Báo Công An Đà Nẵng

Làng “ma” Bút Tưa ngày trở lại

Thứ ba, 16/06/2015 10:52

(Cadn.com.vn) - Làng Bút Tưa (xã Sông Kôn, H.Đông Giang, Quảng Nam) từng “nổi tiếng” được nhiều người biết đến sau cuộc “di dân lịch sử của dân làng vào đầu năm 2014 vì lý do... “ma ám”. Sau gần 2 năm trở lại, mọi thứ ở đây đã thay đổi khá nhiều...

NHỮNG NGÀY  NẶNG NỀ, U ÁM

Trở lại làng Bút Tưa giữa mùa hè, con đường nhựa với hai bên núi cao dốc thẳm dài đến gần cả trăm cây số, chặng đường đến địa phận xã Sông Kôn (H. Đông Giang) dường như dài hơn dưới cái nắng gay gắt, oi ả. Rừng nguyên sinh thuở xưa đã trần trụi, thay vào đó là những rừng keo lai bạt ngàn trồng sít sát vào nhau cùng những nương chè trải dài bát ngát, có cảm tưởng đường lên Đông Giang giờ đây hao hao giống con đường QL32 lên vùng Tân Sơn, Thanh Sơn, Thu Cúc, tỉnh Phú Thọ. Rồi làng Bút Tưa hiện ra với những mái nhà nhỏ thấp thoáng ẩn hiện bên dòng sông Kôn mùa nước cạn. Làng Bút Tưa từng khá “nổi tiếng” với cuộc di dân “lịch sử” bởi câu chuyện ma ám được thêu dệt vào cuối năm 2013. Nói cho chính xác, lúc bấy giờ, người làng Bút Tưa chỉ rời bỏ quả đồi mà họ cảm thấy ở không “yên” để xuống khu vực mép bờ sông Kôn cách đó mấy trăm mét để tái định cư, nơi có đất đai bằng phẳng để sinh sống và làm ăn tốt hơn...

Tại quán nước gần trụ sở UBND xã Sông Kôn, khi hỏi thăm về tình hình bà con Bút Tưa, một người đàn ông trung niên nhìn chúng tôi ái ngại: “Năm trước báo đài rình rang lên đưa tin, phỏng vấn... làm ầm cả lên, rồi thì có bài báo vẽ ra đủ thứ chuyện huyễn hoặc khiến người dân ở đây mang tiếng quá, giờ gặp báo chí hay người lạ vào làng chả có mấy thân thiện. Chỉ là việc làng di chuyển từ đồi này đi sang đồi khác chứ có gì đâu! Với tập quán du canh du cư, việc đó cũng đâu có gì quá xa lạ”. Thấy 2 người lạ máy móc lỉnh kỉnh đi vào làng, từ trong những ngôi nhà nhỏ nằm khuất dưới những tán cây mít, không ít những cặp mắt nhìn ra với vẻ dò xét. Tiếp xúc với người dân trong thôn, khi hỏi về nơi định cư mới của các hộ dân tổ 2- nơi xảy ra sự việc di dời nhà cửa chỉ vì có 2 thanh niên bị tâm thần lên cơn tự tử, ai nấy đều tìm cách lảng tránh và trả lời “không biết!”.

Khu tái định cư mới của các hộ dân tổ 2 thôn Bút Tưa.

Nhớ lại Bút Tưa những ngày đầu năm 2014 bao trùm một bầu không khí nặng nề, u ám, xen lẫn nỗi sợ hãi khi trong làng xảy ra sự việc 2 thanh niên A Lăng Tròn, A Lăng Nghĩa liên tiếp thắt cổ tự tử vào cuối năm 2013, đầu năm 2014. Hai người là anh em con dì và đều có tiền sử bệnh tâm thần. Cả hai tự tử chết khi vừa được bác sĩ cho về nhà sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam. Nguyên nhân cái chết của 2 anh này sau đó đã được kết luận là do lên cơn vì hết thuốc dự phòng. Từ sau hai cái chết đó, người làng thêu dệt đủ thứ chuyện ma mị, huyễn hoặc khác. Từ những đồn thổi ấy, 17 hộ dân đang định cư trên quả đồi thuộc tổ 2 thôn Bút Tưa đã vội vã tháo dỡ nhà cửa dọn xuống các tổ khác để sinh sống, bất chấp có những ngôi nhà vừa mới xây lên cả trăm triệu đồng từ tiền đền bù xây dựng nhà máy thủy điện.

