Làng rèn bên sông
(Cadn.com.vn) - Nằm ven bờ sông Trường Giang, giữa TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) tấp nập là một xóm lò rèn vẫn ngày đêm đỏ lửa. Vượt qua những con hẻm ngoằn ngoèo, âm thanh của phố thị như ngừng lại bởi tiếng gõ nhịp nhàng chan chát của búa, đe. Âm thanh ấy đã trở thành một phần của Xóm lò rèn Hồng Lư lịch sử, nơi bí mật in truyền đơn, may cờ, dán băng biểu ngữ phục vụ các cuộc mít-tinh, biểu tình đòi dân sinh dân chủ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Và trên hết, Hồng Lư là nơi bí mật rèn vũ khí với số lượng lớn trang bị cho đội tự vệ cứu quốc Vũ Hùng. Dù có qua bao thăng trầm, Hồng Lư vẫn được nhớ đến với 2 câu thơ “Chiến khu vũ khí của ta/ Hồng Lư tên gọi thật là công nhân”…
Về làng lò rèn Hồng Lư những ngày tháng 7, không khí như càng trở nên nóng hơn bởi những bếp than đỏ liên hồi. Theo lời kể của một bậc bô lão trong làng thì lịch sử nghề rèn nơi đây khá phong phú. Và đến nay đã có 4,5 thế hệ trong cùng một gia đình làm nghề. Trẻ con sinh ra đã quen mắt quen tai với tiếng búa quai, tiếng ống bể phì phò thâu đêm suốt sáng. Còn những người lớn quanh năm gắn mình với bụi than, nhễ nhại mồ hôi. Ông Trần Đình Bá hiện là người lớn tuổi nhất của làng rèn Hồng Lư nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Hơn 70 tuổi, ông không còn làm thợ rèn nữa mà chuyển về làm việc nhẹ hơn là mài và lắp cán dao. Thế nhưng ký ức một thời cả làng hừng hực lửa lò rèn, hừng hực lửa đấu tranh cách mạng vẫn được ông nhắc đến cho con cháu. “Tôi vẫn thường nói với con cháu, cái nghề này do cha ông để lại, phải gìn giữ. Đó không chỉ là nghề nuôi sống cả bao thế hệ gia đình và cả làng này, mà còn là nghề của lịch sử. Cả cuộc đời tôi đã gắn liền với ngọn lửa Hồng Lư”.
Lần giở xa hơn, ông Bá nhớ lại cái thời mà ông chỉ là cậu bé loắt choắt nghịch ngợm: “Trước năm 1945, ông nội tôi là ông Xã Y đã đi làm thợ và học nghề tại Huế, sau nhiều năm ông trở về quê mở lò rèn và thuê một số thợ ở Huế cùng vào làm nghề. Sau một thời gian ông đã tự chủ và làm rèn độc lập với những người thợ là con, cháu của ông. Ông đã truyền nghề lại cho con cháu và dân trong làng cái nghề rèn sắt này, Hồng Lư ra đời từ đó. Cũng từ bếp rèn đầu tiên ấy dần dần đã thêm 4 lò rèn mới là cha và các chú của tôi. Đời sống cứ tiếp diễn như thế chẳng bao lâu nơi này đã được biết tới là xóm lò rèn”, ông Bá nhớ lại. Đến nay, tổng cộng trong làng có đến 15 lò rèn lớn nhỏ; nghề này không còn là chuyện kể miệng nữa mà đã trở thành chuyện miếng cơm, manh áo của người dân nơi đây.
Cụ Bá với công đoạn cuối cùng trước khi cho ra sản phẩm. |
Những người thợ làm việc quần quật bên bếp lò rèn. |
Nghề thợ rèn làm việc quần quật cả ngày, không có giờ giấc, khỏe lúc nào thì làm lúc ấy. Tuy làm thủ công nhưng cũng không hề đơn giản. Sắt phế liệu được cắt ra đem vào lò nung, lò đốt bằng than xong rồi đập tạo dáng đến khâu làm nguội, mài, gắn chuôi lắp cán... Mỗi ngày, bình quân một lò rèn 3 thợ sẽ làm được 20 sản phẩm. Đó là các sản phẩm chuyên dùng như dao, rựa, kéo thợ may, cuốc xẻng…Cũng như những làng nghề khác, làng lò rèn cũng có lúc thịnh lúc suy. Nhất là một cái nghề quá gian nan và đòi hỏi sự tỉ mẩn này lại càng khiến cho lớp trẻ dễ nản lòng. Đã có một thời, làng nghề rèn Hồng Lư chao đảo, tưởng như không tồn tại lâu dài được, các lò rèn hoạt động cầm chừng, sản phẩm không tiêu thụ được.
Anh Trần Đình Giáo (cháu cụ Bá) chia sẻ: “Khi thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng rẻ, phong phú và tiện dụng thì những con dao được thợ rèn chúng tôi làm ra đã trở nên lỗi thời. Chính thợ rèn chúng tôi cũng còn hoang mang về cái nghề này huống gì là người tiêu dùng. Trong cuộc sống hiện đại cứ cái gì tiện lợi sẽ được ưu tiên.” Nhưng rồi qua thời gian người dân Hồng Lư vẫn kiên nhẫn, cần cù, sáng tạo, thông minh tạo ra sản phẩm bằng chính bàn tay lao động của mình. Những chiếc dao, rựa bền chắc vẫn đều đặn ra lò như niềm tin của xóm lò rèn về một nghề truyền thống đã và đang cần cho đời. Và như thế, thời gian trôi qua, đơn đặt hàng cũng như sản phẩm bày bán ở các chợ đều ngày càng tăng vì chất lượng thật và độ bền của sản phẩm. Nhiều khu chợ trong và ngoài thành phố cũng đã xuất hiện hàng hóa của làng nghề Hồng Lư. Thi thoảng người trong làng vẫn mang các sản phẩm đi rao bán ở khắp các ngóc ngách làng quê xứ Quảng. Theo anh Giáo thì những chuyến hàng về nông thôn tuy không lời là bao nhưng nhìn bà con nông dân hài lòng với những chiếc cuốc, rựa là những người thợ rèn lại thấy vui. Làng nghề không những tồn tại vững vàng mà còn phát triển hơn xưa, đến nay làng nghề đã có trên 15 lò rèn lớn nhỏ hoạt động liên tục với đội ngũ thợ được tuyển dụng và bổ sung tại chỗ. Rời lò rèn Hồng Lư, trên những bếp lửa vẫn đỏ rực như sắc đỏ của những năm tháng kháng chiến ngoan cường của quân dân Quảng Đà. Và những người thợ rèn ấy lại viết tiếp bài ca trên những cánh đồng, công trường trên đôi tay của những người nông dân, công nhân đang kiến tạo nên đất nước.
ĐỒNG DAO