Làng Tốt - thời kỳ nam đã xa
(Cadn.com.vn) - Cách đây khoảng chục năm, vùng miền núi phía tây H. Ba Tơ, Quảng Ngãi rúng động một thời gian dài bởi hiện tượng trúng trầm kỳ. Nhiều người dân bao đời chỉ sống nhờ rừng, những vạt keo lá tràm... chỉ qua một đêm bỗng trở thành tỷ phú. Ấy vậy mà chỉ sau thời gian ngắn ngủi sống trên "núi tiền", giờ đây đại đa số những tỷ phú năm nào nghèo lại hoàn nghèo.
Con đường độc đạo nằm vắt ngang vách núi từ trung tâm xã Ba Lế, H. Ba Tơ vào Làng Tốt chỉ độ 10km nhưng phải mất hơn một giờ rưỡi chạy xe máy. "Thời điểm đó, Làng Tốt như một cái chợ buôn bán kỳ nam. Hàng trăm người từ khắp nơi rầm rập đổ về, gây xáo trộn cuộc sống người dân nơi đây. Suốt mấy tháng ròng rã, lực lượng chức năng phải túc trực thường xuyên mới có thể đảm bảo tình hình ANTT"-nói về câu chuyện kỳ nam 10 năm trước, anh Phạm Văn Sự, công an viên Làng Tốt cho biết. Khi tôi hỏi chuyện về những tay trúng trầm, anh Sự xởi lởi: Một trong số những tỷ phú "một thoáng lên đời" nhờ trúng trầm phải nhắc đến cái tên Phạm Văn Xắc. Giờ Làng Tốt chỉ còn mình ông là tỷ phú đúng nghĩa. Bởi tiền trúng trầm, một phần ông sử dụng để cất lại căn nhà mới khang trang, kiên cố, phần lớn ông gửi vào ngân hàng lấy lãi làm vốn trồng rừng. Giờ già Xắc là người giàu nhất làng, sở hữu hàng trăm héc-ta keo...
Làng Tốt bên dòng sông Liêng. |
Tạt vào quán nước bên đường nghỉ chân, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười về bi kịch của những tỷ phú quá vãng. Một thanh niên thất thểu chân nọ đá chân kia vào quán hét toáng lên: "Chủ quán, bán một gói mỳ tôm và hai lít rượu. Ký sổ nhé". "Lại ký sổ nữa à! Thế bao giờ thì trả hết nợ đây?", chủ quán vặn lại. Tay thanh niên nhìn chằm chằm chủ quán rồi thét: "Vài bữa nữa. Bán keo có tiền tao trả ngay". Đó là Lướt, con trai bà Luốc, một tỷ phú trúng kỳ nam khoảng chục năm trước nhưng giờ nhà chẳng còn gì, trâu bò cũng bán sạch, chỉ còn biết nương nhờ vào vài héc-ta đất rừng.
Tìm đến nhà bà Luốc. Thấy người lạ, bà có vẻ rụt rè, sợ sệt nhưng khi được anh Sự giải thích, bà mới mở lòng. Bà Luốc bảo: "Hồi cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi có biết trầm là gì đâu. Được ông Xắc nhờ mang cơm hộ nên khi trúng trầm ổng có cho chút ít. Sau này tôi đem bán mới ngỡ ngàng khi trong tay cầm nhiều tiền như rứa. Nhưng giờ thì tiền hết sạch rồi". Bà kể thêm, lâu ni hoàn cảnh gia đình nghèo khó nay lại sống trên "núi tiền", ba đứa con bắt đầu tiêu xài hoang phí. Cứ thấy cái gì đẹp cũng mua, cái gì mới cũng sắm. Tiền gửi vào ngân hàng chưa có lãi chúng đã vội rút, cứ vậy mà hết dần lúc nào không hay. 4 mẹ con vẫn ở trong căn nhà tuềnh toàng, làm lụng tối mặt trên nương rẫy.
Trong danh sách những tay trúng trầm của Làng Tốt phải kể đến Phạm Văn Nhương. Dân làng bảo, lúc trúng trầm Nhương phóng khoáng lắm, gặp ai cũng xởi lởi mời nhậu, rủ xuống phố sắm sang, vui vẻ. Nhương xài toàn đồ hiệu, tiền tiêu không tiếc tay... Ánh mắt u buồn, Nhương bảo: "Mình không được học hành, quanh năm chỉ biết đi núi, đi rừng, đến lúc có tiền lại không nhìn xa được nên không biết quý đồng tiền mà tiêu xài hoang phí. Giờ thì hết rồi, lụn bại rồi"...
Ông Phạm Văn Xắc-tỷ phú còn lại duy nhất của Làng Tốt. |
Tôi tìm đến nhà già Xắc, ngôi nhà to lừng lững bên khu văn hóa thôn Mang K'Rúi. Ông bảo: "Nhờ trúng trầm mà gia đình tôi mới có được ngôi nhà khang trang, vững chãi như vậy, chứ trước đây nghèo lắm, tiền không có ăn nói gì xây nhà. Giờ thì khác rồi, có tiền mình lo phát rẫy trồng rừng, cuộc sống thong thả hơn trước đây". Kể chuyện trúng trầm, già Xắc hào hứng: Năm 2007, già Xắc và 8 người trong làng vào rừng săn rùa vàng. Ông vốn thông thạo đường rừng nên đi trước; lúc trời sẩm tối ông phát hiện có nhiều "zách" cây trôi dạt trên sông rất giống kỳ nam nên mang đi đốt thử và thấy mùi thơm. Lần đó họ có trong tay chừng hơn chục ký kỳ nam, trở thành những tỷ phú trong chớp mắt...
Thế nhưng, sau chục năm, người ta cũng chỉ biết đến Làng Tốt là một trong những địa phương xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất ở Quảng Ngãi. Làng có 2 thôn Mang K'rúi và Vã Lếch với khoảng 80 hộ dân sinh sống và tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Hôm chúng tôi đến, buôn làng nhộn nhịp hơn thường ngày; từng đoàn người tấp nập khuân vác đồ đạc, nói chuyện í ới dưới điểm trường học đang gấp rút hoàn thành. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chủ yếu tự cung tự cấp. Con đường mòn xuống trung tâm xã vẫn đầy đá sỏi trơn trượt. Bà Phạm Thị Lăng-Chủ tịch UBND xã Ba Lế, chua xót: "Giờ người Làng Tốt chẳng còn nhiều tỷ phú, triệu phú như trước nữa, chỉ còn mình già Xắc thôi. Làng Tốt vẫn là một trong những ngôi làng khó khăn nhất của địa phương. Chúng tôi chỉ tiếc rằng, nếu vào thời điểm đó, người dân biết nhìn xa hơn, đầu tư cho tương lai nhiều hơn và chính quyền cũng tích cực động viên, tuyên truyền thêm thì giờ đã không tái nghèo như vậy. Nói vậy thôi, chứ tiền là của họ nên việc sử dụng ra sao mình không can thiệp được".
Nguyễn Hữu Đức