Báo Công An Đà Nẵng

Lang thang cùng thợ săn Dúi

Thứ tư, 14/08/2013 09:01

(Cadn.com.vn) - Khi những cơn mưa rào đầu tiên đổ xuống, báo hiệu mùa mưa Tây Nguyên thì cũng là lúc thợ săn ở các làng thuộc xã Đăk Smar (H. Kbang, Gai Lai) len lỏi qua cánh rừng le, lồ ô săn Dúi. Không bé như những chú chuột đồng, loài Dúi được ví như những "con heo đất" bởi mình tròn trịa và phủ lớp lông dày kín như heo rừng. Đối với người Bahnar bản địa, Dúi không chỉ là món khoái khẩu mà còn mang một ý nghĩa tâm linh trong một lễ hội mang tên loài vật này. Tình cờ khi có mặt ở làng Cam (Đăk Smar), chúng tôi được những thợ săn Dúi người Bahnar cho theo. Hang Dúi thường nằm ở các rừng le mọc trên đồi đất sỏi vào mùa khô rất cứng, khó đào. Riêng loài Dúi, nhờ 4 chân móng vuốt và đặc biệt là 4 răng cửa to bản như răng thỏ nên dù đất cứng hay mềm cũng đào hang rất sâu..."Hắn ăn xong rồi đào hang, đào xong rồi ăn, ngủ, rồi tìm bạn gái, rồi lại đào", thợ săn Đinh Hlêu diễn giải.

Người và lũ chó đều tích cực tìm miệng hang Dúi.

Từ tờ mờ sáng, nhóm thợ săn đã gom bầy chó săn. Khi cơn mưa ngớt hạt cũng là lúc họ lùa lũ chó đi vòng qua rừng le. Sau tiếng huýt gió nhẹ của Tới, con đực cầm đầu đã dẫn đàn lao vào các bụi le sục sạo, nhóm thợ săn chỉ cần ngồi chờ. Bỗng đàn chó sủa mấy tiếng đanh vang, Tới ra hiệu cho cả nhóm bươn theo hướng chó sủa. Đến một miệng hang Dúi, cả nhóm nằm rạp xuống đất. Tới áp tai xuống một lúc rồi cười tươi: "Hắn dưới đó rồi! Đang ăn rột rột!". Như đã phân công trước, mỗi người tỏa ra dọc bụi le tìm đường vào hang cũng như những đường thoát hiểm mà Dúi ta đã đào phòng thân. Chỉ vào nơi đụn đất còn mới và được che lấp sơ sài, Yân bảo: "Cửa vào hang nó đấy, hắn lấp sơ sơ kia để tránh rắn, rết bò vào đó!". Phía bên kia Tới, Hlêu cũng tìm được vài lỗ hang, nhưng vẫn chưa xác định đâu là đường thoát hiểm của Dúi. Tiếng huýt gió của Tới lại vang lên, lũ chó săn nghe tiếng chạy về, sau cái vỗ tay vào hang, lũ chó như lên cơn cuồng rít từng tiếng lao vào các lỗ hang sục sạo đánh mùi, đào bới. "Thường thì một hang chỉ có một con thôi, đôi khi bắt được cả vợ, chồng nhà nó nhưng hiếm lắm", Tới cho biết.

Chó săn được huy động tìm các ngóc ngách thoát hiểm của Dúi.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ đào bới, phải đổi hướng đào vài lần và đã xuống gần 2m, nhóm phân công Yân và Tới lấy nước đổ xuống hang. Hlêu thở phì phò: "Giờ chỉ có đổ nước thôi, hắn không nhịn thở được lâu đâu!". 2 phút, 3 phút rồi 5 phút trôi qua... Đột nhiên, Yân kêu lên: "Kìa, ra rồi!". Mặt nước chợt động đậy, rồi một chú Dúi từ trong hang vọt ra thở hổn hển lấy hơi. Dưới ánh sáng cặp mắt chuyên ở trong bóng tối như bị lòa đi, ngơ ngác, loạng choạng... Nhanh tay, Hlêu chặt một đoạn cây có 2 nhánh như gọng kìm đưa xuống kẹp chặt lấy đầu con Dúi  rồi dùng tay túm cổ nó. Tiếng kêu của Dúi khiến lũ chó cuồng lên sủa inh cả rừng. Dùng thanh cây gõ mạnh làm gãy 2 cặp răng nanh, nhóm săn bỏ chú Dúi vào bao và tiếp tục luồn qua những cánh rừng le tìm những đường hầm mới của lũ Dúi...

Thợ săn Dúi phải luồn mình vào hang.

Công việc cứ cần mẫn như lũ Dúi từng ngày, từng giờ đào hang.. Theo Tới, Dúi được giá khoảng 150 nghìn đồng một kg cho giới thu gom. Mỗi nhóm 3-4 người đào thì một ngày trung bình kiếm được 500-600 nghìn đồng. Nhưng cũng có lúc đào cả ngày nhưng không có một con nào. Trước đây, Dúi rất nhiều nhưng giờ rừng le cũng bị mất dần nên Dúi cũng mất dần theo.

Thành quả là chú Dúi béo ngậy sau hơn 1 giờ đồng hồ đào bới.

Không chỉ là thực phẩm được ưa chuộng, săn Dúi trở thành một lễ hội trong đời sống của đồng bào Bahnar ở Gia Lai. Hằng năm, cứ vào đầu mùa mưa, khi những chồi cây nhú lên, lúc những bụi le, lồ ô ra búp thì cũng là lúc cộng đồng người Bahnar tổ chức Lễ hội Dúi. Theo quan niệm của người Bahnar, Dúi là biểu tượng của sự cần cù, siêng năng, thế nên trong lễ hội, mỗi miếng thịt Dúi là điềm lành, mang đến sự may mắn, một mùa bội thu...

Minh Tân