Lãng phí tài nguyên ở khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Bài 1: Đua nhau xí đất ven biển rồi bỏ hoang)
Nhiều dự án (DA) tọa lạc tại đất vàng ven biển nằm trong Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (KKT CM-LC) thuộc H. Phú Lộc, TT-Huế đã được cấp phép nhiều năm nay nhưng vẫn chưa triển khai. Thực trạng này đã gây nên nhiều hệ lụy như: lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên du lịch vốn ngân sách, đời sống cư dân trong vùng DA “treo” gặp khó khăn...
DA Khu du lịch Diana Resort ở khu đất vàng ven biển dự kiến đưa vào sử dụng cách đây 8 năm nay cũng chỉ là khu đất hoang tàn. |
Xây đường 40 tỷ đồng cho “bánh vẽ” hơn 1.600 tỷ đồng
DA Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối (TT Lăng Cô, H. Phú Lộc) được UBND tỉnh TT- Huế cấp giấy phép lần đầu cho Cty TNHH Một thành viên Bãi Chuối Việt Nam đầu tư với vốn đầu tư đăng ký 1.636 tỷ đồng với diện tích 100 ha. DA dự kiến xây dựng 100 villa - resort - khách sạn và 70 villa cao cấp. Điều đáng nói, ngay sau khi DA này được cấp phép thì một con đường vào DA dài 6 km chạy quanh núi Hải Vân được đầu tư với kinh phí 40 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Năm 2012, con đường này hoàn thành nhưng DA thì vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang.
Theo một số người dân đi làm rừng ở khu vực này cho biết, từ ngày con đường này hoàn thành đến nay do không có phương tiện và người qua lại nên nhiều đoạn đã bị cây cối, dây leo mọc lấn ra nửa mặt đường. Ông Nguyễn Thìn (trú TT Lăng Cô) thường xuyên đi ngang qua khu này phân vân: “Dọc tuyến đường chẳng có nhà dân, cũng không có cơ sở du lịch nào, sao nhà nước lại bỏ tiền ra mở đường?”. Ông Dương Đăng Trung- Chủ tịch UBND TT Lăng Cô xác nhận, tuyến đường trên là phục vụ DA khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối và Dự án World Shine trên đèo Hải Vân (DA sau này bị rút giấy phép do cấp đất ở vị trí đất quốc phòng) và dịch chuyển đến vị trí khác. Ông Ngô Văn Phong- Trưởng phòng Đầu tư của Ban Quản lý KKT, Công nghiệp tỉnh TT-Huế cũng thừa nhận: Hiện nhà đầu tư DA nghỉ dưỡng Bãi Chuối vẫn chưa hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng. DA chậm tiến độ so với tiến độ tại giấy chứng nhận đầu tư.
Nhiều dự án ở đất vàng ven biển vẫn “trùm mền”
Ngoài “bánh vẽ” Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối hiện còn nhiều DA ở các khu đất vàng ven biển Lăng Cô vẫn tiếp tục “trùm mền”. Phải kể đến là DA Khu du lịch Diana Resort của CTCP Dịch vụ Đầu tư và Thương mại Việt với tổng số vốn đăng ký ban đầu là 232 tỷ đồng. DA được cấp 20 ha đất sát biển Lăng Cô, khởi công năm 2007, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010. Nhưng đến nay, DA này chỉ mới xây xong 1 phòng bảo vệ nhưng cũng đã bị sụp đổ, tốc mái. Còn lại là khu đất bạt ngàn hoang tàn, cây cối mọc um tùm, nhiều địa điểm trở thành nơi tập kết rác thải vật liệu xây dựng trông nhếch nhác. Cạnh đó, DA Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô của Cty TNHH Pegasus Fund 2- Việt Nam được cấp giấy phép năm 2006 với tổng số vốn đăng ký 4,8 triệu USD. Thế nhưng sau 12 năm cấp phép, hiện DA chỉ mới xây được hệ thống tường rào nhưng cũng bị gãy đổ ngổn ngang. Ông Lê Đình- Tổ trưởng TDP Lập An (TT Lăng Cô) cho biết, TDP có 420 hộ thì có gần 100 hộ bị thu hồi đất để giao cho DA. Có DA thu hồi đất đã 10 năm vẫn không xây dựng trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Có DA đã kiểm kê tài sản nhưng nhiều năm qua không thấy đền bù, người dân muốn tu sửa nhà cũng không được bởi nằm trong diện giải tỏa. Theo ông Dương Đăng Trung- Chủ tịch UBND TT Lăng Cô, các DA chậm triển khai vừa qua tỉnh cũng đã có thu hồi. “Đối với những DA ven biển đã được cấp lâu năm nhưng đến nay vẫn không sử dụng thì rất uổng. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị nếu nhà đầu tư nào có đủ năng lực thì tiếp tục đầu tư trở lại, còn DA nào không triển khai thì nên trả lại đất để dân sản xuất”- ông Trung nói.
