Báo Công An Đà Nẵng

Làng Hrê bên hồ Hòa Trung

Thứ hai, 09/07/2018 13:22

Dưới cái nắng như thiêu đốt một ngày đầu tháng 7, chúng tôi theo chân anh Lê Văn Minh-CA viên xã Hòa Ninh (H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đi kiểm tra tình hình ở khu vực thôn Hòa Trung. Quanh khu vực hồ Hòa Trung, những ngọn đồi lúp xúp dưới chân rặng núi Chúa của khu du lịch Bà Nà, nơi có những vạt rừng keo nguyên liệu đang mùa thu hoạch, nắng như càng dữ dội hơn, bởi những vạt rừng keo đã chặt hạ sát gốc. Tôi để ý ngay dưới chân những quả đồi, sát mép nước hồ Hòa Trung, có hàng chục lều lán, với hàng trăm người già có, trẻ có, phụ nữ, đàn ông và cả trẻ nhỏ... Tôi hỏi anh Minh: "Hình như đang có người dân ở đâu tới lập làng mới...?". Anh Minh lắc đầu: "Không, đấy là người Hrê, từ Quảng Ngãi ra chặt keo thuê, họ đưa cả gia đình, con cái ra tạm trú, khi nào xong việc mới về...". Chúng tôi ghé vào lán trại của đôi vợ chồng trẻ, chị vợ đang loay hoay chất củi nấu cơm, còn anh chồng nằm im lìm trong chiếc võng quấn kín mít. Tha thẩn chơi bên chiếc võng là 2 đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc bụi than và đất... Căn lán tuềnh toàng, trống huếch, chỉ có 2 chiếc võng treo tòong teng, một lớp vỏ cây keo trải dưới đất làm giường, vài bộ quần áo, mùng mền cáu bẩn...

Nhóm dân làng người Hrê, thôn Mò 0, xã Sơn Ba, Sơn Hà, Quảng Ngãi đi khai thác keo thuê ở Hòa Ninh. Ảnh: H.T

Thấy có người lạ tới, anh chồng nhỏm người khỏi võng, tỏ vẻ ngại ngùng, cho biết tên là Phạm Văn Bán, vợ là Phạm Thị Quý, quê ở thôn Nước Ráy, xã Ba Khăm, Ba Tơ, Quảng Ngãi, ra Hòa Ninh chặt keo thuê hơn 10 ngày nay. Tôi hỏi, sao đi làm thuê mà lại đưa con nhỏ đi theo, anh Bán phân trần: "Vợ chồng đi hết, ở nhà không ai chăm sóc, phải đưa chúng nó đi...". "Thế tối ngủ ở lán, không có điện, đèn, lại trống trải thế này, không sợ các cháu đau ốm à...".  Anh Bán ậm ừ: "Biết thế, nhưng không biết làm thế nào... Chỉ có cách đốt lửa cả đêm để xua đuổi rắn rết và bớt muỗi cho các cháu ngủ thôi!". Nhìn vào bếp thấy vợ anh Bán nấu bữa trưa chỉ có mấy con cá khô quắt queo, mớ rau rừng héo... "Sinh hoạt, ăn uống thế này, anh chị với các cháu làm sao đảm bảo sức khỏe để làm việc...?". Anh Bán không trả lời mà nói sang chuyện khác: "Ở quê ruộng rẫy ít, cũng phải đi làm thuê, định làm mấy hôm nữa có tiền cho đứa lớn học lớp 3 về gửi ông bà để đi học thêm, còn đứa nhỏ mới 3 tuổi ở lại với bố mẹ, nhưng hai ngày nay, mình tự nhiên đau bụng đi ngoài suốt, không đi làm được, chừ chưa biết tính sao...!".  Anh Bán cho biết, vợ chồng anh cùng bà con trong xã ra đây chặt keo thuê, nếu làm công mỗi ngày được trả 200 nghìn đồng, đợt này bà con rủ nhau nhận khoán, cứ khai thác mỗi tấn cây keo nguyên liệu được trả 200 nghìn đồng, mỗi ngày vợ chồng cũng chỉ khai thác được hơn 1 tấn keo. Tôi hỏi sao không nhận làm công mà lại nhận khoán, anh Bán giải thích, bà con  trong huyện ở Ba Tơ đi đông quá, người già, trẻ, phụ nữ, đàn ông lẫn lộn, vậy là muốn hỗ trợ lẫn nhau, người khỏe đỡ cho người yếu, buộc phải nhận khoán.