CUỘC SỐNG THAY ĐỔI

Giờ đây, con đường dốc liên thôn dài 2 km bằng bê-tông đi vào khu vực nhà ở của 17 hộ dân tổ 2 thôn Bút Tưa trước kia đã bị rào chắn lại. Cây cối trên đồi đã bị đốt trụi trước khi dời đi... Tuy nhiên ở đây, 4 ngôi nhà xây khang trang của các hộ dân vẫn đang an cư như cũ. Họ điềm nhiên ở lại mặc cho những người hàng xóm đã tìm về nơi ở mới. Anh A Lăng Prơơng, một trong 4 hộ dân ở lại cho biết: “Nhà mình không tin đâu, nhà mình ở đây từ lâu rồi. Dưới kia (nơi tái định cư của 17 hộ tại khu tổ 1, tổ 2, cách khoảng 500m) nhà mình đâu có đất như nhà họ mà đi xuống ở đó. Với lại họ đi vì sợ một phần, một phần ở lại đây làm ăn cũng khó khăn nên họ di chuyển đi thôi”.

Những ngôi nhà của các hộ dân vẫn bám trụ lại sau khoảng thời gian xảy ra cuộc di dời.

Anh Prơơng cũng cho biết, đại đa số các hộ dân tổ 2 trước kia đất rẫy khá nhiều, sau khi nhà máy thủy điện Sông Kôn tiến hành giải tỏa đền bù để xây dựng thủy điện, các hộ dân rơi vào cảnh thiếu đất canh tác. Trong khi vùng tái định cư nằm ở sát con sông Kôn có địa thế khá bằng phẳng và nguồn nước ổn định, thuận lợi cho chăn nuôi sản xuất. Chị Đinh Thị Ngơi-Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn chia sẻ: “Không phải họ bỏ làng đi như người ta nói, thực ra họ chỉ chuyển từ tổ này đến tổ khác trong làng thôi! Dưới này mặt bằng tốt hơn, làm ăn thuận lợi hơn. Giờ cuộc sống bà con cũng tương đối ổn định cả rồi, nhà cửa cũng đã xây dựng lại đàng hoàng”. Cũng theo chị Ngơi, suốt thời gian qua, chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Nam đã quan tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ người dân thôn Bút Tưa như xây dựng hệ thống điện, nước, đường sá giúp bà con ổn định cuộc sống mới. Hàng quý, đoàn thể chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước để  bà con yên tâm làm ăn.

Những ngôi nhà xây khang trang đẹp đẽ được mọc lên. Trên khu tái định cư mới, công trình đường bê-tông đã đi vào tận từng nhà dân. Nhà nào cũng có tivi, xe máy, đầu chảo... Theo già làng A Lăng Văng, hiện nay, thôn Bút Tưa có 3 tổ với 57 hộ, 195 nhân khẩu, sau những biến động, giờ đây cuộc sống người dân đã thay đổi khá nhiều, nhiều hộ nhờ trồng rừng đã vươn lên thoát nghèo. Mặc dù cuộc sống bám rẫy nương làm ăn vẫn còn bấp bênh khó khăn, nhưng so với trước cuộc sống bà con giờ đã tốt hơn rất nhiều. “Nói chung cuộc sống bà con ở đây thay đổi nhiều, nhưng so với nhiều nơi vẫn còn khó khăn. Mong sao Nhà nước quan tâm, giúp bà con có điều kiện thuận lợi hơn nữa để có thể làm ăn kinh tế, chăn nuôi sản xuất và vươn lên làm giàu ngay tại mảnh đất này!”-già làng A Lăng Văng tâm sự.

Ngọc Tân