Theo ông Hoàng Việt Trung- Phó Giám đốc Sở KH & ĐT tỉnh TT-Huế, ngoài một số DA nghỉ dưỡng ven biển thực hiện đúng tiến độ thì vẫn còn nhiều DA chậm tiến độ kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân DA chậm tiến độ gồm cả khách quan và chủ quan, tập trung vào một số nguyên nhân như: một số nhà đầu tư thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, không còn đủ khả năng triển khai DA; một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực để triển khai DA nhưng vẫn đăng ký để giữ chỗ, chờ chuyển đổi DA để kiếm lợi; nhiều DA đăng ký đầu tư với sản phẩm đầu ra tương tự trong khi khả năng hấp thụ nền kinh tế địa phương không cao dẫn đến khó đảm bảo hiệu quả DA...
Khu TĐC Lộc Vĩnh được đầu tư hơn cả trăm tỷ đồng nhưng hiện chỉ có khoảng 30% số hộ dân đến ở. |
Lãng phí
Thực trạng các DA ven biển “treo” nhiều năm nay ở KKT CM- LC gây lãng phí tài nguyên đất. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri từ cấp địa phương đến trung ương, người dân liên tục phản ánh về việc các DA “treo” khiến cuộc sống của họ đảo lộn. Nhiều hộ dân dù nhận được thông báo đất sản xuất của họ sẽ bị thu hồi để nhường đất cho DA. Vì vậy, nhiều hộ không dám sản xuất trên đất nữa vì sợ giữa chừng DA thu hồi. “Cũng từ đó, nhiều người trở nên thất nghiệp đành đi làm thuê làm mướn, đi bán hàng rong. Vậy mà chờ dài cổ từ năm này sang năm khác nhưng DA vẫn chưa triển khai”- bà Hồng ở TT Lăng Cô bức xúc.
Không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, nhiều khu tái định cư (TĐC) được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng ở KKT CM-LC cũng đang bỏ hoang gây lãng phí tiền của nhà nước. Khu TĐC Lộc Vĩnh nằm trên tuyến đường dẫn ra Cảng Chân Mây được đầu tư để bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng để thực hiện các DA ở xã Lộc Vĩnh. Giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích 22,4 ha với 358 lô TĐC. Tổng vốn đầu tư là 37 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 2007 - 2010. Ông Lê Công Minh- Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho hay, giai đoạn 1 của Khu TĐC sau 8 năm nhưng hiện chỉ có khoảng 30% số hộ dân đến ở. Mặc dù vậy, năm 2015, Khu TĐC Lộc Vĩnh giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai với vốn đầu tư lên đến 80 tỷ đồng với 340 lô và hoàn thành cuối năm 2017. Tuy nhiên, sau gần 1 năm đưa vào sử dụng nhưng hiện vẫn chưa “tiếp nhận” hộ dân nào đến ở. “Do các DA triển khai ì ạch nên đã kéo theo tình trạng các khu TĐC tiếp tục bỏ trống. Việc đầu tư xây khu TĐC với hệ thống đường sá, điện, nước quy mô nhưng số hộ dân ở rất ít cũng phần nào gây lãng phí”- ông Minh nói. Chung số phận với Khu TĐC Lộc Vĩnh, các khu TĐC: Lộc Tiến, Lộc Thủy và Lăng Cô cũng được đầu tư hàng chục tỷ đồng/khu nhưng hiện cũng chỉ lác đác hộ dân đến sinh sống.
(còn nữa) H.LAN