Cạnh bên là lán vợ chồng anh Phạm Văn Định và chị Phạm Thị Dung cùng một đứa con nhỏ hơn 2 tuổi. Quanh những triền đồi, bên mép hồ Hòa Trung này còn cả chục gia ðình người Hrê. Trong những mái lều lán tạm bợ dưới nắng, những đứa trẻ lem luốc, ngồi tha thẩn lục cơm nguội ra ăn, chờ bố mẹ miệt mài, lam lũ phơi lưng trên những triền đồi nắng đổ lửa, mưu sinh vì miếng cơm, manh áo... Cách lán vợ chồng anh Bán không xa, bên một mỏm đồi keo là dãy lán của nhóm anh Đinh Văn Linh, ở thôn Mò O, xã Sơn Ba, H. Sơn Hà. Nhóm anh Linh có 17 người, cũng đủ già, trẻ, đàn ông, phụ nữ, lại có thêm 4 đứa trẻ mới chừng 3-4 tuổi nữa. Anh Linh cho biết, ở quê hết mùa ruộng, rẫy, bà con Hrê rủ nhau đi làm thuê, nghe ở Hòa Ninh, Hòa Vang cần nhân công chặt keo, bà con trong làng rủ nhau lập thành một nhóm, vượt hơn 200km ra Đà Nẵng.

Lán trại của những người Hrê khai thác keo thuê ở Hòa Trung, Hòa Ninh.

Cả nhóm góp 5 triệu đồng mua hai chiếc máy cưa Trung Quốc, ra Hòa Ninh, nhận được việc tại mấy chục héc-ta keo ở Hòa Trung, cả nhóm bắt tay vào khai thác. Hàng ngày, anh Linh và anh Đinh Văn Nay đảm nhận công việc nặng và nguy hiểm nhất là hạ và cắt cây, còn lại những bà con sức khỏe kém hơn thì lột vỏ cây và khuân vác xuống các điểm tập kết. Cứ mỗi tấn keo khai thác nhận khoán, bà con được nhận 210 nghìn đồng, bốc lên mỗi xe tải 20 tấn, được bồi dưỡng thêm 50 nghìn đồng. Anh Linh than phiền, đợt khai thác này, nhóm anh không đạt khối lượng vì nhiều người già, phụ nữ, sức khỏe yếu quá, hơn nữa thời tiết lại quá nắng, nên tốc độ làm việc rất kém. Ra Hòa Ninh đã 15 ngày, nhưng nhóm của anh Linh mới khai thác được 14 tấn keo, tổng thu là 60 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu, ăn uống, thuốc men cho mấy người ốm, sưng tay, sưng chân do bị cây đập vào, tính ra mỗi người mới được hơn 1 triệu đồng... Anh Linh bảo: "Làm thế này thì gay go quá, nhưng biết làm thế nào, đã lỡ rồi, mà về cũng không có việc gì làm...!". 

Anh Nguyễn Hữu Tâm-Trưởng CA xã Hòa Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng khu vực xã Hòa Ninh đã có hàng nghìn người từ nhiều địa phương khác đến khai thác keo thuê. Riêng tại khu vực thôn Hòa Trung, hiện có hơn 100 người là đồng bào Hrê từ Quảng Ngãi ra làm thuê, bà con đưa cả gia đình, con cái ra lập lều trại, ăn ở nhiều ngày tại địa phương. Lực lượng CA xã ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra quản lý nhân khẩu, tạm vắng, tạm trú để đảm bảo ANTT, cũng luôn thăm hỏi, động viên giúp đỡ người lao động. Giá thu mua keo nguyên liệu tại Đà Nẵng năm nay rất hạ so với các địa phương khác nên giá thuê nhân công lao động cũng giảm so với mọi năm.  Chính quyền  địa phương cũng động viên, nhắc nhở các chủ rừng quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn lao động cho người làm thuê, giúp đỡ người lao động khi đau ốm...

 Đồng bào Hrê khai thác keo thuê ở Hòa Trung, Hòa Ninh.

Chiều muộn, rời những cánh rừng keo bên hồ Hòa Trung xanh thẳm ào ạt sóng bởi những làn gió từ phương Nam bắt đầu thổi đến, nơi đây nay mai sẽ là khu nghỉ dưỡng kỳ thú của khu chuyên gia, kỹ sư Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh mãi, bởi những cặp mắt trong veo, hồn nhiên của những đứa trẻ người Hrê... Lại một đêm nữa những đứa trẻ thơ ngây cùng cha mẹ chúng chìm trong giấc ngủ nhọc nhằn, giữa rừng hoang, chỉ có những ánh lửa xua bóng đêm lập lòe...

Phóng sự: Hồng Thanh