Báo Công An Đà Nẵng

Lặng thầm trên trận tuyến an ninh

Thứ hai, 11/01/2016 09:19

(Cadn.com.vn) - Công việc của họ âm thầm, lặng lẽ nhưng cũng không kém phần căng thẳng, khó khăn. Bằng tình cảm, lý trí và trách nhiệm, CBCS Phòng An ninh xã hội (CATP Đà Nẵng) đã góp nhiều thành tích vào chiến công chung của lực lượng CATP trên trận tuyến bảo vệ an ninh quốc gia, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Hơn 30 năm công tác trong ngành, cũng chừng ấy thời gian, Thượng tá Vương Văn Quý, Phó trưởng phòng An ninh xã hội CATP gắn với lĩnh vực an ninh hết sức đặc thù này. Nhìn nhận về nhiệm vụ được giao, từ khi còn là trinh sát an ninh đến lúc đảm nhận chức trách lãnh đạo, Thượng tá Quý cho rằng, muốn trở thành một người chiến sỹ an ninh tốt, muốn có một tập thể Phòng vững mạnh đòi hỏi CBCS phải phát huy tinh thần "an ninh chủ động", luôn nắm vững mọi tình huống và triển khai hiệu quả các mặt công tác đảm bảo an ninh xã hội, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ.

"Do đặc thù của công tác an ninh xã hội phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc với những đối tượng có nhân thân đặc biệt, có trình độ và phương thức hoạt động tinh vi nên việc rèn luyện cho CBCS có phẩm chất chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ là đặc biệt cần thiết. Bên cạnh đó, cần quan tâm động viên CBCS khắc phục khó khăn, gian khổ, bám sát địa bàn, đối tượng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng tôn giáo, địa bàn xảy ra tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. Chính trong thực tiễn, CBCS tự rút ra cho mình những kỹ năng, chìa khóa thành công", Thượng tá Vương Văn Quý chia sẻ.

CBCS Phòng An ninh xã hội luôn lấy phương châm gần dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu giải quyết thấu tình, đạt lý. (Trong ảnh: Đại tá Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP cùng CBCS Phòng An ninh xã hội thăm hỏi các già làng trưởng bản tại xã Hòa Bắc, Hòa Vang).

Với thâm niên trong nghề, Thượng tá Quý là người hiểu rất rõ địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Những nơi anh đến, những địa bàn anh qua, người dân, đặc biệt là bà con có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số luôn coi anh như chính người thân trong gia đình. Anh tâm sự, công việc của người chiến sĩ an ninh thầm lặng, đối tượng hướng đến không phải là những tội phạm cụ thể, mặt trận ấy không có tiếng súng... nhưng cũng luôn nóng bỏng và nhiều lúc không kém phần gay go, phức tạp. Vũ khí của người chiến sĩ an ninh xã hội là kỹ năng vận động, tuyên truyền, là khả năng thuyết phục, định hướng. "Vận động người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, bà con có đạo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, bằng việc giải thích cho bà con phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, không để cho người khác xúi giục, làm trái với đạo đức, với tôn chỉ mục đích và đạo pháp của mình. Bên cạnh đó cũng vạch trần, phản bác và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động của các đối tượng thù địch, phản động", Thượng tá Quý cho biết.

Qua thực tiễn công tác, Thượng tá Quý nhìn nhận: Phương pháp đối thoại là giải pháp cơ bản nhất trong lĩnh vực an ninh xã hội. Thông qua đối thoại, người chiến sĩ an ninh sẽ nắm và chuyển tải những chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước tới quần chúng. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, thấu hiểu những khó khăn của người dân để qua đó tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm tạo được tiếng nói chung. Nhờ phương pháp đối thoại, đơn vị giải quyết thành công nhiều vụ việc phức tạp.

"Không chỉ ở Đà Nẵng mà hầu như ở các địa phương khác, trong những năm qua, nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng luôn nóng bỏng vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nếu không khéo léo, mềm mỏng và cương quyết thì không những không giải phóng được mặt bằng, hoàn thành các dự án đúng tiến độ, mà còn khiến chính quyền "gây thù chuốc oán" với chính người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều vụ việc đã được Phòng An ninh xã hội tham mưu các giải pháp thấu tình, đạt lý, góp phần giữ vững tình hình an ninh xã hội trên địa bàn thành phố", Thượng tá Vương Văn Quý nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, thực hiện phương châm "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân và chủ động nắm tình hình, Phòng An ninh xã hội đã tham mưu, giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, làm mất ANTT; nắm bắt kịp thời các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số..., góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với đặc thù công tác, rất khó nêu con số cụ thể để thống kê những chiến công, thành tích của CBCS Phòng An ninh xã hội CATP, tuy nhiên, trong nhiều năm liền, đơn vị đã nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP và Giám đốc CATP Đà Nẵng... trao tặng. Đặc biệt trong năm 2015, Phòng An ninh xã hội là 1 trong 4 đơn vị trong toàn lực lượng CATP được đề nghị Bộ Công an tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Đó là niềm vui, sự khích lệ và cũng là sự động viên lớn lao để mỗi CBCS Phòng An ninh xã hội CATP quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Doãn Hùng