉ cần xách một tay lưới xuống suối độ 30 phút là có cả mấy ký cá các loại, tối lên thăm bẫy, kiểu gì cũng kiếm được con sóc, con chồn,  ra khe núi, sườn đồi là hái được mớ rau rừng xanh non. Đại ngàn còn ưu đãi  dân làng Aur nhiều sản vật nữa, năm nào mỗi gia đình cũng thu về cả tạ ba kích, cả vài chục lít mật ong rừng nguyên chất (mỗi kg ba kích bán với giá 250.000 đồng, mỗi lít mật ong rừng bán với giá hơn 400.000 đồng). Đất ở đây rất hợp với cây gừng, cứ thả xuống rẫy là gừng lên ào ào, củ to, chất lượng rất tốt, mỗi hộ đến vụ cũng thu cả mấy tạ gừng, giá mỗi kg hơn 30.000 đồng. Gia đình nào cũng nuôi được bò, heo, gà, vịt.

Cây cầu gỗ nhỏ bắc qua suối để sang điểm trường tiểu học ở làng Aur.

Tuy sản vật rừng, trồng trọt, chăn nuôi dồi dào như vậy nhưng vất vả lắm mới đưa được xuống dưới xuôi để  bán vì mỗi lần đi phải gùi hàng nặng vượt cả gần chục giờ đi bộ. Cuộc sống không khó khăn, thiếu thốn về cái ăn, cái mặc, nhưng chỉ thương bọn trẻ trong làng không có điều kiện học hành. Người lớn thì hầu như mù chữ, còn bọn trẻ cũng vậy, đứa nào cố gắng lắm mới theo được 2 lớp học trong thôn dạy ghép từ lớp 1 đến lớp 5 với 15 em học sinh, còn hai thầy giáo cắm bản thì được dân góp gạo nuôi cơm. Cả thôn đến nay mới có 4 em học tới lớp 12  ở trường nội trú huyện và TP Hội An...

Học sinh vất vả thế, thầy giáo cũng chẳng kém gì, cứ nghe những vần thơ tự sự của hai thầy giáo cắm bản là hiểu hết nỗi niềm: “Bây giờ xã hội tiến lên/ Du lịch vũ trụ đã nằm tầm tay/ Giáo viên đi dạy nơi này/ Nửa ngày cuốc bộ thật là oái oăm/ Thông tin liên lạc biệt tăm/ Điện thoại sắm để chỉ nằm chơi game...”.  Thầy A Lăng Đoan, đã lên Aur 2 năm, gia đình ở H. Đông Giang, có vợ ở nhà làm nông, 2 con nhỏ thì một cháu 14 tuổi bị dị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc dioxin. Thầy Trần Văn Tiến, quê ở tận Tiên Cảnh,  Tiên Phước, vợ ở quê dạy mầm non, một mình nuôi 2 con nhỏ. Cả hai thầy, hàng tháng đồng lương giáo viên ít ỏi  đều dành gửi về cho vợ nuôi con, còn hàng ngày phải nhờ bà con trong thôn giúp đỡ.

Lớp học lồng ghép 2 trong 1 ở làng Aur.

Ngoài giờ dạy, các thầy cũng đi đánh cá suối, hái rau rừng... để duy trì sự nghiệp nuôi con chữ giữa đại ngàn. Hai lớp học của thôn nằm cách biệt hẳn bên bờ suối, lán ở của hai thầy giáo cũng nằm sát lớp học, mùa nắng thì qua suối bằng một cây gỗ chênh vênh bắc ngang, còn mùa mưa lớp học bị cô lập hoàn toàn. Đường sá xa xôi, hàng tháng hai thầy chỉ về thăm nhà một lần, vậy là phải tranh thủ, động viên các em học sinh học cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Đấy là mùa nắng, chứ mùa mưa đến, đường rừng sạt lở, suối nước dâng cao, có năm hai thầy bám trụ luôn có khi 3 tháng mới về được.

Già làng A Lăng Gieng rót mật mới lấy trong rừng về để bán.

Phóng sự: Hồng Thanh
(còn nữa)