Làng rèn ngàn tuổi
(Cadn.com.vn) - Trên quốc lộ 3 từ Bản Giốc về Cao Bằng, đêm đã bắt đầu buông xuống, người hướng dẫn viên du lịch thông báo sẽ dừng lại làng rèn Phúc Sen ngàn tuổi để mọi người ngắm... dao rựa. Thường trên hành trình tham quan, du lịch, các điểm dừng thường bán đặc sản địa phương như các loại bánh, các loại khô hay hàng mỹ nghệ. Còn bán các loại dao rựa rèn từ sắt thép thì mấy ai nghĩ đến nên chúng tôi khá bất ngờ khi đến Phúc Sen. Làng rèn Phúc Sen nhỏ lắm, dựa vào hai bên vách núi với những căn nhà cũng nhỏ, lợp ngói âm dương. Nhiều nhà để lò rèn và bày la liệt sắt thép. Phúc Sen có 10 xóm với khoảng 2.000 nhân khẩu, hầu hết là người Nùng, hiện có khoảng 150 lò rèn đặt rải rác ở sáu xóm: Phia Chang trên, Phia Trang dưới, Đầu Cọ, Pác Rằng, Tình Đông và Lũng Vài. Với số lượng 150 lò rèn thì lượng dao, rựa... làm ra phải rất lớn và phải có sức tiêu thụ mạnh. Bởi phàm danh tiếng chưa đủ, mà còn là chất lượng.
Khách chọn mua hàng ở làng rèn Phúc Sen. |
Xe vừa qua đèo Mã Phục đã nhìn thấy những hàng bán đồ rèn qua những ngọn đèn hắt chiếu. Dù tối, hàng rèn vẫn đợi khách, mà khách dừng chân lại rất đông. Trên xe chúng tôi ai cũng mệt sau khi đi một đoạn đường dài. Có người nói: “Ai mà mua dao về nhà, đi luôn đi”. Thì ra việc dừng lại ở chỗ chỉ bán dao chẳng làm cho mọi người hào hứng. Nhưng khi xe dừng lại, chủ cửa hàng đã bật thêm ngọn đèn cho khách nhìn thấy rõ mặt hàng thì mọi người bắt đầu chọn và mua các loại dao. Bà chủ cửa hàng bán dao ven đường ấy nói giá chắc như bắp, tùy loại, rẻ nhất là 30 ngàn cho chiếc dao dùng để thái rau hàng, đến 200.000 đồng cho chiếc dao dùng chặt xương. Những hàng bán dao ở đây dùng giá đỡ, các loại dao kéo, rựa cứ treo chổng ngược xuống cho khách lựa chọn. Bà chủ bảo: “Không ai tặng dao rựa, nói chung là các vật bén cho người quen. Các bác mua về, khi đưa cho ai thì bảo bán lại cho họ, lấy tượng trưng 5 ngàn đồng là được”. Cách giải thích của bà chủ cửa hàng khiến ai cũng tỉnh hẳn ra, cùng lựa dao kéo mà mua.
Khách hỏi mua, chọn dao xong, chủ cửa hàng gói trong giấy báo, cột bằng sợi lát. Không có bao bì chứng tỏ thương hiệu để lần sau khách ghé lại. Chủ cửa hàng cũng giải thích là dao ở đây không bán ở chợ, chỉ bán tại chỗ, làm theo đơn đặt hàng. Vì nếu đem vào chợ thì mọi người khó phân biệt với các loại dao kéo làm từ nơi khác. Bà còn giải thích là trên cán dao luôn có ký hiệu riêng của làng rèn Phúc sen. Đó là hai chữ cái “NL”, phụ âm đầu của hai chữ “Nông Lương”.
Dao rựa từ làng rèn Phúc Sen bén, xài bền bỉ cả chục năm hoặc hơn thế nữa thực sự đã vinh danh một làng nghề. Dẫu cả nước có bao nhiêu làng làm rèn, nhưng Phúc Sen với cách làm thủ công, lấy nhíp xe hơi nung trong lửa than. Đôi mắt người thợ tinh tế nhìn được độ chính của sắt để dập thành dụng cụ, và nước trui sắt chỉ là trộn với nước tro sao cho sắt bền, lưỡi bén thì lại là bí quyết. Điểm đặc biệt nữa là mỗi lò rèn trong nhà, đàn ông làm thợ chính để trui, dập, tạo dáng còn thợ phụ là già trẻ lớn bé làm công việc đẩy ống thổi, mài dao, đánh bóng... Chẳng thuê một ai, mà thuê cũng không có người làm. Tôi cũng mua trong hành trang trở về của mình một chiếc dao của làng nghề rèn ngàn tuổi ấy. nhiều bạn nghe tôi kể bảo sao không mua giúp họ vài cái. Thì ra không phải hàng hóa, dao ở Phúc Sen đã trở thành một món quà quý, bởi mỗi con dao nơi đây chắc chắn là một con dao chất lượng.
Khuê Việt Trường